THU KẾ HÔN
Thu kế
hôn 收继婚 là hình thức hôn nhân cha chết con lấy mẹ thứ, chú chết
cháu lấy thím, anh chết em trai lấy chị dâu, em trai chết anh lấy em dâu. Thu kế
hôn vừa là tàn lưu của tập tục quần hôn trong xã hội nguyên thuỷ, lại là biểu
hiện của chế độ nhất phu đa thê trong xã hội phong kiến, nó còn có dụng ý ngăn
chặn tài sản, sức lao động phát tán ra bên ngoài. Trong Tả truyện 左传 có ghi lại hiện tượng thu kế hôn của các nước như Tần,
Tề, Sở, Tấn, Trịnh, Vệ.
Thu kế
hôn có đặc tính hoang dã thô bạo của chế độ nô lệ, trong thời đại và khu vực mà
tập tục này lưu hành, cho dù là con gái của quốc quân, một khi con trai đi cưới,
sẽ trở thành tài sản trong gia tộc của nhà trai, sau khi chồng chết, cô ta sẽ gả
lại cho người con trai khác trong nhà. Như Vương Chiêu Quân 王昭君 thời
Hán, được gả cho Thiền vu Hung nô Hô Hàn Tà 呼韩邪 ở nơi xa. Sau
khi Hô Hàn Tà qua đời, theo tập tục Hung Nô, Chiêu Quân bị chuyển gả làm vợ con
trai thứ. Lúc bấy giờ luật pháp triều Hán đã quy định rõ cấm chỉ thu kế hôn,
nhưng chế ước không nổi đất Hồ. “Chiêu Quân dâng thư cầu xin được trở về, Thành
Đế lệnh bắt theo phong tục người Hồ”. Không biết làm cách nào, Vương Chiêu Quân
đành tuân mệnh.
Tục thu
kế hôn sớm vào thời Tiên Tần đã gặp phải sự chỉ trích của mọi người, sau đó luật
pháp các triều đại quy định phế bỏ tục này. Nhưng trong cuộc sống thực tế, tục
này vẫn chưa tuyệt tích. Trong lịch sử, người thu kế mang “xú danh” nhất phải
nói đến Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝. Đương lúc phụ
thân của ông là Tuỳ Văn Đế hấp hối, ông đã cưỡng bức thứ mẫu là Tuyên Hoa phu
nhân Trần thị 宣华夫人陈氏) làm vợ. Văn Đế biết được vô cùng tức giận, nhưng lực
bất tùng tâm. Ngày Văn Đế qua đời, Tuyên Hoa phu nhân tư mạo vô song đã bị
“Thái tử chưng yên” 太子烝焉 (1)
(*). Tiếp đó, Dung Hoa phu nhân
Thái thị 容华夫人蔡氏 xinh đẹp “diệc vi Dượng Đế sở chưng” 亦为炀帝所烝 (2). Đường Thái Tông thu kế phi tử Lí thị 李氏) của em trai là Lí Nguyên Cát 李元吉; Đường Cao Tông thu kế Tài nhân Võ Tắc Thiên 武则天 của Đường Thái Tông, phong làm Chiêu Nghi 昭仪. Sau đời Tống, thu kế hôn ở khu vực Hán tộc dần biến
mất, nhưng tại một vài nơi trong dân tộc thiểu số vẫn còn thịnh hành tập tục
này, thậm chí có nơi còn kéo dài đến hiện nay.
Chế độ
nhất phu đa thê uy hiếp nghiêm trọng đến địa vị người vợ, trong lịch sử, phụ nữ
tiến hành trường kì phản kháng. Phương thức phản kháng chủ yếu có 3 loại, đáng
tiếc là đều không hiệu quả.
- Ghen: người chồng có thiếp, có người hầu,
vợ con không thể không ghen. Nhưng kết quả không hay, một mặt, người vợ đem hết
những tức giận trong lòng đổ lên thân người thiếp hoặc người hầu, khiến con cái
phải chịu đả kích; mặt khác, người đàn ông với quyền uy tuyệt đối cuối cùng sẽ
gán cho vợ tiếng xấu là “đố phụ” 妒妇, thậm chí còn ra
tay tàn khốc. Rốt cuộc, kẻ bị hại vẫn là phụ nữ. Những việc như người vợ nhân
vì ghen mà tự sát; thiếp, người hầu do bởi ghen mà bị giết đều đã có phát sinh.
- Nam thiếp 男妾,
Thời cổ gọi là “diện thủ” 面首, tức mĩ nam. Lập nam thiếp là phương thức phản kháng
tiêu cực của phụ nữ đối với việc nhất phu đa thê. Trong lịch sử, những ghi chép
về “diện thủ” bắt đầu từ thời Nam
triều. Con gái của Hiếu Vũ Đế triều Lưu Tống là công chúa Sơn Âm 山阴 cực đanh đá, cho rằng mình với anh là Tống Phế Đế đều
là cốt nhục của tiên đế, anh “lục cung vạn
số”, mà mình chỉ “phò mã nhất nhân”, rất là bất công. Tống Phế Đế “bèn làm chủ
lập cho diện thủ khoảng 30 người” (3). Theo sử thư ghi chép, nuôi
nam thiếp nhiều mà nổi tiếng, phải kể đến Võ Tắc Thiên.
- Thông gian. Trong xã hội phong kiến,
công khai nuôi nam thiếp chỉ có công chúa mới có tư cách. Với phụ nữ bình thường,
sự phản kháng của họ đối với việc nhất phu đa thê chính là thông gian. Phương
thức phản kháng này không thể thay đổi được sự thực nhất phu đa thê, mà kết quả
khiến phong khí xã hội thêm bại hoại.
Chú của
nguyên tác
1-, 2- Xem Tuỳ
thư 隋书 quyển 36 Hậu phi truyện 后妃传.
Chưng 烝: tức thu kế.
3- Tống thư 宋书 quyển 7 Tiền Phế Đế kỉ 前废帝纪.
Chú của người dịch
Chưng 烝: Hán Việt tự
điển của Thiều Chửu giải thích là:
Loạn dâm với người trên
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 20/4/2016
Nguồn
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật