Dịch thuật: Phù tiết và tỉ ấn

PHÙ TIẾT VÀ TỈ ẤN

          Minh văn ở phù tiết 符节 và tỉ ấn 玺印 của các đời phản ánh chế độ chính trị, quân sự đương thời, thuộc văn vật lịch sử trân quý, đồng thời là trân phẩm nghệ thuật thư pháp cổ đại.
          Thời cổ Trung Quốc, phù tiết là mệnh lệnh triều đình truyền đạt, là một loại bằng chứng trong quân sự dùng để trưng binh và điều động binh tướng. Khi sử dụng, đem hai mảnh mà mỗi bên giữ một nữa hợp lại để nghiệm thật giả, như binh phù 兵符, hổ phù 虎符 v.v... Dùng các loại nguyên liệu khác nhau như vàng, đồng, ngọc, sừng, trúc, gỗ, chì ...  tạo thành, hiện tồn chủ yếu là bằng đồng, nhưng số lượng cũng không nhiều. Phù tiết sớm nhất hiện thấy là ở vào thời kì Chiến Quốc, có loại dùng để trưng miễn thuế, như đồng tiết “Ngạc Quân Khải” 鄂君启 nổi tiếng. Với hổ phù, trừ hổ phù “Đỗ” bằng đồng dát vàng thời Chiến Quốc phát hiện tại Trường An 长安 Thiểm Tây 陕西 ra, hổ phù đời Tần hiện tồn có những danh phẩm như “Dương Lăng” 阳陵, “Tân Thê” 新郪. Đời Hán cũng dùng hổ phù, về đại thể theo chế độ đời Tần. Văn tự trên hổ phù thời Chiến Quốc và đời Tần dát vàng, hổ phù đời Hán đa phần dát bạc. Đời Đường đổi sang dùng ngư phù 鱼符, Thời Võ Chu 武周 (tức nhà Chu của Võ Tắc Thiên – ND) có một dạo dùng quy phù 龟符. Ngư phù và quy phù đều có thể đeo bên mình, không khác gì mấy với loại “bài” mà đời sau dùng. Từ đời Tống trở đi đều dùng bài.
          Cổ ấn 古印thời Tiên Tần đa phần thuộc thời Chiến Quốc, ước khoảng hơn 6000 chiếc cổ tỉ 古玺 còn tồn tại đến nay, được phân ra quan tỉ 官玺 và tư tỉ
私玺. Quan tỉ chỉ khoảng 300 chiếc, tuyệt đại bộ phận là tư tỉ. Thời Tần Hán, quan lại có trật cấp khác nhau thì chất liệu, núm cầm của quan ấn cũng khác nhau, đại để có chể chia làm 6 bậc:
1- Ấn của đế và hậu dùng đều gọi là “tỉ” , chất liệu bằng bạch ngọc, núm hình hổ li 虎螭.
2- Vương tỉ 王玺 chất liệu bằng vàng, núm hình con quy.
3- Ấn của Thái tử, Liệt hầu, Thừa tướng, Đại tướng quân đều bằng vàng, núm hình con quy.
Ấn của Liệt hầu gọi là “ấn” , còn lại đều gọi là “chương” .
4- Trật cấp trung 2000 thạch, ấn trung 2000 thạch. Đều bằng đồng, núm hình con quy, gọi là “chương”.
5- Quan ấn từ 2000 thạch xuống đến 200 thạch, chất liệu bằng đồng, núm dạng hình chiếc mũi (tị nữu 鼻纽), có 4 chữ, gọi là “ấn”, ấn văn có thể lược bỏ chữ “ấn”, quan ấn đời Hán hiện tồn đa phần thuộc loại này.
6- Từ 200 thạch xuống đến tiểu quan ấn. Chất liệu đều bằng đồng, núm hình chiếc mũi, dạng bán thông 半通 (1). Theo bách quan ấn đời Hán, độ dài đường biên của ấn theo chế độ đời Hán là 1 thốn, là “thông quan ấn” 通官印. “Bán thông” là một nữa của thông quan ấn, nhân đó gọi là “bán thông ấn” 半通印, nó là đại tông của cổ ấn cùng Hán ấn hiện tồn.
Quan ấn của các dân tộc thiểu số đời Hán có 2 loại, đó là quan ấn do triều Hán ban tặng và loại ấn do họ tự làm ra. Ấn do triều Hán ban tặng cho các dân tộc thiểu số hiện tồn 60 - 70 chiếc, liên quan đến các dân tộc có Điền , Việt , Hung Nô 匈奴, Tiên Ti 鲜卑, Khương , Thanh Khương 青羌, Hồ , Lư Thuỷ 卢水, Hưu Trứ Đồ Các 休著屠各, Di , Đê , Man , Đinh Linh 丁零, Ô Hoàn 乌桓, Tẩu ... Quan danh được khắc trên ấn có Vương , Hầu , Quân , Đương bách 当白, Thân Hán trưởng 亲汉长, Phá lỗ trưởng 破虏长, Suất chúng trưởng 率众长, Ấp trưởng 邑长,  Thiên trưởng 千长, Bách trưởng 百长.
Trong Hung Nô ấn còn có các xưng hiệu quan danh từ tiếng Hung Nô dịch sang tiếng Hán là Thi Trục Vương 尸逐王, Thả Cừ 且渠, Cư Tí 居訾, Đài Kì 台耆, Ôn Ngu 温禺 .
Ngoài ra ở trước sau tên dân tộc đa số có 2 chữ “quy nghĩa” 归义.

Chú của người dịch
1- Bán thông 半通: tức “bán thông ấn” 半通印, một loại hình thức ấn chương thời cổ. Trong quan ấn thời Tần Hán, ấn của quan lại cấp cao là đại ấn hình vuông, còn ấn của quan lại cấp thấp có dạng hình chữ nhật. Vì ấn chỉ là một nữa của quan ấn hình vuông nên có tên gọi là “bán thông ấn”

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 18/7/2016

Nguồn: CỔ NGOẠN 古玩
Tác giả: Đỗ Vệ Dân 杜卫民
Bắc Kinh: Học Uyển xuất bản xã, 2007



Đỗ hổ phù


Bán thông ấn




Previous Post Next Post