Dịch thuật: Xã hội nguyên thuỷ Trung Quốc cùng với .....

XÃ HỘI NGUYÊN THUỶ TRUNG QUỐC CÙNG VỚI
SỰ MANH NHA HỌC HIỆU

          Trung Quốc là quốc gia có lịch sử lâu đời và một nền văn minh xán lạn. Trải qua thời gian dài mấy chục vạn năm, tổ tiên dân Trung Quốc trong quá trình sản xuất và sinh hoạt đã dần tích luỹ tri thức và kinh nghiệm nhất định. Căn cứ theo sự phát hiện của khảo cổ học, “người Bắc Kinh” cách đây khoảng 50 vạn năm đã biết tạo ra công cụ bằng đá đơn giản, đồng thời biết được cách dùng lửa và nấu chín thức ăn. Việc tạo ra công cụ bằng đá và lợi dụng lửa, xem ra rất giản đơn, nhưng đối với sự sinh tồn và phát triển của bầy người nguyên thuỷ lại có mối tương quan mật thiết, họ nhân đó mà càng tự tin hơn trong việc săn bắt dã thú, chiến thắng tự nhiên. Để lớp trẻ có thể tiếp tục sinh tồn, bậc trưởng bối đương nhiên sẽ đem những tri thức chế tạo công cụ bằng đá và cách vận dụng lửa nói lại cho lớp vãn bối. Từ đó dần sản sinh ra hoạt động giáo dục với hình thức ban sơ. Trong sách cổ có nói:
(Toại Nhân thị) toản toại thủ hoả, giáo dân thục thực.
(燧人氏) 钻燧取火, 教民熟食.
(Toại Nhân thị) dùi lấy lửa, dạy dân ăn chín

Phục Hi thị chi thế, thiên hạ đa thú, cố giáo dân dĩ liệp
伏羲氏之世, 天下多兽, 故教民以猎
Thời Phục Hi, thiên hạ nhiều thú, cho nên dạy dân săn bắn

Thần Nông ….. giáo dân nông tác
神农 ….. 教民农作
Thần Nông ….. dạy dân làm ruộng
Đều thuộc về loại hoạt động giáo dục này. Loại giáo dục này do không có trường sở cố định và đối tượng riêng, nội dung giáo dục cũng chỉ sản sinh tuỳ thời tuỳ lúc và cũng tuỳ theo nhu cầu sinh hoạt mà định, nên mang nhiều tính tuỳ ý.
          Đến hậu kì xã hội nguyên thuỷ, tổ tiên người Trung Quốc tiếp tục tiến vào xã hội thị tộc mẫu hệ và xã hội thị tộc phụ hệ, sức sản xuất xã hội đã có sự phát triển nhất định, tích luỹ được tài sản tương ứng, cuộc sống trong thị tộc cũng có nội dung ngày càng phong phú. Về giáo dục, trừ việc truyền thụ tiến hành sản xuất, tri thức sinh hoạt ra, với một số ý thức tập thể và tập quán đạo đức phong tục của công xã thị tộc, giáo dục tư tưởng tất nhiên cũng thẩm thấu vào trong đó. Tư liệu khảo cổ học phát hiện tại di chỉ thôn Bán Pha 半坡 ở Tây An 西安 cho thấy rõ: 45 toà phòng ốc sắp xếp dày đặc được dùng làm nơi ở của thị tộc, trung tâm có một phòng lớn dành cho hoạt động công cộng. Gian phòng lớn này vừa là nơi để các thành viên trong thị tộc thảo luận việc chung, vừa là nơi tiến hành giáo dục tư tưởng. Thành viên thị tộc tại nơi đây tuyển chọn thủ lĩnh thị tộc, thảo luận việc phục thù của thị tộc, cử hành các hoạt động tôn giáo và tổ chức ăn mừng v.v… trong những hoạt động này, họ hình thành được ý thức tập thể và tập quán đạo đức phong tục một cách rất tự nhiên. Nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa chính thức xuất hiện cơ cấu giáo dục.
          Chỉ khi văn minh nhân loại và văn tự ngôn ngữ phát triển đến một trình độ nhất định, xã hội từ sự phân công nghề chăn nuôi đầu tiên với nông nghiệp tiến đến sự phân công nông nghiệp với thủ công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm lao động xã hội đã có thặng dư tương đương, đảm bảo một bộ phận người có thể thoát li lao động chân tay trở thành lao động trí óc, mà bộ phận này lại cảm thấy cần phải đem một số tri thức chuyên môn cùng kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ sau một cách có mục đích, có kế hoạch, lúc bấy giờ mới có thể xuất hiện một cơ cấu giáo dục chuyên môn, đó là học hiệu.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 27/5/2016

Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post