Dịch thuật: Sao lại nói là "Viêm Hoàng tử tôn"

SAO LẠI NÓI LÀ “VIÊM HOÀNG TỬ TÔN”

          “Viêm Hoàng” 炎黄 chỉ Viêm Đế 炎帝 và Hoàng Đế 黄帝, hai vị đế vương thời thượng cổ của Trung Quốc (trên thực tế có khả năng là hai vị lãnh tụ bộ lạc nổi tiếng của thời kì xã hội nguyên thuỷ Trung Quốc).
          Theo truyền thuyết, Viêm Đế tính Khương , nguyên cư trú tại lưu vực Khương Thuỷ 姜水 (nay trong địa phận huyện Kì Sơn 岐山 Thiểm Tây 陕西), về sau phát triển về hướng đông đến khu vực trung nguyên. Nhân vì Viêm Đế bắt đầu dạy dân chế tác nông cụ, phát triển nông nghiệp, cho nên mọi người còn gọi ông là “Thần Nông thị” 神农氏.
          Hoàng Đế tính Cơ , cư trú nơi gò Hiên Viên 轩辕 (nay tại phía tây bắc huyện Tân Trịnh 新郑Nam 河南), cho nên ông còn được gọi là “Hiên Viên thị” 轩辕氏. Hoàng Đế nguyên là thủ lĩnh các bộ lạc ở trung nguyên, về sau đại chiến với Viêm Đế tại cánh đồng Bản Tuyền 阪泉, dưới sự ủng hộ của các bộ lạc, ông giành thắng lợi, được tôn làm lãnh tụ của liên minh bộ lạc.
          Sau này, mọi người xem Viêm Đế và Hoàng Đế là tổ tiên sớm nhất của dân tộc Trung Hoa, coi mình là con cháu đời sau của Viêm Đế và Hoàng Đế. Nhiều người có lòng yêu nước đều tự xưng là “Viêm Hoàng tử tôn” 炎黄子孙 (con cháu Viêm Hoàng), dùng để biểu đạt lòng tự hào dân tộc.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 08/11/2016

Nguồn
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân 沈艳春
            Đô Hưng Đông 都兴东
             Hà Thục Quyên 何淑娟
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post