Dịch thuật: Chu Chiêu Vương chinh phạt Kinh Sở

CHU CHIÊU VƯƠNG CHINH PHẠT KINH SỞ

          Năm 985 trước công nguyên, Chu Chiêu Vương 周昭王 kế thừa vương vị là một vị đế vương hiếu chiến. Thời gian ông tại vị, nước Báo khu vực Kinh Sở 荆楚 phát sinh phản loạn, tổ chức một số bang quốc nhỏ đối kháng với chính quyền trung ương. Gọi là khu vực “Kinh Sở”, hoàn toàn không có giới hạn địa vực rõ ràng, trước đời Chu và đến đời Chu, đại để thuộc khu vực trung tâm của Hồ Bắc ngày nay, bắc đến phía nam Hà Nam, đông đến An Huy, tây đến phía
Nam Thiểm Tây. Do bởi điều kiện tự nhiên lúc bấy giờ tương đối khắc nghiệt, trình độ sản xuất có hạn, dân cư trú nơi đây mãi chưa hình thành một khu vực tông tộc rõ ràng. Đến thời Chu Thành Vương, họ Hùng Dịch 熊绎 được phân phong ở đây mới bắt đầu chính diện với khu vực trung nguyên, có mối quan hệ qua lại rõ ràng. Trải qua mấy trăm năm phát triển, đến trung kì thời Xuân Thu, cuối cùng đạt đến trình độ ngang ngửa với các nước ở trung nguyên.
          Khoảng năm 985 trước công nguyên, Chu Chiêu Vương dẫn binh vượt Hán thuỷ, tiến hành chinh phạt lần thứ nhất. Lần chinh phạt này, đánh đến đô thành nước Báo, giành được thắng lợi hoàn toàn, đồng thời khiến nhiều nước nhỏ ở khu vực Kinh Sở đến quy thuận. Trên “Tông Chu chung” 宗周钟 (1) đã ghi chép chiến tích huy hoàng của lần chinh phạt này. Nhưng 8 năm sau, một số bang quốc lấy nước Báo làm thủ lĩnh lại phản loạn. Chu Chiêu Vương đương lúc tráng niên, đã giận dữ khởi binh, tiến hành chinh phạt lần thứ 2. Nhưng lúc vượt qua Hán thuỷ lại mắc mưu của người lái thuyền. Những người lái thuyền này, không biết vì sao lại là đồng minh với nước Báo, họ lại căm ghét Chu Chiêu Vương liên miên chinh phạt. Thế là khi Chu Chiêu Vương dẫn binh vượt sông, họ dâng một kế gọi là “giao chu” 胶舟, tức dùng keo dán dính các thuyền lại với nhau, chứ không dùng đinh chốt để cố định thuyền lại. Khi thuyền ra đến giữa giòng, chất keo bị ngấm nước, các thuyền tách ra, Chu Chiêu Vương chết đuối. Người Sở thừa thế tấn công, quân Chu tổn thất hơn một nữa, đại bại rút quân về. \Sự thất bại của lần chinh phạt này, không những không bình định được phản loạn, mà quan trọng hơn đó là lực lượng và thanh uy của Chu vương thất bị tổn hại, mở đầu cho triều Tây chu đi đến chỗ suy bại.

Chú của người dịch
1- Tông Chu chung 宗周钟: còn gọi là “Hồ chung” 胡钟, loại nhạc khí dùng trong việc thờ phụng tổ tiên do Chu Lệ Vương 周厉王 thời Tây Chu chế ra, là khí vật thiên tử trọng yếu hiện tồn. Tông Chu chung cao 65,6cm, nặng 34,9k, tạo hình nghiêm chỉnh. Trên thân có minh văn tổng cộng 123 chữ, lời minh sâu sắc trang nhã, ghi chép lại sự việc Lệ Vương chinh phục các nước nhỏ ở phương nam. 
          Trong nguyên tác cho Tông Chu chung là vào thời Chu Chiêu Vương 周昭王, không phải thời Chu Lệ Vương 周厉王.
          Chu Chiêu Vương tên Cơ Hà 姬瑕, là vị quân chủ thứ 4 nhà Tây Chu, còn Chu Lệ Vương tên Cơ Hồ 姬胡, là vị quân chủ thứ 10 nhà Tây Chu.





                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 10/5/2016

Nguyên tác Trung văn
CHU CHIÊU VƯƠNG CHINH THẢO KINH SỞ
周昭王征讨荆楚
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post