Dịch thuật: Ý nghĩa thủ thế ở Phật và Bồ Tát




Ý NGHĨA THỦ THẾ Ở PHẬT VÀ BỒ TÁT

          Thủ thế 手势 (tư thế của tay) ở Phật Bồ Tát có 2 tầng ý nghĩa:
1- Thủ thế ở Phật và Bồ Tát không phải do người tạo tượng tuỳ ý tạo ra, mà là căn cứ vào những ghi chép về các quy phạm trong kinh điển nghi quỹ, các thủ thế đều biểu hiện bi tâm và thệ nguyện vốn có ở Phật và Bồ Tát, có thể làm tiêu chí để tín đồ nhận biết Phật và Bồ Tát.
2- Thủ thế ở Phật và Bồ Tát cũng giống thủ thế ở người, đều là ngôn ngữ chi thể  biểu đạt tâm ý, đem những tâm ý đó truyền đạt đến chúng sinh trong thế giới Sa Bà 娑婆 (1).
          Thủ thế ở Phật và Bồ Tát bao gồm thủ ấn 手印 và trì vật 持物. Thủ ấn cũng gọi là “ấn khế” 印契, là các loại tư thế của hai tay và ngón tay kết hợp lại. Trì vật chính là pháp khí hoặc bảo vật đặc định cầm trong tay.
          Nếu chúng ta nhận biết rõ các loại thủ ấn và trì vật ở Phật và Bồ Tát sẽ giúp phân biệt rõ chư Phật và Bồ Tát của thế giới Phật quốc; đồng thời khi tu trì hoặc cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu rõ tâm ý của bổn tôn Phật và Bồ Tát, từ đó có sự khế ứng với bổn tôn.

Chú của người dịch
1- Thế giới Sa Bà:
          Theo Phật học từ điển:
          TA-BÀ, SA-BÀ (THẾ GIÁI) 娑婆 (世界) Saha (scr.) Cũng viết: Sa ha 娑訶 Dịch nghĩa: Nhẫn, Đại nhẫn, Kham nhẫn. Cõi thế giái Tam thiên Đại thiên do đức Phật Thích-Ca làm Hoá-chủ. Ta-bà thế giái, dịch: Nhẫn-độ (Nhẫn-thổ) là cõi thế nơi ấy nhà tu hành phải Kham nhẫn, phải chịu nổi sự Nhẫn-nhục, vì nơi cõi này có đủ các sự trược, ác mà chúng-sanh phải chịu. Ta-bà thế-giái cũng kêu là Đại- nhẫn thế-giới, vì ở cõi này, các nhà tu-học phải nhẫn nhị đối với mọi sự khổ-não mới có thể tu học.
          Người ta cũng gọi là Tạp ác thế-giái, Tạp-sanh thế-giái, cõi mà mọi sự ác trược, mọi thứ chúng-sanh lộn-lạo với nhau. Chính ở cõi này, có năm giống chúng-sanh ở chung với nhau: Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sanh, Thiên, Nhơn. Như vậy, Ta-bà là cõi Uế-độ, chẳng phải là cõi Tịnh-độ. Cho nên chúng-sanh ở cõi này rất khó mà tu học, và ai tu học được thì có phước-đức nhiều hơn ở cõi Tịnh-độ.
          Trong cõi Liên-hoa tạng trang-nghiêm, có 20 từng thế-giái. Mỗi thế-giái là một cõi Phật. Cõi Ta-bà ở về từng thứ 13, gồm có nhiều thế-giái nhỏ. Trong mỗi thế-giái nhỏ, có ba cõi: Dục-giái, Sắc-giái và Vô-sắc giái; có bốn châu: Đông, Thắng-thần châu, – Tây, Ngưu-hoá châu, - Nam, Thiệm-bộ châu, - Bắc, Cu-lư châu; và có một núi Tu-di (Suméru), có hai vừng Nhựt, Nguyệt.
          ...…….
(Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, quyển 2, trang 758. Nxb tp/Hồ Chí Minh. 1992)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 21/5/2016
                                                         Phật đản 2016 (Phật lịch 2560)

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post