Dịch thuật: Tần Doanh Chính hùng tài đại lược

TẦN DOANH CHÍNH HÙNG TÀI ĐẠI LƯỢC

          Năm 264 trước công nguyên, Doanh Chính 嬴正 lên ngôi Tần Vương, năm đó chỉ mới 13 tuổi. Thiếu niên Doanh Chính tính tình ngang ngạnh, cô tịch, đa nghi, hung bạo; điều đó có liên quan đến việc ông theo cha làm con tin nơi đất Triệu. Ngoài ra, về thân thế của ông có rất nhiều thuyết, đầy những nghi ngờ. Mẫu hậu xa xỉ dâm loạn đã tạo cho tâm lí của ông không ít ảnh hưởng, sau này ông nhiều lần trục xuất mẫu hậu khỏi cung, riêng với bản thân ông chưa từng phong Hậu, đại để có liên qua đến thời kì đầu của ông.
          Đương thời, một số quan viên nước Tần bị kẹp giữa hai tập đoàn lớn không biết theo ai, họ thường thở ngắn than dài: “Theo Lao thị 嫪氏 chăng? Theo Lã thị 吕氏 chẳng?” Lao thị tức Lao Ải 嫪毐, hoạn quan giả được mẫu hậu của ông sủng hạnh; Lã thị tức phụ chính Tướng quốc Lã Bất Vi 吕不韦. Theo sự phát triển quyền thế của hai tập đoàn này, cuộc đấu tranh tranh quyền đoạt lợi của bọn họ ngày càng ác liệt. Thiếu niên Doanh Chính nhẫn nhịn, chủ động thể hiện cái yếu, đợi đến năm ông 22 tuổi chính thức nắm quyền, lập tức tru sát Trường Tín Hầu Lao Ái dấy binh làm loạn, tiếp đó miễn chức Tướng quốc của “trọng phụ” Lã Bất Vi, đồng thời bức phải uống thuốc độc tự sát. Doanh Chính dẹp bằng hai đại chính địch, tập trung vương quyền, quét sạch chướng ngại, đây cũng là phản ảnh rõ nét trí tuệ chính trị bình tĩnh quả cảm của ông.
          Nếu như nói dẹp trừ hai tập đoàn chính trị Lao Lã một cách thuận lợi đã phản ánh trí tuệ chính trị của Doanh Chính, thế thì việc ông nghe theo kiến nghị Gián trục khách thư 谏逐客书của Lí Tư 李斯, thu hồi mệnh lệnh trục xuất khách khanh, nối tiếp truyền thống trọng dụng khách khanh của nước Tần, càng đột xuất phản ánh sự thành thục về chính trị của ông. Doanh Chính không những không tru sát những người nước Trịnh mượn danh xây dựng thuỷ lợi để làm hao tổn tài chính nước Tần, mà ngược lại để họ tiếp tục chủ trì công việc xây dựng thuỷ lợi ở quan trung, đất hoang ngàn dặm trở thành ruộng tốt. Ông cũng không câu nệ cứng nhắc trong việc dùng người hiền, đã nhậm dụng Cam La 甘罗 năm đó chỉ mới 12 tuổi làm Tướng để đi sứ nước Triệu, nhậm dụng Diêu Cổ 姚贾 từng mắc lỗi làm sứ thần, phong Lí Tư làm Đình uý nắm giữ hình pháp, sai Uất Liêu 尉缭 làm quốc uý thống lĩnh toàn quân. Trong đại nghiệp thống nhất của nước Tần, một số khách khanh đã lập được những công lao hiển hách. Doanh Chính không chỉ dùng người hiền, mà ông còn biết người và khéo dùng người. Khi phạt Sở, ông trước tiên dùng Lí Tín 李信, người tự thị mình trẻ và có sức, đã dũng cảm thừa nhận lỗi khinh địch, ông đích thân đến nhà lão tướng Vương Tiễn , gắng cầu xin ông lãnh binh xuất chinh. Diệt được Sở, hoàn thành một trạm quan trọng của chặng đường thống nhất. Xem lại 6 nước, không cho là vô tài: có Mạnh Thường 孟尝, Bình Nguyên 平原, Tín Lăng 信陵, Xuân Thân 春申 4 vị công tử; có các tướng lĩnh như Điền Đan 田单, Ngô Khởi 吴起, Tôn Tẫn 孙膑, Triệu Xa 赵奢 v.v... Nói một cách tương đối, 6 nước mất ở chỗ người không được dùng, tài năng không được thi triển, như Trương Nghi 张仪 người nước Triệu, nhân vì mong được phục vụ Nguỵ, Sở mà không được mới đến Tần. Phạm Tuy 范睢 người nước Nguỵ mấy lần chịu oan khuất cho đến chết; Triệu Vương nghe tin lời sàm thần Quách Khai 郭开, cự tuyệt Liêm Pha 廉颇 mà giết chết Lí Mục 李牧. Người được trọng dụng, sẽ trổ hết tài, đó là pháp bảo chế thắng cho cường Tần thống nhất.
          Hùng tài đại lược của Doanh Chính còn phản ánh rõ nét ở chỗ để thống nhất, ông định ra phương diện sách lược chiến lược chính xác. Ông dùng kế phản gián của Uất Liêu, định ra phương lược kết hợp giữa việc dùng vàng lụa dẫn dụ với việc dùng vũ lực, không chỉ phái Diêu Cổ mang vàng đi sứ Sơn Đông, phá hoại 4 nước liên minh phản Tần, hơn nữa trong cuộc chiến tranh kiêm tính thống nhất đối với Tề, Triệu, dùng vàng hối lộ li gián quân thần, có thể nói sách lược đó trăm lần không sai. Nước Tần còn trọng Dụng Trương Nghi người nước Nguỵ thực thi chính sách liên hoành “thờ một nước mạnh đánh các nước yếu”, để đối kháng với Công Tôn Diễn 公孙衍, Tô Tần 苏秦 với chính sách hợp tung “hợp các nước yếu để đánh một nước mạnh”, không chỉ nhiều lần li gián đồng minh các nước như liên minh Tề Sở, còn khiến một số nước nhỏ “sáng Tần chiều Sở” không biết theo ai.
          Chúng ta chú ý, Trương Nghi sở dĩ thành công trong việc li gián Tề, Sở, ở một mức độ lớn quy về chỗ ông không tiếc dùng vàng, miệng lưỡi khôn khéo. Do bởi thực hiện được ổn thoả, cũng do bởi các nước lợi hại bất nhất, việc đồng minh giữa 6 nước từ khi chưa liên kết với nhau có sức uy nhiếp, cũng không tạo thành nỗi cục diện chính trị mới. Chính vì thế, Tô Tuân 苏洵, văn học gia thời Bắc Tống trong tác phẩm Lục quốc luận 六国论 đã chỉ ra rằng 6 nước bị bại là tại mình chứ không phải tại cường Tần. Ngoài sách lược liên hoàn, trọng kim thực thi thành công ra, trong cuộc chiến tranh kiêm tính, Doanh Chính còn phát huy mang tính sáng tạo sách lược “viễn giao cận công” do Phạm Tuy đề xuất mà các đời thống trị nhà Tần đã vận dụng, trước tiên dùng binh đối với Tam Tấn (tức Hàn, Triệu, Nguỵ) mà cách Tần tương đối xa, phạt Yên tuy trước lúc diệt Nguỵ, đại để cũng có liên quan đến việc “Kinh Kha thích Tần” 荆轲刺秦. Cuối cùng mới diệt Sở, Tề. Như vậy không chỉ có thể kích phá từng nước, mà còn thuận lợi trong việc vận chuyển binh lương.
          Sự thống nhất của nhà Tần vừa là đại thế hướng đến, nhân tâm hướng đến, mà còn là kết quả tất nhiên trong việc so sánh thực lực của nhà Tần với 6 nước phía đông, đồng thời cũng không thể tách rời với hùng tài đại lược của cá nhân Tần Vương. Sự thống nhất của nhà Tần, đã đưa lịch sử Trung Quốc lên một giai đoạn mới.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 26/9/2016

Nguyên tác Trung văn
HÙNG TÀI ĐẠI LƯỢC
雄才大略
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 -
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006


Previous Post Next Post