Dịch thuật: Tân dân là việc cấp bách hàng đầu ..... (kì 1)

TÂN DÂN LÀ VIỆC CẤP BÁCH HÀNG ĐẦU
 CỦA TRUNG QUỐC HIỆN NAY
(kì 1)

          Tôi nay cực ngôn cho rằng “tân dân” 新民 là việc cấp bách cần phải làm ngay, có 2 nguồn gốc để lập luận:
          Một là về nội trị
          Hai là về ngoại giao
          Sao lại nói là liên quan đến nội trị?
          Người luận bàn về chính thuật rất đông, động một tí anh Giáp nói hại quốc, anh Ất nói hại dân. Một sự kiện nào đó, chính phủ bỏ lỡ cơ hội; một chế độ nào đó, quan lại chết chìm trong chính vụ. Nếu đúng như vậy, tôi cố nhiên không dám cho là không phải. Tuy nhiên, chính phủ từ đâu mà thành? Quan lại từ đâu mà ra? Đó chẳng phải là từ dân sao? Anh Giáp, anh Ất, không phải là nhất thể của quốc dân sao? Tụ tập những người mù không thể thành một Li Lâu 離婁 (1), tụ tập những người có nghề không thể thành một Sư Khoáng 師曠 (2), tụ tập những người khiếp nhược không thể thành một Ô Hoạch 烏獲 (3), với nhóm dân như thế, sẽ có được quan lại chính phủ như thế, chính như người ta thường nói: “chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu” 種瓜得瓜種豆得豆 (4), có gì là lạ đâu?
          Triết tây thường nói: “chính phủ với nhân dân, giống như hàn thử biểu với không khí.” Không khí ở không trung và mức thuỷ ngân trong hàn thử biểu, độ của nó tất ngang bằng nhau, không hề sai lệch tí nào. Trình độ văn minh của quốc dân thấp, tuy có  được minh chủ hiền tướng cai trị, khi những người đó qua đời, thì chính sự cũng hết theo. Giống như giữa mùa đông lạnh, đặt hàn thử biểu vào trong nước sôi, tuy độ có tăng cao, một khi nước nguội, lại tụt xuống như cũ. Trình độ văn minh của quốc dân cao, tuy ngẫu nhiên gặp phải bạo chúa ô lại, sát hại nhất thời, nhưng dân lực tự có thể bổ cứu để chỉnh đốn. Giống như lúc mùa hè nóng ẩm, đặt hàn thử biểu lên tảng băng, tuy độ của nó có tụt xuống, nhưng phút chốc băng tan, độ lại tăng lên như cũ. Thế thì, nếu có tân dân, thì lo gì không có tân chế độ? không có tân chính phủ? không có tân quốc gia? Nếu không như vậy, thì tuy ngày nay biến nhất pháp, ngày mai dịch nhất nhân; đông xoá tây chùi, bắt chước bước đi, bắt chước chau mày; tôi chưa thấy điều đó có thể cứu được. Nước ta nói đến tân pháp mấy chục năm nay mà vì sao không thấy hiệu quả? ấy là do đạo tân dân chưa được lưu ý vậy.
          Nay kẻ sĩ chốn thảo dã lo cho nước, luôn một mình suy nghĩ, than thở tưởng vọng rằng: “Làm sao có được hiền quân hiền tướng, để cứu vớt ta?” Tôi chưa biết loại hiền quân hiền tướng mà ông ta nói đến phải như thế nào mới hợp cách? Tuy nhiên, nếu lấy dân đức, dân trí, dân lực như hiện nay; thì theo tôi biết tuy có hiền quân hiền tướng cũng không thể lấy gì để cho tốt sau này. Danh tướng như Nã Phá Luân 拿破崙, nếu giao cho quân lính “lục kì” 綠旗 (5), thì cũng không thể địch lại “hắc man” 黑蠻. Đại gia hàng hải như Ca Luân Bố 哥侖布, nếu dùng thuyền gỗ mục dán keo, thì cũng không thể vượt qua suối nhỏ. Hiền quân hiền tướng đó, không thể chỉ riêng mình độc trị, thế không thể không dùng cương thần 疆臣, cương thần không thể không dùng giám ti 監司, giám ti không thể không dùng phủ huyện, phủ huyện không thể không dùng lại tư; người trong  những cấp như thế, một nữa là giỏi, một nữa là dỡ cũng không đủ để trị, huống hồ một trăm mà không có lấy được một?  Nay bàn điều này, vốn biết chính trị của thái tây tốt, muốn nước ta bắt chước theo. Nhưng suy ra, chỉ được chính trị không bằng như họ, có phải đều do sức riêng của quân của tướng tạo ra chăng? Nếu đi du lãm kinh đô của các nước như Anh, Mĩ, Đức, Pháp, xem dân ở đó tự trị như thế nào? xem dân và chính phủ quan hệ như thế nào? Một tỉnh mà phép trị của họ nghiễm nhiên như một nước, một thành phố, một thôn làng mà phép trị của họ nghiễm nhiên như một nước, thậm chí một người, phép tự trị của họ cũng nghiễm nhiên như một nước. Ví như muối vốn có tính mặn, tích muối thành gò, độ mặn càng cao. Chia từ gò thành nhiều thạch, thạch chia làm nhiều đấu, đấu chia làm nhiều thăng, thăng chia làm nhiều hạt, từ hạt chia thành nguyên tử, không đâu là không mặn, sau đó cái mặn lớn mới thành. Vò nát thành bột rồi tìm cái mặn, tuy có chất cao hơn núi Thái cũng không ích gì. Cho nên người dân các nước Anh Mĩ thường không đợi đến hiền quân hiền tướng mà cũng đủ trị. Vị nguyên thủ của họ, như Nghiêu Thuấn 堯舜áo rủ (*) cũng được, như Thành Vương 成王áo gấp (**) cũng được. Còn quan lại thì như Tào Tham 曹參 (6) cho uống rượu ngon (***) cũng được, như Thành Tấn 成瑨 (7) ngồi kêu cũng được. Sao như thế? vì có dân vậy. Cho nên quân tưóng thường ỷ lại vào quốc dân, chứ quốc dân không ỷ lại vào quân tướng. Nước nhỏ đã như thế, huống hồ Trung Quốc rộng lớn, roi dài của một hai người có thể tới được sao?
Thử lấy một nhà để ví một nước. Nếu trong nhà, vợ con anh em, ai nấy đều có bổn phận của mình, ai nấy đều có kĩ năng của mình. Trung trinh đốc kính, cần lao tiến thủ, thì nhà chưa từng không hưng thịnh. Nếu không như thế, mỗi người đều bỏ trách nhiệm của mình mà chỉ trông mong vào gia trưởng, gia trưởng mà không tốt, cố nhiên cả nhà đói rét; còn nếu tốt có thể chở che ta được bao nhiêu? Cho dù có thể chở che, làm con em của người mà khiến cha anh mệt mỏi, quanh năm cần cù lao động, ngày đêm lo nghĩ, tâm bất an, thì rốt cuộc vì nhà mà mỏi mệt. Nay động một tí thì trách chính phủ, mong hiền quân hiền tướng, sao không thứ, sao không trí. Người Anh thường nói:
          That s Your mistake. I couldn t Help You
          (dịch ý là: anh sai rồi, tôi không thể giúp anh)
          Đó tuy là lời theo chủ nghĩa lợi kỉ, nhưng thực là câu cảnh cáo nghiêm khắc đòi hỏi chúng ta tự trị tự trợ. Cho nên tuy hàng ngày trông mong có hiền quân hiền tướng nhưng tôi càng sợ cho dù có hiền quân hiền tướng, thì cũng yêu mình mà không thể giúp. Sao vậy? trông mong ở hiền quân hiền tướng mà sâu thì trông mong ở chính mình lại cạn, mà ác tật trách người mà không trách mình, mong ở người mà không mong ở mình chính là đại nguyên nhân mà Trung Quốc không thể duy tân. Ta trách người, người cũng trách ta, ta mong ở người, người cũng mong ở ta; 400 triệu người cùng trách cùng mong lẫn nhau, đất nước lập cùng ai? “Tân dân” không phải “tân” chỉ một người, mà là một người rồi lại một người khác, mỗi người dân phải tự tân.
          Mạnh Tử nói rằng:
Tử lực hành chi, diệc dĩ tân tử chi quốc (8)
子力行之, 亦以新子之國
(Ngài ra sức mà thi hành, cũng có thể đổi mới đất nước của ngài đó)
          Đó gọi là “tự tân”, đó gọi là “tân dân” vậy.
                                                                                     (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Li Lâu 離婁: người thời Hoàng Đế 黃帝, cũng gọi là Li Châu 離朱, có thể ở xa trăm bước vẫn thấy vật cực nhỏ. Ở bảng nhân danh cổ kim trong Hán thư 漢書 cho là người thời Xuân Thu.
2- Sư Khoáng 師曠: nhạc sư nước Tấn thời Xuân Thu, có thể qua âm nhạc phân biệt cát hung.
3- Ô Hoạch 烏獲: đại lực sĩ thời Chiến Quốc.
4- Chủng qua đắc qua … 種瓜得瓜 …: ý nói có nhân này tất có quả đó. Ngữ xuất Niết Bàn kinh 涅槃經.
5- Lục kì 綠旗: tên gọi tổ chức quân đội triều Thanh. Theo chế độ triều Thanh, lính người Hán dùng “lục kì” (cờ xanh), cho nên xưng “lục kì binh”.
6- Tào Sâm 曹參: người đất Bái thời Hán, cùng với Tiêu Hà 蕭何 theo Bái Công 拜公 khởi nghĩa. Sau khi Cao Tổ bình định thiên hạ, nối tiếp Tiêu Hà làm
Tướng quốc.
7- Thành Tấn成瑨: người Hoằng Nông 弘農 thời Hậu Hán, thời Hoàn Đế 桓帝 làm Thái thú ở Nam Dương 南陽, có chính sách nhân ái. Lúc Sầm Chất 岑晊 (tự Công Hiếu 公孝) làm công tào, Thành Tấn tín nhiệm ông ta, dân gian có câu:
Nam Dương Thái thú Sầm Công Hiếu
Hoằng Nông Thành Tấn đản toạ khiếu
南陽太守岑公孝
弘農成瑨但坐嘯
(Khi Sầm Công Hiếu thay Thành Tấn làm công tào
Hoằng Nông Thành Tấn chỉ việc ngồi kêu)
8- Tử lực hành chi, diệc dĩ tân tử chi quốc子力行之, 亦以新子之國:
          Đây là lời của Mạnh Tử nói với Đằng Văn Công. Xem Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上

Chú của người dịch:
*- Nghiêu Thuấn áo rủ (Nghiêu Thuấn chi thuỳ thường 堯舜之垂裳):
          Trong Chu Dịch – Hệ từ hạ 周易 - 繫辭下 có câu:
Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, thuỳ y thường nhi thiên hạ trị.
黃帝, , , 垂衣裳而天下治.
(Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, rủ áo mà thiên hạ được trị)
**- Thành Vương áo gấp (Thành Vương chi uỷ cừu 成王之委裘):
          Trần Kì Du 陳奇猷 khi hiệu thích thiên  Sát hiền察賢  trong Lã Thị Xuân Thu呂氏春秋  đã nói rằng:
          Thời vua Nghiêu thiên hạ vô sự, dáng vẻ của vua Nghiêu, áo cừu gấp khúc, thanh nhàn tự đắc. Thời cổ, mặc áo dài, hữu sự thì phất áo đứng lên, vô sự gấp áo mà ngồi.
***- Tào Tham cho uống rượu ngon (Tào Tham chi thuần tửu 曹參之醇酒):
          Theo Sử kí – Tào Tướng quốc thế gia 史記 - 曹相國世家:
          Thời Tây Hán, Tào Tham sau khi thay Tiêu Hà làm Tướng quốc đã theo cách vô vi. Mọi việc đều theo chế độ của Tiêu Hà, không hề thay đổi tí nào. Có người muốn đề xuất kiến nghị hoặc ý kiến, ông ta liền cho họ uống rượu ngon, uống đến say mới thôi, không để cho họ mở miệng.
Về âm đọc của chữ trong 曹參
          Chữ có 2 âm đọc thông dụng: “tham” và “sâm”
          Với âm “tham”, bính âm là can (thanh 1)
          Với âm “sâm”, bính âm là shen (thanh 1)
          Ba nhân vật sau:
          - 曾參: người nước Lỗ thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử
          - 曹參: đại thần đầu thời Hán, từng theo Lưu Bang khởi nghĩa.
          - 岑參:thi nhân thời Đường.
Theo http://www.china.language.gov.cn, tên của 3 người đều đọc là shen (thanh 1), âm Hán Việt là “Sâm”, tức Tăng Sâm, Tào Sâm, Sầm Sâm.  

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 07/4/2016

Nguyên tác Trung văn
LUẬN TÂN DÂN VI KIM NHẬT TRUNG QUỐC ĐỆ NHẤT CẤP VỤ
論新民為今日中國第一急務
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post