Dịch thuật: Từ "hành" tới "tẩu", từ "tẩu" tới "bào"

TỪ “HÀNH” TỚI “TẨU”, TỪ “TẨU” TỚI “BÀO”
BÀN VỀ CHỮ “TẨU”

          Thời cổ, đi gọi là “hành” , chạy gọi là “tẩu” . Trong câu chuyện Thủ chu đãi thố 守株待兔 (giữ gốc cây đợi thỏ) có câu:
Thố tẩu xúc chu, chiết cảnh nhi tử (1)
兔走触株, 折颈而死
(Con thỏ chạy đến, đụng phải gốc cây gãy cổ mà chết)
Chữ “tẩu” trong câu này chính là mang ý nghĩa chạy. Chạy là nghĩa gốc của “tẩu”. Thỏ nếu không chạy, thì làm sao đụng chết tại gốc cây? Không có thỏ chết thì cũng không có người giữ gốc cây. Cả câu chuyện liên quan với chữ “tẩu”. Còn như trong Tân Ngũ Đại Sử - Vương Tiến truyện 新五代史 - 王进传 nói Vương Tiến là:
Vi nhân dũng cảm, tẩu cập bôn mã (2)
为人勇感, 走及奔马
(Là người dũng cảm, chạy nhanh kịp với ngựa chạy)
          Có thể thấy chữ “tẩu” này, không phải là đi thông thường, mà là chạy nhanh. Thời cổ, đi trên đường gọi là “hành”, như:
Tam nhân hành, tắc tất hữu ngã sư (*)
三人行, 则必有我师
(Ba người cùng đi, tất có người là thầy ta)
Chữ “hành” trong đó chính là chữ “tẩu” mà hiện đại nói. “Tẩu” thời cổ chính là chạy, như:
“Tẩu tốt” là lính chạy
“Tẩu cẩu” 走狗 là chó chạy nhanh
“Tẩu thú” 走兽 là thú chạy nhanh
Còn như:
“Tẩu mã thướng nhậm” 走马上任 là cưỡi ngựa chạy nhanh đi nhận nhiệm vụ
‘Tẩu mã khán hoa” 走马看花 cũng chính là cưỡi ngựa chạy xem hoa
“Phi sa tẩu thạch” 飞沙走石 tức cát bay đá chạy, ý nói cát bốc lên, đá lăn đi
“Tẩu” từ nghĩa chạy dẫn đến nghĩa “đào tẩu” 逃走 (tháo chạy). Ở câu chuyện Hồ giả hổ uy 狐假虎威 (Cáo mượn oai hùm) trong Chiến Quốc Sách 战国策 có câu:
Ngô vị tử tiên hành, tử tuỳ ngã hậu, quan bách thú kiến ngã nhi cảm bất tẩu hồ?
吾为子先行, 子随我后, 观百兽见我而敢不走乎?
(Tôi đi phía trước anh, anh theo sau tôi, xem muôn thú thấy tôi dám không bỏ chạy sao?)
Muôn thú thấy hổ, chắc chắn là bỏ chạy tứ tán, không thể chạy từ từ. Ở đây cũng giống chữ “tẩu” ở câu trong Mạnh Tử - Lương Huệ Vương 孟子 - 梁惠王:
Khí giáp duệ binh nhi tẩu
弃甲曳兵而走
(Vất bỏ áo giáp, kéo lê binh khí mà tháo chạy)
Và chữ “tẩu” trong bài Thạch Hào Lại 石壕吏 của Đỗ Phủ 杜甫:
Lão ông du tường tẩu
老翁逾墙走
(Ông lão vượt tường bỏ chạy)
Những chữ “tẩu” này đều mang nghĩa tháo chạy.
          Đương nhiên, tháo chạy không phải hoàn toàn đều mang nghĩa không hay. “Tam thập lục kế tẩu vi thượng kế”, kẻ thiện chiến chạy không xấu hổ. Lưu bang 刘邦 với Hạng Vũ 项羽 tranh thiên hạ, tại “Hồng Môn yến” 鸿门宴, nếu không mang gươm mang thuẫn tháo chạy thì làm sao có thể thành sự nghiệp. Cho nên nói, “đào tẩu” 逃走 không nhất định đều không đúng, không nhất định đều đáng xấu hổ, ở đây cần phải phân tích cụ thể tình huống.
          “Tẩu” có phương hướng, lại dẫn đến nghĩa chạy hướng đến. Trong Liêm Pha Lạn Tương Như liệt truyện 廉颇蔺相如列传, viên hoạn quan Mục Hiền 缪贤 nói:
Thần thường hữu tội, thiết kế dục vong tẩu Yên
臣尝有罪, 窃计欲亡走燕
(Thần từng có tội, trộm nghĩ muốn chạy sang nước Yên)
“Tẩu Yên” ở đây là chạy hướng đến nước Yên. Đỗ Mục 杜牧trong A Bàng Cung phú 阿房宫赋  có viết:
Li sơn bắc cấu nhi tây chiết, trực tẩu Hàm Dương
骊山北构而西折, 直走咸阳
(Li sơn nổi lên từ hướng bắc, quẹo sang hướng tây rồi chạy thẳng đến Hàm Dương)
“Trực tẩu Hàm Dương” là chạy thẳng đến Hàm Dương.
“Tẩu” cũng có thể làm danh từ. Như mở đầu Báo Nhậm An thư 报任安书, Tư Mã Thiên 司马迁 đã viết:
Thái Sử Công ngưu mã tẩu
太史公牛马走
“tẩu” ở đây có nghĩa là nô bộc, Tư Mã Thiên khiêm xưng ví mình như nô bộc trâu ngựa. Trương Hành 张衡 trong Đông Kinh phú 东京赋 cũng có viết:
Tẩu tuy bất mẫn
走虽不敏
(Tẩu đây tuy không nhanh nhẹn)
“Tẩu” này cũng mượn chỉ bản thân, có nghĩa là “ngã” (tôi), đều là khiêm xưng.
          Từ gần nghĩa với “tẩu” có “bộ” , có “xu” . Trong Thích Danh 释名 ghi rằng:
Từ hành viết bộ, tật hành viết xu, cấp xu viết tẩu (3)
徐行曰步, 疾行曰趋, 急趋曰走
(Đi chậm là hành, đi nhanh là xu, chạy nhanh là tẩu)
          Từ đoạn này trong Thích Danh, chúng ta có thể biết 3 chữ: “bộ” “xu” “tẩu là gần nghĩa, chỉ khác ở chỗ là tốc độ khác nhau. “Bộ” là đi chậm, trong Xúc Long Thuế Triệu Thái Hậu 触龙说赵太后 có câu:
Nãi tự cưỡng bộ
乃自强步
(Tự cố gắng đi bộ)
“cưỡng bộ” là cố gắng đi bộ. “Xu” là bước ngắn nhưng nhanh, biểu thị cung kính, “Tẩu” là chạy nhanh.
          Và “bào” cũng là từ đồng nghĩa với ‘tẩu”, nhưng “bào” xuất hiện muộn hơn. Vương Lực 王力 (4) nói rằng:
          “Bào” là có nghĩa là chân trước của thú cào trên mặt đất, vùng Hàng Châu 杭州 Triết Giang 浙江 có “Hổ Bào tuyền” 虎跑泉.
          Tóm lại, chữ “hành” thời cổ chính là chữ “tẩu” của hiện đại; chữ “tẩu” cổ đại biểu thị ý nghĩa chạy, hiện đại được chuyển thành chữ “bào”. Từ đây có thể thấy rõ đầu mối di chuyển phát triển của từ ngữ.

