BÀN CANH CÓ DỜI ĐÔ VỀ ÂN KHƯ AN DƯƠNG
Triều
Thương là thời kì phát triển của xã hội nô lệ Trung Quốc, từ Thành Thang 成汤 đến Trụ vương 纣王
truyền được 17 đời với 31 vị vương, trước sau ước khoảng 496 năm. Thời Thương,
địa vực rất rộng, lúc thế lực mạnh nhất, phía đông đến biển lớn, phía nam đến
lưu vực Trường giang, phía tây đến tây bộ Thiểm Tây, là một nước lớn lúc bấy giờ.
Thời kì đầu của triều Thương, cuộc đấu tranh chính trị của nội bộ vương triều rất
kịch liệt, từ đó dẫn đến việc luôn lo ngoại hoạn. Để bảo đảm cho sự yên ổn lâu
dài của đất nước, triều Thương đã trải qua 5 lần dời đô. Thế kỉ 14 trước công
nguyên, Thương vương Bàn Canh 盘庚 đã dời đô đến đất
Ân 殷, từ đó vương triều Thương ổn định lại, và cũng nhân
đó triều Thương còn được gọi là Ân Thương 殷商.
Nhưng, đối với việc Bàn Canh có dời đô đến Ân Khư 殷墟
An Dương 安阳 hiện nay, trong lịch sử vẫn còn tranh luận.
Đại đa
số học giả cho rằng quả thực Bàn Canh có dời đô đến vùng Ân Khư hiện nay. Trong
Thượng thư – Bàn Canh 尚书 - 盘庚 đối với lần dời đô này cũng có không ít những ghi
chép.
Khi
Thương Thang lập quốc, quốc đô đầu tiên là tại đất Bạc 亳,
cũng là vùng Thương Khâu 商丘 của Hà Nam 河南 ngày nay. Nơi này ở vào hạ du Hoàng hà, thường bị thuỷ tai. Sau mỗi lần thuỷ tai, tổn
thất rất nặng, giữa vương công đại thần của nội bộ hoàng cung cùng giới quý tộc
cũng có nhiều mâu thuẫn, thường phát sinh nội loạn. Khi hoàng vị truyền đến Bàn
Canh, ông quyết định thay đổi tình huống hỗn loạn này để thúc đẩy sự ổn định và
phát triển của đất nước, và thế là ông quyết định một lần nữa dời đô. Nhưng quá
trình dời đô rất không thuận lợi. Mọi cử động của ông đều gặp phải sự phản đối
của nhiều vương công đại thần và quý tộc, Bàn Canh đành dùng cả lí và thanh để làm
cho họ hiểu, nói rằng:
Thị dân lợi dụng thiên
视民利用迁
(Nhìn thấy cái lợi của dân mà dời chuyển)
Thừa nhữ tỉ nhữ, duy hỉ khang cộng, phi
nhữ hữu cữu, tỉ vu phạt.
承汝俾汝, 惟喜康共, 非汝有咎, 比于罚.
(Trọng các ngươi, khiến các
ngươi, là chỉ mong cùng yên vui, chứ không phải các ngươi có lỗi mà ta trừng phạt)
Tức không phải để trừng phạt những người ham muốn quyền
lợi, mà là vì lợi ích của nhân dân, và để củng cố sự ổn định của triều Thương
nên mới quyết định dời đô. Còn đối với một số người phản đối việc dời đô, Bàn
Canh uy hiếp sẽ trảm tận sát tuyệt, không để loại nghiệt chủng lưu nơi ấp mới.
Nhưng, vẫn có đại đa số quý tộc không chịu di dời. Bàn Canh kiên trì tỏ rõ lập
trường:
Ngã chủ ý dĩ định, bất hội tái cải biến
liễu.
我主意已定, 不会再改变了.
(Chủ ý của ta đã định, không thể nào thay đổi)
Các đại
thần địch không lại sự kiên trì của Bàn Canh, cuối cùng đồng ý dời đô. Thế là
Bàn Canh dẫn đám bình dân cùng nô lệ vượt Hoàng hà dời đến đất Ân (nay là thôn
Tiểu Đồn 小屯, huyện An Dương 安阳
Hà Nam
河南). Sau khi Bàn Canh dời đô, đã chấn chỉnh lại triều
cương, tháo gỡ những mâu thuẫn nội bộ của vương thất, thúc đẩy sự phát triển
kinh tế xã hội, khiến vương triều Thương từ chỗ suy yếu xuất hiện lại cục diện
phồn vinh, kéo dài hơn 200 năm, từ đó không còn dời đô nữa. Bàn Canh cũng nhân
đó được xưng vị chủ của “trung hưng”, đồng thời đã đặt nền móng cho sự thịnh trị
của thời Vũ Đinh 武丁 sau đó.
Trải
qua hơn 3000 năm, quốc đô của triều Thương giờ thành nấm gò. Gần đây, tại thôn
Tiểu Đồn, An Dương người ta phát hiện một số lượng lớn di vật cổ đại. An Dương
nằm ở vị trí cực bắc tỉnh Hà Nam, phía bắc giáp sông Chương Hà 漳河, phía tây dựa vào núi Thái Hàng 太行, nơi đây là một trong những đất phát tích trọng yếu
văn hoá cổ đại của dân tộc Trung Hoa, Ân ở đây chỉ Ân Khư phía tây bắc An Dương
ngày nay. Trong số di vật Ân Khư có hơn 10 vạn mảnh mai rùa và xương thú, bên
trên có khắc văn tự rất khó đọc, ghi chép lại tình hình chính trị, kinh tế của
xã hội lúc bất giờ, những văn tự này chính là giáp cốt văn mà chúng ta nói ngày
nay. Ngoài ra, tại thôn Tiểu Đồn còn phát hiện một số lượng lớn khí vật bằng đồng
và binh khí với chủng loại đa dạng, chế tác tinh xảo. Về sau, đỉnh vuông lớn Mẫu
Mậu 母戊 cũng được phát hiện ở đây. Đỉnh cao hơn 130cm, nặng 875 kí, bên trên có khắc hoa văn đẹp,
trình độ kĩ thuật và nghệ thuật cao siêu. Đến nay, nơi đây còn bảo lưu di chỉ
kiến trúc cung điện tông miếu, những di chi vương lăng, mộ địa có khắp nơi, phường
hội thủ công nghệ thể hiện quy mô to lớn và khí phái vương giả có thể chứng
minh nơi đây là di chỉ quốc đô của triều Thương.
Nhưng
cũng có không ít chuyên gia sử học và học giả cho rằng Bàn Canh không hề dời đô
đến Ân Khư An Dương, trong Ân bản kỉ 殷本纪 có nói:
Đế Bàn Canh thời, Ân dĩ đô Hà Bắc, Bàn Canh
độ Hà nam, phục cư Thành Thang chi cố cư ..... nãi toại thiệp Hà nam, trị Bạc.
帝盘庚时, 殷已都河北, 盘庚渡河南, 复居成汤之故居 ...... 乃遂涉河南, 治亳.
(Thời Đế Bàn Canh, triều Ân đã
đóng đô ở Hà Bắc, Bàn Canh vượt Hoàng hà xuống phía nam, cư trú lại chỗ ở cũ của
Thành Thang ..... bèn vượt Hoàng hà xuống phía nam, đóng ở đất Bạc).
Họ cho rằng Bàn Canh dời về lại
cố đô – Thương Khâu. Năm 1711 trước công nguyên, Thành Thang diệt nhà Hạ, định
đô tại Bạc 亳, phía nam Thương Khâu. Theo ghi chép trong Sử kí 史记: cháu đời thứ 5 của Thành Thang là Trọng Đinh 仲丁 dời đô đến Trịnh Châu 郑州
Hà Nam 河南, em Trọng Đinh là Hà Thiền Giáp 河澶甲 dời đô đến phía đông nam Nội Hoàng 内黄 của Hà Nam 河南 hiện nay, cháu đời
thứ 6 là Tổ Ất 祖乙 lại dời đô đến phía đông huyện Nam Ôn 南温 Hà Nam 河南, cháu đời thứ 8 là
Nam Canh 南庚 lại dời đô đến Khúc Phụ 曲阜
phía đông Thiên Sơn 天山, cháu đời thứ 9 là Bàn Canh độ Hà nam, phục cư Thành Thang chi cố cư . Gọi là “độ Hà nam” 渡河南, chính là nói từ phía bắc Hoàng hà dời xuống phía nam
Hoàng hà. Gọi là Thành Thang chi cố cư,
chính là chỉ Bắc Bạc phía tây bắc huyện Thương Khâu, nơi cư trú trước khi Thành
Thang định đô ở Nam Bạc. Cũng chính là nói, Bàn Canh về lại Thương Khâu, nơi mà
tổ tiên Tiên Thương cư trú. Trong Trúc
thư niên kỉ 竹书年纪 có chép:
Bàn Canh thập tứ niên, tự Yêm thiên vu Bắc Mông, viết Ân, thập ngũ niên
doanh Ân ấp.
盘庚十四年, 自奄迁于北蒙, 曰殷, 十五年营殷邑.
(Bàn Canh năm thứ 14, từ đất Yêm dời đến Bắc Mông,
gọi là Ân, năm thứ 15 xây dựng Ân ấp)
Các học giả đem đất Ân tức Bắc
Mông mà Bàn Canh dời đến cho là Ân Khư của An Dương ngày nay, điều này rõ ràng
là nhầm:
- Thứ 1, An Dương chưa từng được
gọi là Bắc Mông và Bạc.
- Thứ 2, Thành Thang và Đế Khốc
帝喾 chưa từng cư trú và kiến đô ở An Dương. Cho nên độ Hà nam, phục cư Thành Thang chi cố cư
không phải chỉ An Dương. Còn như tại Tiểu Đồn An Dương phát hiện di chỉ và văn
vật đời Thương, đó là nhân vì cháu đời thứ 13 của Thành Thang là Vũ Ất 武乙 dời đến. Từ đời Tấn trở về sau, do bởi sử học gia, cá
biệt đã đem “Ân” của “Bắc Mông” và “Ân Khư” trộn lẫn làm một, cho nên người đời
sau mới nhầm cho là An Dương, rồi sai truyền sai, mới có thuyết Ân Khư ngày nay.
Bàn
Canh có dời đô đến Ân Khư hay không, đến nay vẫn chưa ai có thể kết luận, cần
phải đợi các chuyên gia học giả tìm ra những sử liệu có sức thuyết phục để chứng
minh. Nhưng, cho dù sự thực như thế nào đi nữa, sau khi Bàn Canh dời đô, sự ổn
định và phồn vinh của triều Thương đã hiện rõ, công lao to lớn của ông đối với sự
phát triển và củng cố triều Thương là không thể nào phủ nhận.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/6/2016
Nguyên tác Trung văn
BÀN CANH THỊ PHỦ THIÊN ĐÔ VU AN DƯƠNG ÂN KHƯ
盘庚是否迁都于安阳殷墟
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật