Dịch thuật: Dụ lăng triều Minh

DỤ LĂNG TRIỀU MINH

          Dụ lăng 裕陵 triều Minh toạ lạc tại sườn phía nam Thạch Môn sơn 石门山 thuộc đỉnh phía tây của Thiên Thọ sơn 天寿山, là mộ hợp táng Minh Anh Tông Chu Kì Trấn 朱祁镇 và 2 hoàng hậu Tiền thị 钱氏, Chu thị 周氏.
          Minh Anh Tông Chu Kì Trấn 朱祁镇 (1427 – 1464), vị hoàng đế thứ 6 triều Minh, con trưởng của Tuyên Tông. Năm 1428 được lập làm thái tử. Tuyên Tông bị bệnh và qua đời, ông lên ngôi tức Anh Tông, niên hiệu là Chính Thống 正统.
          Khi Anh Tông tức vị chỉ mới 9 tuổi, do lão thần triều Tuyên Tông phụ chính, kinh tế xã hội có sự phát triển, đất nước tương đối ổn định. Nhưng Anh Tông lúc nhỏ ham chơi, tin dùng Thị độc thái giám Vương Chấn 王振. Sau khi lão thần triều Tuyên Tông lần từ bỏ chức vị, Vương Chấn bắt đầu chuyên quyền nắm giữ triều chính. Hoạn quan loạn chính bắt đầu từ đó. Tháng 7 năm 1449, quý tộc Mông Cổ Ngoã Thích là Thái Sư Dã Tiên也先 dẫn quân xuống phía nam xâm phạm. Vương Chấn kiêu ngạo có ý đồ muốn giành thắng lợi lập được công lao, ép Anh Tông dẫn 50 vạn đại quân thân chinh. Vương Chấn không hiểu quân sự, bị đánh bại tại Thổ Bảo Mộc 土堡木 huyện Hoài Lai 怀来 (nay là phía bắc hồ Quan Sảnh 官厅). Vương Chấn chết, Anh Tông bị bắt, sử gọi sự kiện đó là “Thổ Mộc chi biến” 土木之变. Sau khi sự biến phát sinh, Giám quốc kinh thành là Thành Vương Chu Kì Ngọc郕王朱祁钰 (em khác mẹ với Anh Tông) lên ngôi, tức Đại Tông 代宗, tôn Anh Tông lên làm Thái thượng hoàng. Đại Tông đưa Vu Khiêm 于谦 lên làm Binh bộ Thượng thư, chủ trì chiến tranh, giành được thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ kinh sư.
          Năm sau Anh Tông được thả về, nhàn cư ở Nam cung. Năm 1457, Đại Tông mắc bệnh không dậy được, hoạn quan Tào Cát Tường 曹吉祥 câu kết với nhóm Vũ Thanh Hầu Thạch Hanh 石亨 phát động chính biến, đón Anh Tông ở Nam cung lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên 顺天, sử gọi là “Nam cung phục tích” 南宫复辟, cũng gọi là “đoạt môn chi biến” 夺门之变. Sau khi Anh Tông lên lại ngôi, vẫn hôn dung như trước, phế bỏ tước Thành Vương 郕王 của Đại Tông, sát hại Vu Khiêm người từng đánh quân Ngoã Thích cùng các công thần đến 18 người. Anh Tông vẫn tin dùng hoạn quan, dùng gỗ thơm khắc tượng Vương Chấn, cho chiêu hồn nhập táng. Từ đó, chính trị ngày càng đi đến chỗ hủ bại.
          Tháng Giêng năm 1464, Anh Tông bị bệnh và qua đời. Hai lần lên ngôi được 22 năm, hưởng niên 38 tuổi. Tháng 5 năm đó, táng tại Dụ lăng. Anh Tông lúc lâm chung có di chiếu: “bãi cung phi tuẫn táng” 罢宫妃殉葬. Đầu đời Minh, khi hoàng đế băng đều tuẫn táng cung phi. Thái Tổ tuẫn táng 40 người, Thành Tổ tuẫn táng 30 người (có thuyết cho là 16 người), Nhân Tông tuẫn táng 10 người. Anh Tông phế bỏ chế độ tuẫn táng, hình tượng vốn không xuất sắc của ông đã có được một nét tươi sáng.
          Anh Tông hoàng hậu Tiền thị (? – 1468), người Hải Châu 海州, con gái của Đô chỉ huy sứ thiêm sự Tiền Quý 钱贵.
          Năm 1442 Anh Tông sách lập Tiền thị làm hoàng hậu. Anh Tông thương cảm gia cảnh hoàng hậu thấp kém, muốn phong Tiền gia tước Hầu, Tiền hoàng hậu khiêm tốn khước từ. Hoàng hậu hiền đức được Anh Tông kính yêu. Sự kiện “thổ mộc chi biến”, Anh Tông bị bắt. Để cứu Anh Tông, Tiền hoàng hậu quyết định “lấy vật thế người”. Bà lấy toàn bộ trân bảo của mình trong cung gom lại, sai sứ giả mang đến cho Dã Tiên 也先, Dã Tiên mưu tính lợi dụng Anh Tông tiến hành nguỵ trá chính trị, cho nên, trân bảo thu xong mà không chịu phóng thích Anh Tông. Tiền hoàng hậu không thấy Anh Tông trở về, ngày đêm gào khóc không thôi, mong cầu thần linh bảo hộ. Một đêm nọ, bà khóc đến mệt mỏi, ngổi ngủ mê trên ghế, té xuống đất bị gãy chân. Do bởi ngày đêm gào khóc, đến nỗi một con mắt bị mờ. Năm sau, Anh Tông được thả về, sống u tịch ở Nam cung. Tiền hoàng hậu hầu hạ Anh Tông cẩn thận chu đáo, thấy Anh Tông u uất không vui, bà thường khuyên giải, trở thành đôi phu thê trong hoạn nạn. Sau sự kiện “Nam cung phục tích”, Anh Tông một lần nữa trở thành hoàng đế Đại Minh.
          Tiền hoàng hậu không có con, nhưng Anh Tông đối với bà luôn một mực kính yêu và cảm kích. Con trưởng của Anh Tông là Chu Kiến Thâm 朱见深 do quý phi họ Chu sinh ra, Kiến Thâm được lập làm thái thử, Chu quý phi thường biểu lộ thái độ ngạo mạn. Anh Tông sợ tương lai sau khi thái tử lên ngôi
Không tôn sùng địa vị của Tiền hoàng hậu. Cho nên, trước lúc lâm chung, di mệnh cho Đại học sĩ Lí Hiền 李贤:
          - Sau khi Tiền hoàng hậu thiên thu vạn tuế, nên táng cùng với trẫm!
          Lí Hiền thoái lui và ghi vào nội các.
          Sau khi Anh Tông mất, Chu Kiến Thâm 16 tuổi lên ngôi, tức Hiến Tông 宪宗. Chu quý phi đố kị Tiền hoàng hậu, khi dâng tôn hiệu cho lưỡng cung, muốn chỉ lập một mình bà làm thái hậu. Do bởi Đại học sĩ Lí Hiền 李贤, Bành Thời 彭时 ra sức khuyên giải, mới đồng ý lưỡng cung cùng được tôn làm thái hậu. Tiền hoàng hậu là Từ Ý Hoàng Thái Hậu 慈懿皇太后, Chu quý phi là Hoàng Thái Hậu 皇太后, lưỡng cung địa vị ngang nhau.
          Khi xây Dụ lăng cho Anh Tông, các đại thần tính đến tình hình 1 đế 2 hậu, đề nghị địa cung xây 3 quan vị. Nhưng Hiến Tông mạnh mẽ nói rằng:
          - Tổ chế đều là 2 quan vị, một đế một hậu, ta làm sao dám làm ngược lại?
Kiến nghị đó không được chấp thuận.
          Tháng 6 năm 1468, Tiền thái hậu bệnh và qua đời. Chu thái hậu phản đối Tiền hậu cùng Anh Tông hợp táng. Bách quan thuyết phục không được, bèn quỳ bên ngoài Văn Hoa môn 文华门 kêu khóc, từ giờ Tị đến giờ Thân, mới truyền ra thánh chỉ:
          Việc hợp táng, được phép thi hành.
          Bách quan rập đầu mừng rỡ, tung hô vạn tuế.
          Tháng 9 năm đó, Tiền hoàng hậu được táng vào Dụ lăng, tên thuỵ là “Hiếu Trang Hoàng Hậu” 孝庄皇后. Tiền hoàng hậu tuy được táng ở Dụ lăng nhưng không hợp táng cùng chỗ với Anh Tông, mà là cùng đường hầm nhưng khác phòng, táng tại tả phối điện cách huyền cung của Anh Tông khoảng mấy trượng, đồng thời ngăn dũng đạo giữa hai điện. Phía bên phải để trống, chỗ của Chu thái hậu, dũng đạo thông với huyền cung của Anh Tông.
          Anh Tông hoàng hậu (truy tôn) (1430 – 1504), người Xương Bình 昌平, con gái của Cẩm y thiên hộ Chu Năng 周能.
          Năm Chu thị 10 tuổi, Anh Tông ra ngoài đi săn, khi đuổi theo con thỏ đã chạy vào nhà Chu thị. Người trong nhà họ Chu hoảng kinh trốn hết, chỉ có Chu thị không trốn. Anh Tông thấy Chu thị tuy nhỏ, nhưng hiểu biết hơn người, liền đưa về hoàng cung. Chu thị nhỏ hơn Anh Tông 3 tuổi, năm 18 tuổi sinh hoàng trưởng tử (Hiến Tông). Tháng 4 năm 1457, sách phong làm quý phi. Hiến Tông lên ngôi, tôn làm hoàng thái hậu. Hiếu Tông 孝宗 (hoàng trưởng tôn) lên ngôi, tôn làm thái hoàng thái hậu. Tháng 3 năm 1504, qua đời, hưởng niên 75 tuổi, tên thuỵ là “Hiếu Túc Hoàng Hậu” 孝肃皇后. Ngày 18 tháng 4 năm đó, an táng tại Dụ lăng theo lễ nghi hoàng hậu.
          Khi Chu thái hậu qua đời, Hiếu Tông đề xuất việc mai táng Tiền hoàng hậu không hợp lễ, muốn thông dũng đạo. Khâm thiên giám nói rằng:
          - Việc này, trên phạm vào lăng đường tiên đế, sợ động địa mạch.
          Lại nói:
          - Việc thông lăng, tuế hướng bất lợi.
          Hiếu Tông nghe theo lời của Âm dương gia, chưa thể thay đổi.
          Dụ lăng 裕陵tại phía tây bắc Trường lăng 长陵 2km, kiến tạo vào tháng 2 năm 1646, ngày 8 tháng 5 huyền cung xây xong, táng nhập Anh Tông. Ngày 20 tháng 6, công trình lăng tẩm hoàn thành, chỉ mất thời gian 4 tháng. Kiến trúc trên mặt đất của Dụ lăng về cơ bản tương đồng với chế độ kiến trúc của Cảnh lăng 景陵, duy Lăng Ân điện 裬恩殿 không có thạch môn, bảo thành tương tự với Hiến lăng 献陵. Đế lăng đầu đời Minh đều mai táng 1 đế 1 hậu, riêng Dụ lăng lại táng 1 đế 2 hậu, từ đó đã mở ra tiền lệ hợp táng 1 đế nhiều hậu của đời Minh.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 26/8/2016

Nguyên tác Trung văn
DỤ LĂNG
裕陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post