KIẾN AN THẤT TỬ
“Kiến An thất tử” 建安七子 là hợp xưng 7 văn nhân thời Tam Quốc- Khổng Dung
孔融nước Lỗ, Trần Lâm 陈琳ở Quảng Lăng, Vương Xán 王粲 ở
Sơn Dương, Từ Cán 徐幹ở Bắc Hải,
Nguyễn Vũ 阮瑀ở Trần Lưu,
Ưng Sưởng 应瑒ở Nhữ Nam,
Lưu Trinh 刘桢ở Đông Bình.
Vương Xán 王粲 tự Trọng Tuyên 仲宣
người huyện Cao Bình 高平 quận Sơn
Dương 山阳, là Trưởng sử của Đại tướng
quân Hà Tiến 何进 cuối thời
Đông Hán. Sau khi Hán Vũ Đế dời đô đến Trường An 长安, Vương Xán cũng dời đến Trường An. Đối với tài hoa
của Vương Xán, Tả trung lang tướng Thái Ung 蔡邕
cảm thấy kinh dị, hết sức tán thưởng.
Năm Vương Xán 17 tuổi được triều đình
giao chức Hoàng môn thị lang. Do bởi đương thời cục thế Trường An rất hỗn loạn,
nên ông đã từ bỏ chức vị, rời Trường An đến Kinh Châu 荆州 đầu bôn Lưu Biểu 刘表. Nhưng Lưu Biểu thấy Vương Xán tướng mạo xấu xí,
thân thể suy nhược nên mãi không trọng dụng. Sau khi Lưu Biểu qua đời, Tào Tháo
曹操 công chiếm Kinh Châu, Vương
Xán khuyên con Lưu Biểu là Lưu Tông 刘琮
quy phụ Tào Tháo. Thế là Tào Tháo nhậm Vương Xán làm Thừa tướng duyện 丞相掾, còn ban cho tước vị Quan Nội
Hầu 关内侯. Tào Tháo cử hành yến hội
bên bờ Hán Thuỷ, Vương Xán phân tích tuấn kiệt trong thiên hạ, đồng thời nâng
chén chúc mừng Tào Tháo kì khai đắc
thắng,
bắt chước theo Chu Văn Vương lấy lễ đãi hiền sĩ.
Về sau, Tào Tháo lại cất nhắc Vương
Xán làm Quân mưu tế tửu. Sau khi nước Nguỵ được kiến lập, điều ông giữ chức Thị
trung. Vương Xán học vấn uyên bác, kiến thức rộng, ai hỏi gì đều trả lời được.
Trong thời cuộc hỗn loạn lúc bấy giờ, lễ chế xưa cũ đều phế bỏ, sau đó khi lập
mới chế độ, thường do Vương Xán phụ trách.
Sức nhớ của Vương Xán kinh người, từng
có một dạo Vương Xán và bạn cùng đi với nhau, có đọc bài văn bia bên đường, vừa
mới qua một lượt, người bạn liền hỏi ông:
- Giờ ông có thể đọc
thuộc không?
Vương Xán đáp rằng:
- Được.
Quả nhiên ông đọc không sót một chữ. Một lần khác Vương Xán
xem người ta đánh cờ vây, thế cờ nhiễu loạn, Vương Xán liền thay họ sắp xếp con
cờ theo thế cục như trước đó. Người đánh cờ đều không tin, bèn bày ra cuộc cờ
khác, dùng khăn phủ lên, sau đó gọi Vương Xán tại một bàn cờ trống, theo đó sắp
xếp lại, khi đối chiếu hai cuộc cờ, quả nhiên không sai một con.
Vương Xán rất giỏi toán thuật, lại giỏi viết văn, cầm bút lên
viết không cần sửa một chữ, đến nỗi người ta cho rằng ông đã cấu tứ trước.
Nhưng dù cho có dồn hết tâm trí đẽo gọt, cũng không thể viết hay hơn được.
Năm Kiến An 建安 thứ 21, Vương Xán theo Tào Tháo đông chinh Tôn
Ngô. Mùa xuân năm Kiến An thứ 22, Vương Xán bị bệnh và mất giữa đường, lúc bấy
giờ ông chỉ mới 41 tuổi.
Từ Cán 徐幹 là liêu thuộc của Quân mưu tế tửu phủ Tư không, đảm
nhiệm chức vụ Ngũ quan trung lang tướng văn học.
Trần Lâm 陈琳 lúc trước là chủ bạ của Hà Tiến 何进, lúc bấy giờ Hà Tiến muốn tiêu diệt bọn hoạn quan,
Hà thái hậu không đồng ý. Hà Tiến bèn triệu tập tướng lĩnh dũng mãnh các nơi, bảo
họ nhất tề dẫn quân tấn công kinh sư, muốn nhân đó uy hiếp thái hậu. Trần Lâm
can ngăn Hà Tiến, Hà Tiến không nghe theo lời, cuối cùng tự chuốc lấy hoạ. Về
sau Trần Lâm tị nạn đến Kí Châu 冀州,
Viên Thiệu 袁绍 phái ông
chủ quản việc văn chương. Sau khi cha con Viên Thiệu thất bại, Trần Lâm quy thuận
Tào Tháo. Tào Tháo nói với Trần Lâm rằng:
- Ông
trước đây viết hịch văn cho Viên Thiệu để thảo phạt ta, kể tội trạng của ta là
đủ rồi, căm ghét bản thân ta là đủ rồi, sao còn liên luỵ đến phụ thân cùng tổ
phụ của ta?
Trần Lâm nhận tội, Tào Tháo nhân mến
tài nên cũng không truy cứu.
Nguyễn Vũ 阮瑀 lúc còn trẻ theo học với Thái Ung. Thời Kiến An,
Đô uý Tào Hồng 曹洪 muốn phái
ông giữ chức vụ thư kí, ông không đồng ý, cuối cùng vẫn không khuất phục. Về
sau Tào Tháo cùng lúc dùng Trần Lâm, Nguyễn Vũ làm Tư không Quân mưu tế tửu, giữ
việc ghi chép. Lúc bấy giờ các loại thư tín, văn cáo trong quân trong nước đều
do Trần Lâm và Nguyễn Vũ viết. Về sau điều Trần Lâm làm Thống soái thủ hạ trực
thuộc tướng lĩnh quân đội, Nguyễn Vũ làm
Thuộc
quan của thương tào. Ưng Sưởng 应瑒,
Lưu Trinh 刘桢 lần lượt
được Tào Tháo mời ra làm thuộc quan của phủ Thừa tướng. Ưng Sưởng điều nhậm
Bình Nguyên Hầu thứ tử 平原侯庶子, về sau
lại giữ chức Ngũ quan tướng văn học. Lưu Trinh do bởi phạm tội bất kính bị phán
tội hình, sau khi mãn hạn phóng thích, vẫn về lại quan thự nhậm chức. Hai người
họ đều viết qua văn chương, phú có đến 10 thiên
Năm Kiến An thứ 17, Nguyễn Vũ qua đời.
Năm Kiến An thứ 22 phát sinh ôn dịch, Từ Cán, Trần Lâm, Ưng Sưởng, Lưu Trinh
trước sau lần lượt cũng qua đời.
Từ Vĩ Trường 徐伟长 (tức Từ Cán – ND) vừa có văn tài lại có danh tiết,
thanh tâm quả dục, không ham vinh lợi, không chuộng hư danh. Bộ Trung luận 中论 của ông hơn 20 thiên, lập
luận đều có chứng cứ, văn phong nhã trí, đủ để lưu truyền hậu thế.
Khổng Dung 孔融 là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử 孔子, tằng tổ phụ là Khổng Thượng 孔尚 từng làm Cự Lộc Thái thú巨鹿太守, phụ thân là Khổng Trụ 孔宙 làm Thái Sơn Đô uý 太山都尉. Khổng Dung từ nhỏ đã có tài xuất chúng, quan
Doãn ở Hà Nam lúc bấy giờ là Lí Ưng 李膺
rất có danh tiếng, thường bảo người nhà phải chọn tân khách đến xin gặp, nếu không
phải là con cháu danh hiền và thế giao thì không tiếp.
Khổng Dung năm lên 10 tuổi, rất muốn
biết Lí Ưng là người như thế nào, liền đến trước cửa nhà Lí Ưng, nói với người
giữ cửa rằng:
- Cháu
là con cháu của thông gia với Lí tiên sinh.
Khi Lí Ưng gặp Khổng Dung bèn hỏi:
- Tổ
bối của cháu từng có qua lại với nhà ta à?
Khổng Dung đáp rằng:
- Dạ!
Tiên nhân của cháu là Khổng Tử cùng tiên nhân của tiên sinh là Lí Lão Quân có đức
nghĩa, làm sư hữu với nhau, thế thì cháu với tiên sinh là thế giao đời đời vậy!
Những người chung quanh cảm thấy kì lạ,
đều nói:
- Thằng
bé này khác với bọn trẻ.
Lát sau, Thái trung đại phu Trần Vĩ 陈炜 đến,
mọi người đem câu chuyện lúc nãy nói lại, Trần Vĩ bảo rằng:
- Lúc
nhỏ thông tuệ, lớn lên chưa chắc đã giỏi.
Khổng Dung đáp rằng:
- Xem
xét những lời mà tiên sinh vừa mới nói, tiên sinh lúc nhỏ há chẳng phải là rất
thông minh đó sao?
Lí Ưng cười lớn, quay lại nói với Khổng
Dung
- Cháu
lớn lên, nhất định sẽ thành nhân tài gánh vác việc lớn.
Bảy văn nhân nói trên: Khổng Dung nước
Lỗ, Trần Lâm 陈琳ở Quảng
Lăng, Vương Xán 王粲 ở Sơn Dương, Từ Cán 徐幹ở
Bắc Hải, Nguyễn Vũ 阮瑀ở Trần Lưu,
Ưng Sưởng 应瑒ở Nhữ Nam,
Lưu Trinh 刘桢ở Đông
Bình, học vấn
Uyên
bác, không gì là không học, văn từ mới lạ, đều dựa vào tài năng của mình mà
sáng tác. Họ giống như tuấn mã chạy xa ngạn dặm, cùng rong ruổi trên văn đàn, hậu
thế xưng là “Kiến An thất tử”
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn
08/9/2016
Nguyên tác Trung văn
KIẾN AN THẤT TỬ
建安七子
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật