太子獄
(太子維褘) (1)
黎君鄭主事難平
冤獄無端早織成
萬乘偏難留一子
生來悔爾太英明
阮輝濡
THÁI
TỬ NGỤC
(Thái tử Duy Vĩ)(1)
Lê quân Trịnh chủ sự nan bình
Oan ngục
vô đoan tảo chức thành
Vạn thặng thiên nan lưu nhất tử
Sinh lai hối nhĩ thái anh minh
Nguyễn
Huy Nhu (2)
THÁI
TỬ NGỤC
(Thái tử Duy Vĩ)
Vua Lê và chúa Trịnh không hoà với nhau
Ngục oan kia vô cớ dựng lên
Đến vua cũng khó mà giữ được con của mình
Chỉ tiếc cho thái tử sinh ra đã quá anh minh
Dịch thơ
Chúa Trịnh vua Lê vốn bất hoà
Vô tình oan ngục sớm gây ra
Đến vua cũng khó bênh con được
Đời tiếc thông minh, cũng xót xa
Chú của người
dịch
1- Chữ “Vĩ” trong nguyên tác gồm bộ 礻 và chữ 韋. ở đây tạm mượn chữ 褘.
Lê Duy Vĩ 黎維褘 (? – 1771): con trưởng vua Lê Hiển Tông, năm 1764 được
lập làm Hoàng thái tử. Năm 1769, Trịnh Sâm lên ngôi chúa, vu tội cho thái tử,
sai người đến bắt đưa về phủ chúa. Trịnh Sâm giả lệnh vua truất thái tử làm thứ
nhân, rồi giam vào ngục. Tháng 12 năm 1771, Trịnh Sâm giết Duy Vĩ,
Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
có chép về sự kiện này.
(Năm 1769 tháng 3)
…. Thái tử lúc còn nhỏ, thông minh, nhanh nhẹn,
xem rộng sách Kinh, sách Sử, đối với sĩ phu rất có lễ độ; thần dân không ai là
không mến yêu thái độ, dung nghi. Trịnh Doanh rất trọng tài của thái tử, nên
đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gả cho. Thái tử vẫn bực tức về nỗi
nhà Lê mất quyền bính, khảng khái có chí thu nắm lấy quyền. Trịnh Sâm lớn lên
làm thế tử, đối với thái tử, hắn vẫn ghen ghét về địa vị tài năng. Một hôm,
thái tử và Sâm cùng ở phủ đường được chúa Trịnh ban cho ăn cơm và bảo cùng ngồi
một mâm, lúc ấy có vợ Trịnh Doanh là Nguyễn Thị ngăn đi và nói: “Thế tử với
thái tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi làm
hai chiếu”. Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng: “Ta với Duy
Vĩ hai người, phải một chết, một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau
được”.
Khi Sâm nối ngôi, bàn vụng với hoạn
quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định mưu truất thái tử, nhưng không có lẽ
gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồi
đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục.
Trước đây, trong giếng Tam Sơn ở sau
cung điện, bỗng nhiên có tiếng như sấm, thái tử e rằng tất xảy ra tai nạn, nói
để nhà vua biết; nhà vua thường cầu đảo cho thái tử được thoát nạn. Đến nay,
thái tử biết tin tai nạn phát sinh, vào ở tẩm điện của nhà vua. Huy Đĩnh trước
hết vào tìm khắp trong đông cung, nhưng không thấy, bèn vào thẳng điện đình kể
tội trạng thái tử và nói với nhà vua rằng: “Tôi nghe biết thái tử ẩn nấp trong
tẩm điện của bệ hạ, xin bắt giao cho tôi”. Nhà vua ôm mãi lấy thái tử, không nỡ
ly biệt. Huy Đĩnh cứ quỳ mãi ở dưới sân. Thái tử tự nghĩ không thể nào thoát nạn
được, vừa khóc vừa lạy trước mặt nhà vua, rồi rảo chân bước ra chịu trói. Khi
đưa về phủ chúa Trịnh, Huy Đĩnh bắt thái tử trút mũ ra để nhận tội, thái tử
không chịu, nói: “Bỏ vua này, lập vua khác, bạo nghịch giết vua, là việc làm đã
quen của nhà bay, chứ ta có tội gì đâu?
Việc này đã có sử xanh chép để ngàn đời!” Trịnh Sâm giả thác mệnh lệnh của nhà
vua, truất thái tử làm thứ nhân, rồi giam vào ngục.
……….
(Năm 1771 tháng 12)
….. Sau khi thái tử đã bị giam, Sâm muốn
giết đi, nhưng chưa tìm được chỗ sơ hở. Đến nay, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy
Đĩnh nhờ người khác tố cáo vu ra rằng “bọn Trần Trọng Lâm và Nguyễn Hữu Kỳ cùng
với bọn gia khách của thái tử là cống sĩ Vũ Bá Xưởng và tự thừa Lương Giản định
mưu dấy quân, để cướp lấy thái tử ra khỏi ngục”. Rồi Huy Đĩnh đem việc ấy nói
cho Sâm biết. Sâm hạ lệnh bắt đem trị tội. Lương Giản trốn. Bá Xưởng bị bắt,
tra tấn nghiêm ngặt, lời cung của Bá Xưởng liên can cả đến Nguyễn Lệ. Lệ nói:
“Thái tử là người sẽ nối ngôi vua sau này của một nước, nay không có tội gì mà
bị giam cầm nhục nhã, thì định mưu cướp lấy thái tử đem ra là một việc nghĩa,
nhưng thực tình tôi không được dự biết việc ấy. Nay nếu bức bách về sự khảo tả mà thú phục xằng, thì không phải là người có
dũng khí, việc không mà nói có, thì không phải là người có nghĩa. Vả lại, việc
này bảo là Lệ này tự định mưu, hoạ chăng còn có lý, chứ thái tử ở trong nhà
giam, đến vợ con cũng không được ra vào, thì Lệ này từ đâu để yết kiến thái tử
mà cùng nhau mưu tính được? Bây giờ chỉ có việc chết mà thôi, chứ Lệ này chả biết
nói gì cả!” Nguyễn Lệ bị khảo đả, nát hết da thịt mà vẫn không thay đổi lời
khai. Huy Đĩnh tự dựng thành bản án dâng lên. Sâm sai Huy Đĩnh thắt cổ giết
thái tử, lại giết cả bọn Nguyễn Lệ và Bá Xưởng nữa. Sau hạ lệnh thu lấy sắc mệnh
của Trần thị là hoàng hậu đã mất và là mẹ đẻ thái tử; các con thái tử là Khiêm,
Trù và Chi đều bắt đem giam cấm ở ngục Đề Lãnh.
(Nguồn:
Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
tập hai Trang 686 – 687 và 699 – 700 , nxb
Giáo dục, 2007)
2- Nguyễn Huy
Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962):
còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ
20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên
(nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột
Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
Ông đỗ
Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo
hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định
khi mới 30 tuổi.
Bia Văn
miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7
Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng
Ninh.
Khi Viện
đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
Ông qua
đời năm 1962.
Ở trang
đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam
giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
(Chữ “Lư” này gồm bộ 山
bên trái và chữ 盧 bên phải)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/4/2016
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật