Chu Cao
Xí 朱高炽 sinh năm Hồng Vũ 洪武
thứ 9 nhà Minh (năm 1378) tại Nam Kinh. Mẫu thân họ Từ 徐
là vương phi chính phòng của Chu Đệ 朱棣, tức sau này là Từ hoàng hậu triều Vĩnh Lạc 永乐. Chu Cao Xí không những là con đầu của Chu Đệ mà còn
là “hoàng tôn” thứ hai của Chu Nguyên Chương 朱元璋.
Năm sau, phụ thân Chu Đệ đi Bắc Bình 北平, Chu Cao Xí còn nhỏ
được lưu lại Nam Kinh, sau được vào học tại “Đại Bản Đường” 大本堂 do Chu Nguyên Chương lập ra để dạy con em hoàng thất.
Trong thời gian đó, Chu Đệ hai lần về kinh triều
kiến có gặp mặt, còn đa số thời gian thì cùng với phụ thân “nam bắc tương
cách”. Đầu đời Minh, chế độ giáo dục của hoàng thất cực nghiêm, học quy của “Đại
Bản Đường” do Tống Liêm 宋濂, “Đông cung Thái
sư” của thái tử đích thân soạn ra, quy định: phàm hoàng tử từ 6 tuổi trở lên, mỗi
ngày bắt đầu từ giờ Mão đưa đến học cung để học, thời gian học dài khoảng 12 tiếng
đồng hồ, thêm vào đó không được vô cớ xin nghỉ. Hàng năm chỉ vào Xuân tiết,
Trung Thu, Đoan Ngọ cùng sinh nhật của hoàng hậu, hoàng tử mới được nghỉ. Mỗi
năm chỉ nghỉ 18 ngày, chương trình học sau khi do hoàng đế phê chuẩn, thì cho
dù là mẫu phi của hoàng tử thậm chí bản thân hoàng đế cũng không được can thiệp.
Dưới những quy định hà khắc, đa số hoàng tử cực khổ không thể nói ra, thường lười
học ham chơi (nhất là Chu Cao Hú 朱高煦, em ruột Chu Cao
Xí). Chu Cao Xí là một trong số ít hoàng tử siêng năng, ông tôn sư trọng đạo, rất
tôn kính các thầy. Khi các “hoàng huynh hoàng đệ” có hành vi vi phạm nội quy,
Chu Cao Xí thường ra sức nói đỡ. Trời sinh bản tính ông ham đọc sách, thường
cùng với các “giáo sư” bàn luận cổ kim, có kiến giải tinh thâm. Sử chép là
“chúng sư giai xưng kì hiền” 众师皆称其贤 (các thầy đều
khen ông hiền), cũng vì thế đã được Chu Nguyên Chương chú ý.
Cũng giống
như người anh họ Chu Doãn Văn 朱允炆 sau này được lập
làm “thái tử”, bắt đầu từ nhỏ, Chu Nguyên Chương đối với Chu Cao Xí vô cùng
“cách bối thân” 隔辈亲 (ông thân với cháu – ND). Có một ngày, Chu Nguyên
Chương kiểm tra việc học của các “hoàng tôn”, xem qua một bài văn luận về chính
sách khẩn hoang, thấy viết rất mạch lạc, biện luận có chứng cứ, Chu Nguyên
Chương vô cùng khen ngợi. Được biết do Chu Cao Xí viết, đã tán thưởng rằng:
Ngô tôn nhân hậu dã
吾孙仁厚也
(Cháu ta nhân hậu lắm)
Từ đó càng coi trọng Chu Cao Xí, không những lúc đi
săn hoặc xuất tuần thường cho ở bên cạnh, mà còn lệnh cho ông giúp mình thẩm
duyệt tấu chương. Việc nào Chu Cao Xí cũng đáp ứng tốt. Đặc biệt vào một mùa
đông năm nọ, Chu Nguyên Chương lệnh cho Chu Cao Xí kiểm duyệt vệ đội hồ Huyền
Vũ 玄武 ở
Nam Kinh lúc trời vừa rạng sáng, Chu Cao Xí đi và nhanh chóng trở về. Chu
Nguyên Chương sợ Chu Cao Xí phô diễn nên có vẻ không vui. Chu Cao Xí thản nhiên
đáp:
Sáng sớm trời còn lạnh, cháu đã cho tướng sĩ
ăn sáng trước, đợi ăn xong sẽ ra kiểm tra cũng không muộn.
Lời nói
đó khiến Chu Nguyên Chương đổi giận thành vui,
lòng “nhân hậu” của Chu Cao Xí đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng Chu
Nguyên Chương. Sau việc đó chẳng bao lâu, Chu Nguyên Chương nói với thái tử Chu
Tiêu 朱标 rằng:
Cháu của con (Chu
Cao Xí) thiên tính nhân hiếu thuần lương, giỏi việc trị dân, ngày sau phong
phiên cháu ở đất Yên, tất sẽ là bình phong che chắn cho đất nước. Con nên đối
đãi tốt với cháu.
Quả
nhiên, năm Hồng Vũ thứ 26 (năm 1395), Chu Cao Xí được lập làm Yên Vương Thế Tử
(người kế thừa), về đất Yên. Từ đó Chu Cao Xí mới được đoàn tụ cùng phụ thân Chu Đệ mà đã xa cách nhiều năm.
Chú của người
dịch
Ông là
con trưởng của Minh Thành Tổ Chu Đệ 朱棣. Tháng 8 năm Vĩnh Lạc
永乐 thứ 22 (năm 1424) đăng cơ, cải nguyên là Hồng Hi 洪熙.
Tháng 5
năm Hồng Hi thứ 1 (năm 1425), Chu Cao Xí chỉ làm hoàng đế được 10 tháng thì bị
bệnh nặng, chẳng bao lâu thì qua đời, hưởng niên 47 tuổi, miếu hiệu Nhân Tông 仁宗, thuỵ hiệu là:
Kính Thiên Thể Đạo Thuần Thành Chí Đức Hoằng
Văn Khâm Vũ Chương Thánh Đạt Hiếu Chiêu Hoàng Đế
敬天体道纯诚至德弘文钦武章圣达孝昭皇帝
Táng ở
Hiến lăng 献陵 trong Thập tam lăng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/5/2016
Nguyên tác Trung văn
KHỔ HÀI TỬ CHU CAO XÍ
苦孩子朱高炽
trong quyển
MINH TRIỀU NGUYÊN LAI THỊ GIÁ DẠNG
明朝原来是这样
Tác giả: Trương Khâm 张嶔
Bắc Kinh – Hiện Đại xuất bản xã, 2014
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật