Dịch thuật: Văn quan, võ tướng bắt đầu phân khai từ khi nào?

VĂN QUAN, VÕ TƯỚNG BẮT ĐẦU PHÂN KHAI TỪ KHI NÀO?

          Sự phân khai văn quan và võ tướng, tức văn quan không còn tác chiến nữa, mà chuyên môn đã có võ tướng chỉ huy tác chiến. Về thời gian cụ thể phân khai,  có những quan điểm khác nhau.
          Trong Sử kí 史记, thời Hoàng Đế 黄帝 đã thiết lập Tư mã 司马, quan chức thủ lĩnh quân sự. Trong Thượng thư 尚书, thời kì triều Thương đã có văn võ bách quan. Tuy thời kì Hạ, Thương, văn võ bách quan đã chia ra, nhưng khanh, sĩ đại phu vừa quản lí sự vụ chính trị, vừa lãnh binh tác chiến. Đồng thời bình thường Tư mã chỉ quản chính trị, mà không có quyền thống lĩnh quân đội, thời chiến thống soái cũng do thiên tử lâm thời giao nhiệm vụ. Chiến tranh kết thúc, quyền thống lĩnh quân đội giao về cho thiên tử. Có thể nói, trước thời Tây Chu, văn quan võ tướng là bất phân khai.
          Theo những ghi chép trong Sử kí, thời Xuân Thu, thống soái tối cao của quân đội là thiên tử, thiên tử thường đích thân dẫn quân tác chiến. Trong Tả truyện 左传 cũng có nói, đương thời văn quan võ tướng đều có thể lãnh binh tác chiến. Có thể thấy “đại phu” lúc bấy giờ là văn võ nhất thể. Cũng có thể nói, văn quan võ tướng ở thời Xuân Thu chưa phân ra.
          Thời Chiến Quốc, giai cấp địa chủ nắm giữ quyền hành chính tối cao của đất nước. Quân chủ các nước cảm thấy những quan viên đó vừa có khả năng quản lí sự vụ hành chính, vừa có thể lãnh binh tác chiến, một khi tạo phản, hậu quả sẽ không thể tưởng được. Cho dù không tạo phản, thời gian lâu dài cũng sẽ dẫn đến việc quân quyền bị rơi vào tay kẻ khác. Vì thế, họ quyết định dùng phương pháp phân chức văn võ, để văn quan chỉ phụ trách quản lí nội chính, võ tướng chỉ phụ trách dẫn quân đánh trận. Có thể nói, đến thời Chiến Quốc mới xuất hiện võ tướng chuyên chức.
          Theo sự phát triển kinh tế xã hội, quy mô chiến tranh cũng không ngừng mở rộng, tổng số sĩ binh không ngừng gia tăng, chỉ huy tác chiến dần trở thành một môn nghệ thuật. Chỉ huy một đội quân cần phải có tri thức chuyên nghiệp về phương diện quân sự, có kinh nghiệm trong việc quản lí, huấn luyện và chỉ huy tác chiến. Tại thời kì này, một số danh tướng ứng thời vận mà xuất hiện, ví dụ như: Ngô Khởi 吴起, Tôn Tẫn 孙膑, Nhạc Nghị 乐毅, Bạch Khởi 白起, Liêm Pha 廉颇 v.v… đều là võ tướng chuyên chức, còn văn quan thì chuyên phụ trách chính sự trong triều, không lãnh binh xuất chinh nữa.
          Có thể thấy, thời gian cụ thể phân khai văn quan võ tướng là vào thời Chiến Quốc.
          Thế thì, khi lên triều, cách sắp xếp văn đông võ tây bắt đầu từ khi nào? Trong Sử kí – Lưu Kính Thúc Tôn Thông liệt truyện 史记 - 刘敬叔孙通列传 ghi rằng:
          Công thần liệt hầu chư tướng quân quân lại dĩ thứ trần tây phương, đông hướng; văn quan thừa tướng dĩ hạ trần đông phương, tây hướng.
          功臣列侯诸将军军吏以次陈西方, 东乡; 文官丞相以下陈东方, 西乡.
          (Công thần, liệt hầu, các tướng quân và quân lại theo thứ tự xếp ở phía tây, mặt hướng về đông; văn quan thừa tướng trở xuống xếp ở phía đông, mặt hướng về tây.)
          Theo đó có thể biết, văn đông võ tây là triều nghi do Thúc Tôn Thông đầu thời Hán định ra. Vị thứ sắp xếp văn đông võ tây cũng bắt đầu từ đó.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 12/5/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post