TẬP QUÁN UỐNG TRÀ DIỄN BIẾN NHƯ THẾ NÀO
Mùa hè,
mọi người uống trà để tiêu thử giải khát. Nhưng cách uống trà ngày nay là giai
đoạn thứ 3 trong lịch sử uống trà. Ở Trung Quốc, mấy ngàn năm lịch sử uống trà đại để trải qua 3 giai đoạn:
dược dụng 药用 (xem trà như thuốc để uống), sơ thực 蔬食 (xem trà như rau để ăn), ôn ẩm 温饮 (uống nóng), cách uống cuối này dần dần mới phân hoá
thành nghệ thuật phẩm trà.
Mỗi khi
nói đến khởi nguyên của trà, mọi người sẽ nói đến truyền thuyết “Thần Nông nếm
trăm loại cỏ, trong một ngày gặp phải 72 thứ độc, nhờ có trà để giải độc”. Điều
này nói rõ, trước khi uống trà, trà đã trải qua giai đoạn “dược dụng”. Khoảng thời Tần Hán, trà chủ yếu được
xem như thuốc. Trà Trung Quốc, đầu tiên khi truyền vào châu Âu cũng chỉ được
xem là thuốc, đồng thời chỉ bán tại các nhà thuốc.
Thời
Tam Quốc, Trương Ấp 张揖trong Quảng nhã 广雅 đã gọi uống trà
là “chử mính” 煮茗 (nấu trà); thời Tây Tấn, Phó Hàm trong Tư lệ giáo 司隶教 có nói đến trà, gọi là “trà chúc” 茶粥 (cháo trà), phản ánh thời Nguỵ Tấn còn có người lấy
lá trà tươi để nấu ăn, và cả canh có lá trà. Xem trà như rau để ăn, đương nhiên
khó hợp khẩu vị, cho nên trong lúc nấu cho thêm gạo, dầu, muối ... nấu thành
“trà chúc”. Trên cơ sở đó, một số “trà chúc” còn cho thêm gừng, hành, tiêu, quế,
táo đỏ, vỏ quýt, thù du, bạc hà làm chất điều vị để cho dễ ăn. “Nấu trà giống nấu
món ăn, ăn trà giống ăn rau”, đây chính là đặc điểm của giai đoạn thứ 2 “sơ thực”
trong lịch sử uống trà.
Khi
tiên dân biết ăn trà trước tiên là uống canh, không ăn lá, mới có uống trà. Vi
Diệu 韦曜 lấy trà thay rượu, Vương Mông 王蒙 lấy trà mời khách, mọi người gọi là “thuỷ ách” 水厄 (1), Vương Túc 王肃 “uống nóng lá trà”,
đều là uống trà để giải khát, có thể quy về giai đoạn thứ 3 trong lịch sử uống
trà, tức “ôn ẩm giai đoạn”. “Ôn ẩm” xuất phát từ “sơ thực”, tuy không còn xem
trà như rau để ăn, nhưng vẫn còn di phong của “sơ thực”, mãi đến ngày nay. Hiện
nay nhiều dân tộc Trung Quốc cũng có tập tục giống như thế, như trà sữa của Nội
Mông, trà bơ của Tân Cương, trà muối của tộc Miêu tộc Di ... Càng thú vị hơn là
tập tục như thế cũng được lưu truyền ra các nơi trên thế giới, hình thành phong
tục uống trà của các dân tộc ở các nước. Như người châu Âu khi uống trà đa phần
dùng đường, người Tân Tây Lan cho sữa vào trong trà, người Mĩ uống trà lạnh vào
lúc trời nóng.
Chú của người
dịch
1- Thuỷ ách 水厄: Thời Nam Bắc
triều, có một từ dùng để thay thế trà đó là “thuỷ ách”. “Ách” được giải thích
là khốn khổ, gian nan. Uống trà trở thành “thuỷ ách”, tại sao như thế?
Nguyên
vốn là vào thời Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung 司马衷
(291 – 306), có một người rất thích uống trà tên là Vương Mông 王蒙. Phàm những ai đi ngang qua cửa nhà ông cũng đều được
ông mời vào uống trà. Vì nể mặt họ đành vào uống. Những người thích trà thì
không nói gì, với những người không thích thì quả thật không sao kham nỗi.
Không uống thì sợ đắc tội với chủ nhân nên họ đành phải nhắm mắt chau mày mà uống.
Lâu ngày, sĩ đại phu hễ nghe nói “Vương Mông mời trà” họ đều trào phúng nói rằng:
“Hôm nay gặp phải thuỷ ách rồi”.
Trong
nguyên tác in nhầm chữ 厄 (ách) thành chữ 卮 (chi).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/7/2016
Nguồn
ẨM TRÀ BẢO KIỆN 500 VẤN
饮茶保健 500问
Biên soạn: Trần Huệ Trung 陈惠中,
Trần Kiện Mẫn 陈健敏
Trần Bân 陈斌, Trần Hiểu Thanh 陈晓清
Bắc Kinh: Nhân Dân quân y xuất bản xã, 2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật