BỐI CẢNH SÁNG TÁC “TÂY DU KÍ”
Tây Du Kí 西游记 chủ yếu miêu tả câu chuyện Tôn Ngộ Không 孙悟空 bảo vệ Đường Tăng đi Tây thiên thỉnh kinh, trải qua
chín chín tám mốt kiếp nạn. Đường Tăng thỉnh kinh là việc có thực trong lịch sử.
Khoảng chừng hơn 1300 năm trước, tức niên hiệu Trinh Quán 贞观 thứ nhất đời Đường Thái Tông 唐太宗 (năm 627), năm
đó Hoà thượng Huyền Trang 玄奘 chỉ mới 25 tuổi, rời
kinh thành Trường An 长安, một mình đi đến
Thiên Trúc 天竺 (Ấn Độ) du học. Sau khi từ Trường An xuất phát, Hoà
thượng Huyền Trang đi qua các nước Trung Á như A Phú Hãn 阿富汗 (Afghanistan
– ND), Ba Cơ Tư Thản 巴基斯坦 (Pakistan – ND),
trải qua biết bao gian nguy hiểm trở, cuối cùng đến được Ấn Độ. Hoà thượng Huyền
Trang ở nơi đó học hơn hai năm, đồng thời trong một lần chủ giảng buổi hội biện
luận kinh học Phật giáo, đã nhận được sự tán thưởng. Năm Trinh Quán thứ 19 (năm
645), Hoà thượng Huyền Trang về đến Trường An, mang theo 657 bộ Kinh Phật. Đi
Tây thiên thỉnh kinh lần đó, trước sau trải qua 19 năm, hành trình mấy vạn dặm,
là cuộc trường chinh vạn lí thần kì, chấn động một thời. Về sau Hoà thượng Huyền
Trang thuật lại những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến Tây hành, được đệ tử
Biện Cơ 辩 ghi chép lại thành bộ Đại Đường Tây Vực Kí 大唐西域记 gồm 12 quyển. Nhưng bộ sách này chủ yếu thuật lại lịch
sử, địa lí cùng giao thông của các nước trên đường đi qua, không có câu chuyện
nào cả. Đến đệ tử Tuệ Lập 慧立, Ngạn Tông 彦琮 biên soạn thành bộ Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện 大唐大慈恩寺三藏法师传, đã
gia tăng thêm nhiều màu sắc thần thoại cho chuyến đi của Hoà thượng Huyền
Trang, từ đó, câu chuyện Đường Tăng thỉnh kinh bắt đầu lưu truyền rộng rãi
trong dân gian. Thời Nam Tống có Đại Đường
Tam Tạng Thủ Kinh Thi Thoại 大唐三藏取经诗话, viện bản (1) đời Kim có Đường Tam Tạng 唐三藏, Bàn Đào Hội 蟠桃会, tạp kịch đời Nguyên có Đường Tam Tạng Tây Thiên Thủ Kinh 唐三藏西天取经 của Ngô Xương Linh 吴昌龄,
Nhị Lang Thần Toả Tề Đại Thánh 二郎神锁齐大圣 (không rõ
tác giả), những tác phẩm này là cơ sở đặt nền móng cho việc sáng tác Tây Du Kí. Cũng trên cơ sở hí khúc, truyền
thuyết dân gian và thoại bản (2), trải qua sự tái sáng tạo gian khổ,
Ngô Thừa Ân 吴承恩đã chỉnh lí, gia công hoàn thành bộ trứ tác văn học vĩ
đại này.
Chú của người
dịch
1- Viện bản 院本: một dạng thức
đại biểu cho hí kịch đời Kim trên cơ sở “hí khúc”, có ý nghĩa quan trọng trong
lịch sử phát triển hí kịch Trung Quốc.
Trong Xuyết Canh Lục 辍耕录 quyển 25, mục Viện bản danh mục 院本名目 của Đào Tông
Nghi 陶宗仪cùng trong Thanh
Lâu Tập Chí 青楼集志 của Hạ Đình Chi 夏庭芝 đời Nguyên, có ghi chép sơ lược về hình thái của viện
bản. Vương Quốc Duy 王国维thời
cận đại trong Tống Nguyên hí khúc khảo 宋元戏曲考 đã giải
thích rằng:
- Viện bản là kịch bản của hành viện. Hành viện
đại để là nơi ở của ca kĩ mà người đời Kim nói đến. Kịch bản mà họ diễn xướng gọi
là viện bản.
2- Thoại bản 话本: là kịch bản gốc
mà người trình diễn dùng để diễn giảng câu chuyện bằng hình thức kể. Nó là loại
hình thức văn học phát triển theo kĩ nghệ thuyết thoại dân gian mà ra. Thoại bản
hưng khởi đời Tống là tiểu thuyết bạch thoại, dùng từ ngữ thông tục viết thành,
đa phần lấy câu chuyện lịch sử hoặc lấy cuộc sống xã hội đương thời làm đề tài.
Đời Tống, kịch bản của người trình diễn cũng được gọi là “thoại văn” 话文, cũng nói tắt là “thoại” 话.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/11/2016
Nguồn
TÂY DU KÍ
西游记
Tác giả: (Minh) Ngô Thừa Ân 吴承恩
Cải biên: Vương Tận Phương 王尽芳,
Hoắc Ý Quyên 霍意娟
Bắc Kinh : Trung Hoa hoạ báo xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật