Dịch thuật: Người đầu tiên đi Tây thiên thỉnh kinh .....

NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐI TÂY THIÊN THỈNH KINH
CÓ PHẢI LÀ HUYỀN TRANG

          Tại Trung Quốc, Tây du kí 西游记 có thể nói là nhà nhà đều biết, già trẻ đều hay. Câu chuyện lấy quá trình thầy trò Đường Tăng 唐僧, Tôn Ngộ Không 孙悟空đi Tây thiên thỉnh kinh làm đầu mối, thuật lại những cuộc đấu trí đấu pháp giữa họ với yêu ma quỷ quái trên đường đi. Nghệ thuật trong tiểu thuyết cao cường, Tôn Ngộ Không ghét cái ác như cừu thù, đại chiến Bạch Cốt Tinh, đấu trí với Ngưu Ma Vương, cuối cùng lấy được chân kinh lập công lao hãn mã. Còn sư phụ Đường Tăng lại yếu mềm quả đoán, nhu nhược vô năng. Nhưng sự thực, nguyên hình Đường Tăng tức đại sư Huyền Trang 玄奘 đời Đường lại là một đại công thần trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc thậm chí của thế giới, cũng là người có thành tựu cao nhất, ảnh hưởng lớn nhất trong số các vị cao tăng Tây hành cầu pháp của Trung Quốc cổ đại. Nhưng trong lịch sử Trung Quốc, người đầu tiên đi Tây thiên thỉnh kinh có phải là đại sư Huyền Trang? Đối với vấn đề này, hậu thế có nhiều cách nhìn khác nhau.
          Trong một số thư tịch cho là như thế. Căn cứ vào những ghi chép ở sử thư, năm đó Huyền Trang xông vào hiểm nguy đi về phía Tây để thỉnh kinh, đồng thời sau khi Hồ Tăng 胡僧 đồng hành nữa đường thoái lui, đại sư Huyền Trang một mình vẫn kiên trì vượt qua sa mạc. Năm Trinh Quán 贞观 thứ 3 đời Đường Thái Tông唐太宗 (năm 629), đại sư Huyền Trang từ Trường An hướng về phía Tây, đi qua Cô Tạng 姑藏 (nay là Vũ Uy 武威 Cam Túc 甘肃); ra khỏi Đôn Hoàng 敦煌, qua các nơi mà nay là vùng Tân Cương 新疆 và Trung Á, chịu biết bao gian nan hiểm trở, cuối cùng đến được miền trung Ấn Độ. Tại miền trung Ấn Độ, đại sư tuần du khắp các học phủ ở Thánh địa Phật giáo, học tập và nghiên cứu một số lượng lớn trứ tác Phật giáo. Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645) đại sư về lại Trường An. 17 năm một thân Tây hành, vượt qua 5 vạn dặm, đi qua hơn 100 nước. Đại sư Huyền Trang sau khi Tây hành cầu pháp đã mang về một số lượng lớn kinh điển Phạn văn, đồng thời đem những điều nghe được thấy được tại Ấn Độ, Trung Á viết nên bộ Đại Đường tây vực kí 大唐西域记, giới thiệu tường tận phong thổ nhân tình của các nơi ở Ấn Độ cùng những thịnh suy về tôn giáo. Bộ sách này không chỉ là tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử mà còn là y cứ trọng yếu cung cấp cho công tác khảo cổ ngày nay. Có thể nói, đại sư Huyền Trang là nhân vật quan trọng trong lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc.
          Nhưng cũng có nhiều người phủ nhận thuyết này. Như mọi người đều biết, Phật giáo nguyên tại Ấn Độ. Trong giáo nghĩa Phật giáo bằng Trung văn, Tây thiên luôn là đại danh từ chỉ chân lí tồn tại ở thế giới chung cực. Nhân vì Phật giáo là từ Tây vực của Trung Quốc cổ truyền vào. Thế kỉ thứ 6, thứ 5 trước công nguyên, sau khi Phật giáo được sáng lập tại lưu vực Hằng hà Ấn Độ, chẳng bao lâu truyền bá đến các nước chung quanh. Trương Khiên 张骞 đời Hán đến Tây vực đánh dấu sự khai thông con đường tơ lụa, thúc đẩy Phật giáo truyền sang phía đông. Phật giáo từ phía tây bắc Ấn Độ, đi về phía đông vượt qua Thông Lĩnh 葱岭, men theo con đường tơ lụa truyền vào nội địa Trung Quốc. Nhưng những nhà truyền giáo đầu tiên tới Trung Quốc, về cơ bản đều là các tăng lữ Tây vực của các nước Trung Á theo Phật giáo, chứ không phải là tăng lữ Ấn Độ. Theo khảo chứng của học giả Đại học Bắc Kinh Quý Tiện Lâm 季羡林, kinh Phật sớm nhất trên đất Hán không phải dịch trực tiếp từ Phạn văn qua, mà là chuyển dịch từ ngôn ngữ cổ đại Trung Á. Đồng thời, do bởi việc phiên dịch kinh điển, đa phần là khẩu dịch, thêm vào đó dựa theo tập quán tư tưởng vùng Tây vực, người Trung Quốc không dễ dàng tiếp thụ. Kết quả, nguyên bản kinh Phật sơ kì sau khi qua các nơi ở Tây vực truyền nhập một cách gián tiếp, không phải kinh bản không trọn vẹn mà là truyền dịch thất chân, trong quá trình lưu truyền thường phát sinh hiện tượng tự mâu thuẫn. Sau khi Phật giáo thịnh hành, một số tín đồ Phật giáo muốn thay đổi trạng huống, vì thế quyết ý đi về phía tây ra khỏi Dương Quan 阳关, phát khởi phong trào Tây hành cầu pháp. Từ đó đã mở ra một trang mới cho văn hoá Phật giáo Trung Quốc. Thời lưỡng Tấn và thời Đường khi Phật giáo thịnh hành, người Tây hành cầu pháp liên tục không dứt, số người cũng tương đối đông. Trong Đại Đường Tây vực cầu pháp cao tăng truyện 大唐西域求法高僧传 của Nghĩa Tịnh 义净 nêu đến gần 60 người. Nhưng vào thời cổ đại, trình độ sản xuất thấp, giao thông không thuận tiện, từ nội địa Trung Quốc đến Ấn Độ bất luận là đường bộ hay đường thuỷ cũng đều phải trải qua nhiều tháng nhiều năm, chịu biết bao gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống. Theo những ghi chép trong sử truyện Phật giáo, trong số hàng  ngàn hàng vạn cao tăng cầu pháp, những người may mắn tồn tại, học tập thành tài trở về, chỉ là số ít. Nhìn từ đó, đại sư Huyền Trang phải là người thành công nhất trong số ít những người may mắn đó, chứ không nhất định phải là người đầu tiên.
          Nếu không phải là đại sư Huyền Trang thế thì ai là người đầu tiên đi thỉnh kinh? Căn cứ vào sử liệu hiện tồn, nhìn chung cho rằng Chu Sĩ Hành 朱士行 thời Tam Quốc phải là người Tây hành cầu pháp đầu tiên của Trung Quốc. Ông là tăng nhân nước Nguỵ thời Tam Quốc, nguyên tịch Dĩnh Xuyên 颍川 (nay thuộc huyện Vũ Nam 河南). Chu Sĩ Hành xuất gia lúc trẻ, khoảng niên hiệu Gia Bình 嘉平 (249 – 253), bắt đầu theo Yết Ma pháp 羯磨法 thụ giới thành Tì kheo. Sau khi ông xuất gia đã chuyên tâm nghiên cứu học tập kinh điển. Khi tại Lạc Dương 洛阳 giảng Đạo hạnh Bát Nhã kinh 道行般若经, ông thường cảm thấy câu văn khẩu dịch không thuận nói thuận đọc, đa số lại bị san lược, nên rất khó hiểu, thế là ông hi vọng đi Tây vực tìm nguyên bản. Năm Cam Lộ 甘露 thứ 5 nhà Nguỵ (năm 260), Chu Sĩ Hành từ Trường An xuất phát, vượt qua bao gian khổ cuối cùng đến được Vu Điền 于阗 (nay thuộc vùng Hoà Điền 和田 Tân Cương 新疆) nơi lúc bấy giờ tập trung kinh điển Đại thừa. Trải qua hơn 20 năm mới tìm thấy nguyên bản Phạn văn Phóng quang Bát Nhã kinh 放光般若经40 chương, hơn 60 vạn chữ. Hi vọng nguyên bản có thể ngay lập tức viết thành kinh văn đưa về nước, nhưng do bởi đường đi gian nan hiểm trở, mãi đến năm Thái Khang 太康 thứ 3 nhà Tây Tấn (năm 282) mới được nhóm đệ tử Phất Như Đàn 弗如檀 (Hán ngữ dịch là Pháp Nhiêu 法饶) 10 người đưa về Lạc Dương. Năm Nguyên Khang 元康 thứ nhất (năm 291) do Vô La Nghĩa 无罗义 và Trúc Thúc Lan 竺叔兰 dịch thành 20 quyển. Còn đại sư Chu Sĩ Hành suốt đời lại không thể về lại đất Hán, 80 tuổi ông bệnh và mất tại Vu Điền. Tuy kinh điển ông cầu được chỉ có Phóng quang Bát Nhã kinh 放光般若经 , dịch văn cũng không hoàn chỉnh lắm, nhưng đã có sức ảnh hưởng rất lớn lúc bấy giờ. Rất nhiều học giả như Bạch Pháp Tộ 帛法祚, Chi Hiếu Long 支孝龙, Trúc Pháp Uẩn 竺法蕴, Khương Tăng Uyên 康僧渊, Trúc Pháp Thải 竺法汰, Vu Pháp Khai 于法开 ... đều hoằng dương Bát Nhã thông qua Phóng quang Bát Nhã kinh, sau có người giả thác tên viết Chu Sĩ Hành Hán lục 朱士行汉录, đáng tiếc ngay cả tác phẩm giả thác này cũng đã mất vào đầu thời Tuỳ. Nhưng từ sau Chu Sĩ Hành, tăng lữ Tây hành cầu pháp một dạo nổi lên, từ thời Tam Quốc đến thời Đường, nối nhau không dứt. Chỉ có điều người được thành công quả thực là ít, trong sử sách cũng không ghi chép nhiều.
Lộ mạn mạn kì tu viễn hề
Ngô tương thướng há nhi cầu sách (1)
路漫漫其修远兮
吾将上下而求索
(Chu dù đường có xa
Ta cũng quyết tìm cho ra chân lí)
          Có lẽ chính nhờ tín niệm kiên cường truy cầu chân lí bất chấp tất cả này mới cung cấp cho tiền nhân một động lực cực kì to lớn, khiến họ cam tâm tình nguyện người trước ngã xuống người sau kế tục, đạp lên con đường Tây hành đầy gai góc để có được chân kinh. Và có lẽ chính nhờ tinh thần chấp trước vì chân lí bất chấp tất cả mới tạo nên một nền văn minh vĩ đại cho dân tộc hùng Hán thịnh Đường này.

Chú của người dịch
1- Hai câu này trong bài Li tao 离骚 của Khuất Nguyên 屈原.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 24/6/2016

Nguyên tác Trung văn
THỦ THỨ KHỨ TÂY THIÊN THỦ KINH ĐÍCH
THỊ HUYỀN TRANG MA
首次去西天取经的是玄奘吗
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post