Dịch thuật: Tiết Đoan Ngọ

TIẾT ĐOAN NGỌ

          Ngày mồng 5 tháng 5 là tiết Đoan Ngọ 端午. Đoan Ngọ vốn tên là “Đoan Ngũ” 端五, “đoan” có nghĩa là “đầu”, ‘ban sơ”.
          Về lai lịch tiết Đoan Ngọ có nhiều thuyết khác nhau, nhưng truyền thuyết để kỉ niệm Khuất Nguyên 屈原 là nhiều hơn cả, ban đầu được thấy ở Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 của Tông Lẫm 宗懔 người nhà Lương thời Nam triều:
 Khuất Nguyên thị dĩ thị nhật tử vu Mịch La, nhân thương kì tử, sở dĩ tịnh tương chu tiếp dĩ chửng chi.
屈原是以是日死于汨罗, 人伤其死, 所以并将舟楫以拯之.
(Thế là vào ngày đó Khuất Nguyên tự trầm ở sông Mịch La, mọi người thương xót cái chết của ông, nên dùng thuyền và  mái chèo để vớt ông)
Dấu vết còn lại ngày nay là tục đua thuyền trên sông. Ngô Quân 吴均 trong Tục Tề hài kí 续齐谐记 cũng viết rằng:
Khuất Nguyên ngũ nguyệt ngũ nhật đầu Mịch La thuỷ, Sở nhân ai chi, chí thử nhật, dĩ trúc đồng trữ mễ, đầu thuỷ tế chi. Hán Kiến Vũ trung, Trường Sa Khu Khúc kiến nhất sĩ nhân, tự vân Tam Lư Đại Phu, vị Khúc viết: Văn quân đương kiến tế, thậm thiện, thường niên vi giao long sở thiết, kim nhược hữu huệ, đương dĩ luyện diệp tắc kì thượng, dĩ ngũ thái phọc chi, dĩ nhị vật giao long sở đạn.
屈原五月五日投汨罗水, 楚人哀之, 至此日, 以竹筒贮米, 投水祭之. 汉建武中, 长沙区曲见一士人, 自云三闾大夫, 谓曲曰: 闻君当见祭, 甚善, 常年为蛟龙所窃, 今若有惠, 当以楝叶塞其上, 以五彩缚之, 以二物蛟龙所惮.
(Ngày mồng 5 tháng 5 Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự trầm, người nước Sở đau xót, đến ngày đó, họ lấy ống trúc bỏ gạo vào nấu lên rồi quăng xuống nước để tế ông. Niên hiệu Kiến Vũ nhà Hán, Trường Sa Khu Khúc trông thấy một sĩ nhân, người đó tự nói mình là Tam Lư Đại Phu, nói với Khúc rằng: Nghe thấy ông đang tế, việc đó quá tốt, nhưng đồ tế thường năm đều bị giao long ăn hết. Nay may mắn, thấy lấy lá cây luyện bọc lại, dùng chỉ màu cột lên, hai thứ đó giao long rất sợ.)
Truyền thuyết này đã phản ánh lòng hoài niệm của mọi người đối với nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên. Về sau, diễn biến thành tập tục dùng lá trúc gói bánh ú và đua thuyền rồng vào dịp tiết Đoan Ngọ để thể hiện ý cứu Khuất Nguyên. Vùng Ngô Việt 吴越 nhân vì lấy rồng làm totem nên hàng năm vào ngày mồng 5 tháng 5 đều cử hành lễ tế rồng hoành tráng, dùng thuyền độc mộc khắc hình rồng đua trên sông để vui chơi. Văn Nhất Đa 闻一多 khảo chứng cho rằng tập tục đua thuyền rồng khởi nguồn từ  việc kỉ niệm totem rồng của dân tộc vùng Ngô Việt.
          Thời cổ người ta xem ngày mồng 5 tháng 5 là “ác nguyệt” “ác nhật”
(Ứng Thiệu 应劭 đời Hán trong Phong tục thông nghĩa 风俗通义 nói rằng:
Tục thuyết ngũ nguyệt ngũ nhật sinh tử, nam hại phụ, nữ hại mẫu.
俗说五月五日生子, 男害父, 女害母.
(Tục truyền sinh con vào ngày mồng 5 tháng 5, nếu là con trai thì hại cha, nếu là con gái thì hại mẹ). )
Cho nên còn có không ít những tập tục khu tà tị ác: nhà nhà dùng lá cây bồ cây ngải trêo lên cửa, mọi người đều đeo lá cây ngải, mang bùa, đeo túi thơm, đeo chỉ ngũ sắc, uống rượu hùng hoàng, rượu xương bồ để tránh độc trùng. Theo Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 , từ thời Nam Bắc triều trở về trước đã có phong tục treo lá cây ngải vào tiết Đoan Ngọ:
Ngũ nguyệt ngũ nhật ..... thái ngải dĩ vi nhân (hình) huyền môn hộ thượng, dĩ nhương độc khí.
五月五日 ..... 采艾为人 (), 悬门户上, 以禳毒气.
(Ngày mồng 5 tháng 5 ..... hái lá ngải kết thành hình người, treo lên cửa, để tránh khí độc.)
Trong Tuế thời tạp kí 岁时杂记 đời Tống có nói, người thời đó còn đem lá cây ngải cắt thành hình con hổ đội lên đầu, lại đem lá xương bồ cắt thành hình người hoặc hình hồ lô, đeo bên mình để tị tà, tập quán gọi đó là “Bồ long ngải hổ hoặc ngải hổ bồ kiếm” 蒲龙艾虎或艾虎蒲剑. Đồng thời cùng với đó, mọi người còn dùng mấy vị thuốc như đinh hương, mộc hương và bạch chỉ đựng vào trong túi để mang theo bên mình.
Đời Hán còn có tục dùng chỉ ngũ sắc đeo nơi cổ tay vào ngày Đoan Dương. Theo Phong tục thông nghĩa 风俗通义:
Ngũ nguyệt ngũ nhật, tứ ngũ sắc tục mệnh ti, tục thuyết dĩ ích nhân mệnh.
五月五日, 赐五色续命丝, 俗说以益人命.
 (Ngày mồng 5 tháng 5, ban cho chỉ tơ ngũ sắc tục mệnh, tục cho rằng để thêm tuổi thọ)

Ngũ nguyệt ngũ nhật, dĩ ngũ thái ti hệ tí, danh viết trường mệnh lũ, nhất danh tục mệnh lũ, nhất danh tịch binh tăng, nhất danh ngũ sắc lũ, nhất danh chu sách, tịch binh cập quỷ, mệnh nhân bất bệnh ôn. Hựu viết, diệc nhân Khuất Nguyên.
五月五日, 以五彩丝系臂, 名曰长命缕, 一名续命缕, 一名辟兵缯, 一名五色缕, 一名朱索, 辟兵及鬼, 命人不病温. 又曰, 亦因屈原.
(Ngày mồng 5 tháng 5, dùng chỉ tơ ngũ sắc buộc cổ tay, gọi là “trường mệnh lũ”, tên gọi khác là “tục mệnh lũ”, tên khác “tịch binh tăng”, tên khác nữa “ngũ sắc lũ” hoặc “chu sách”, đeo nó để tránh việc binh đao cùng ma quỷ, khiến người không bị bệnh tật. Lại có thuyết cho là cũng nhân vì Khuất Nguyên.)
Trong Hậu Hán thư – Lễ nghi chí 后汉书 - 礼仪志 còn nói đến:
Ngũ nguyệt ngũ nhật chu sách ngũ sắc ấn vi môn hộ sức, dĩ nạn chỉ ác khí
五月五日朱索五色印为门户饰, 以难止恶气
(Ngày mồng 5 tháng 5 dùng chu sách ngũ sắc ấn trang trí lên cửa, để trừ ác khí)
 Đến thời Minh, mọi người bắt đầu dùng xương bồ, hùng hoàng ngâm rượu để uống. Tập tục uống rượu hùng hoàng là để khu trừ rắn độc, bởi loài rắn rất sợ hùng hoàng. Trong Bạch xà truyện 白蛇传 có truyền thuyết, Xà tinh Bạch nương tử tại Trấn Giang ăn tết Đoan Ngọ, uống phải một li rượu hùng hoàng mà Hứa Tuyên 许宣 ép, lúc say đã hiện nguyên hình.
Những tập tục nói trên kéo dài cho đến đời Thanh vẫn còn thịnh hành. Phan Vinh Bệ 潘荣陛 đời Thanh trong Đế kinh tuế thời kỉ thắng 帝京岁时纪胜 có nói:
Đầu tháng 5, nhà nhà treo bùa đỏ, treo rồng kết bằng lá bồ, hổ kết bằng lá ngải, cửa sổ dán hình hồ lô cát tường bằng giấy đỏ, thiếu nữ cắt chữ “Phúc”, dùng vải mềm cắt may thành hình ông già khoẻ mạnh, bánh ú, củ tỏi, ngũ độc lão hổ ... trẻ con đeo bên người có thể tránh những điều xấu trong mùa hè. .... Sắc nhỏ rễ cây bồ, trộn với hùng hoàng đem phơi khô rồi ngâm rượu, dùng để uống và đem bôi lên trán, tai, mũi của trẻ con, đồng thời rảy trên mùng màn giường chiếu để tránh trùng độc.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 09/6/2016
                                                                  (Tiết Đoan Ngọ năm Bính Thân)

Nguyên tác Trung văn
THANH MINH TIẾT
 清明节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post