Dịch thuật: Người sáng lập Nho gia - Khổng Tử

NGƯỜI SÁNG LẬP NHO GIA – KHỔNG TỬ

          Tổng kết lễ chế Tam Đại, chỉnh lí thư truyện, trên bắt đầu từ Đường Nghiêu Ngu Thuấn, dưới xuống đến Tần Mục Công 秦目公, biên định sự tích của họ, trong sử sách nói rằng những việc đó đều xuất phát từ tay Khổng Tử 孔子.
          Thời cổ, Thi có 3000 thiên, Khổng Tử căn cứ vào học thuyết của mình, sau khi bỏ đi một số, tuyển chọn được 305 thiên giúp cho việc tuyên dương lễ giáo biên định thành sách, trên ghi lại việc của Hậu Tắc 后稷, giữa thuật lại đời Thương Chu, dưới chép về chính sách bạo ngược của U Vương 幽王 và Lệ Vương 厉王. Khổng Tử còn đem 305 thiên này phối cùng âm nhạc để cho hợp với nhạc Thiều , Vũ , Nhã , Tụng . Từ đó dường như lễ nhạc hoang phế thất truyền mới lại được lưu truyền trở lại. Khổng Tử lúc về già thích đọc Dịch . 10 thiên Dịch truyện 易传 như “thoán” “hệ” “tượng” “thuyết quái” và “văn ngôn” đều xuất phát từ tay Khổng Tử.
          Khổng Tử căn cứ vào một số lịch sử ghi lại thành bộ Xuân Thu 春秋. Lịch sử mà bộ Xuân Thu ghi chép, trên bắt đầu từ Lỗ Ẩn Công 鲁隐公, dưới xuống đến Lỗ Ai Công 鲁哀公 năm thứ 14. Khi Khổng Tử giữ chức Tư khấu xử lí án kiện, về văn tự nhất trí với người khác, bản thân không đứng riêng lập dị. Đến khi ông viết bộ Xuân Thu, cách viết lại hoàn toàn bất đồng. Khổng Tử cho rằng chỗ nào cần phải chép thì phải ghi chép như thực, chỗ nào cần phải bở thì dứt khoát bỏ, ngay cả các đệ tử giỏi việc ghi chép như Tử Hạ 子夏 đều không thể giúp ông viết. Khi dạy cho đệ tử bộ Xuân Thu, Khổng Tử nói rằng:
          - Đời sau, người hiểu ta là nhờ ở bộ Xuân Thu này; người trách ta cũng là ở bộ Xuân Thu này.
          Khổng Tử dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc để dạy học trò. Học trò của Khổng Tử có đến hơn 3000 người, trong số đó, tinh thông lục nghệ có 72 người.
          Khổng Tử mất ngày 5 tháng 4 năm Lỗ Ai Công thứ 16 (năm 479 trước công nguyên).
          Thái Sử Công nói rằng:
          - Trong “Thi” có nói: ‘Núi cao khiến người chiêm ngưỡng, đường rộng để người theo đi’. Ta tuy không ở vào thời Khổng Tử, nhưng lòng luôn hướng đến ông ta. Ta đọc những trứ tác của Khổng Tử có thể tưởng tượng ra con người của ông. Đến nước Lỗ, thăm miếu đường, xe cộ, y phục lễ khí của Trọng Ni, nho sinh đến nơi ở cũ của Khổng Tử để tập lễ nghi, lòng ta luôn kính ngưỡng, lưu luyến
bồi hồi không nỡ ra đi. Khổng Tử chẳng qua là bình dân áo vải, nhưng học thuyết của ông  lưu truyền mười mấy đời, khiến học giả kính ngưỡng, Từ Thiên tử Vương Hầu trở xuống, người bàn luận lục nghệ Trung Quốc đều lấy học thuyết của Khổng Tử làm tiêu chuẩn thị phi.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 10/11/2016

Nguyên tác Trung văn
NHO GIA SÁNG THUỶ NHÂN – KHỔNG TỬ
儒家创始人 - 孔子
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post