Dịch thuật: "Công Hầu Bá Tử Nam" là chế độ tước vị ....

“CÔNG HẦU BÁ TỬ NAM” LÀ CHẾ ĐỘ TƯỚC VỊ DO TRUNG QUỐC ĐẶT RA, HAY LÀ TỪ NƯỚC NGOÀI ĐƯA VÀO

          “Công Hầu Bá Tử Nam” 公侯伯子男 là chế độ tước vị thời cổ của Trung Quốc, và ở phương tây cũng có chế độ đặc quyền “Công tước”, “Bá tước” hoặc “Nam tước”. Thế thì tại Trung Quốc vốn đã có, hay là sau này từ phương tây đưa vào?
          “Công Hầu Bá Tử Nam” là chế độ tước vị thực hành sớm nhất ở Trung Quốc. Theo Thông Điển – Chức Quan – Phong tước 通典 - 职官 - 封爵 có nói:
          Thời Hoàng Đế, chế ra vạn dặm, làm vạn quốc, mỗi quốc 100 dặm.
Thời Đường Ngu, Hạ: kiến quốc có 5 bậc: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Thời Ân có 3 bậc: Công, Hầu, Bá. Công 100 dặm, Hầu 70 dăm, Bá 50 dặm.
Thời Chu có 5 bậc: Công, Hầ,u Bá, tử, Nam. Công và Hầu 100 dặm, Bá 70 dặm, Tử và Nam 50 dặm. Chu Công cải chế, Công 500 dặm, Hầu 400 dặm, Bá 300 dặm, Tử 200 dặm, Nam 100 dặm.
Trong Mạnh Tử - Vạn Chương 孟子 - 万章 có nói:
Thiên tử một, Công một, Hầu một, Bá một, Tử và Nam là một, tất cả là 5 bậc.
Quân một, Khanh một, Đại phu một, Thượng sĩ một, Trung sĩ một, Hạ sĩ một, tổng cộng là 6 bậc.
Theo chế độ, đất của thiên tử vuông ngàn dặm, đất của tước Công và tước Hầu đều 100 dặm, đất của tước Bá là 70 dặm, đất của tước Tử và tước Nam 50 dặm, tổng cộng có 4 bậc.
Nước chưa đến 50 dặm thì không triều cống thiên tử, mà là phụ thuộc vào một chư hầu nên gọi là nước phụ dung. Quan Khanh của thiên tử nhận đất phong ngang bằng với tước Hầu, Đại phu nhận đất phong ngang bằng với tước Bá, quan Sĩ nhận đất phong ngang bằng với tước Tử, tước Nam.
Tước vị khác nhau tuy phạm vi đất phong lớn nhỏ khác nhau, nhưng đại thể địa vị và quyền lợi trong nước lại ngang nhau, chỉ có sự đãi ngộ có sự sai biệt ở một trình độ nhất định về lễ tiết. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, tước vị được phân trong nội bộ chư hầu quốc có 3 cấp Khanh, Đại phu, Sĩ, mỗi cấp lại phân làm 3 bậc thượng, trung, hạ. Các nước, tuỳ theo sự lớn nhỏ của mỗi nước mà có sự đãi ngộ khác nhau. Như trong Tả truyện 左传 có nói:
Địa vị của Thượng khanh thứ quốc tương đương với Trung khanh của đại quốc; địa vị của Trung khanh thứ quốc tương đương với Hạ khanh của đại quốc; địa vị của Hạ khanh thứ quốc tương đương với Thượng đại phu của đại quốc. Địa vị của Thượng khanh tiểu quốc tương đương với Hạ khanh của đại quốc; địa vị Trung khanh của tiểu quốc tương đương với Thượng đại phu của đại quốc; địa vị Hạ khanh của tiểu quốc tương đương với Hạ đại phu của đại quốc.
Những quy định đó, các đời sau có sự thay đổi tồn tại và diễn hoá.
Xã hội phong kiến phương tây cũng tồn tại chế độ tước phong như thế, nhưng những danh từ “Công tước”, “Bá tước” này chỉ là Trung Quốc dựa theo thuật ngữ văn hoá Hán ngữ mà phiên dịch qua. Ví dụ lấy chế độ tước vị của nước Anh, chế độ ngũ tước bao gồm:
Duke (Công tước)
Marquess (Hầu tước)
Earl (Bá tước)
Viscount (Tử tước)
Baron (Nam tước).
Ở dưới còn có các xưng hiệu như:
Baronet (Tùng Nam tước)
Knight (Kị sĩ)
Nước Pháp cũng tương tự như thế. Các nước khác như nước Đức phân tước vị ra làm 15 bậc, Ba Lan thì có 4 bậc (không có Tử tước), Hungary có 3 bậc, không có Hầu tước và Tử tước.
Có thể thấy chế độ phong tước “Công Hầu Bá Tử Nam” trước triều Chu đã tồn tại rộng rãi, phương tây cũng tồn tại chế độ phong tước, nhưng giữa chúng không tồn tại quan hệ truyền thừa.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 13/10/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post