Chú của nguyên tác
1- Lương Khải Hùng 梁启雄 Hàn Tử Thiển Giải – Ngũ Đố 韩子浅解 - 五蠹, trang 466, Trung Hoa thư cục.
2- Tân Ngũ Đại Sử - Tạp Truyện – Vương Tiến 新五代史 - 杂传 - 王进, 37, xem Nhị Thập Ngũ Sử 二十五史, trang 5130, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải thư điếm.
3- Vương Tiên Khiêm 王先谦tuyển tập Thích Danh Sớ Chứng Bổ - Thích Tư Dung 释名疏证补 - 释姿容, quyển 3, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
4- Vương Lực 王力 biên soạn Đàm Đàm Học Tập Cổ Đại Hán Ngữ 谈谈学习古代汉语, trang 257, Sơn Đông giáo dục xuất bản xã.

Chú của người dịch
(*)- Câu này ở thiên Thuật Nhi 述而 trong Luận Ngữ 论语.
          Theo Tứ thư 四書 (ngôn văn đối chiếu) của Hương Cảng Quảng Trí thư cục xuất bản, câu đó là:
Tam nhân hành,  tất hữu ngã sư yên
三人行, 必有我師焉
Không có chữ “tắc” .

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 24/9/2016
              
Nguyên tác Trung văn
TÙNG HÀNH ĐÁO TẨU, TÙNG TẨU ĐÁO BÀO
ĐÀM “TẨU”
从行到走从走到跑
  “
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998
Previous Post Next Post