NGỌC ÔNG TRỌNG ĐỜI HÁN
Gần đây
những thư tịch do Hương Cảng, Đài Loan xuất bản có liên quan đến cổ ngọc rất
nhiều, dường như đều đăng tải Ông Trọng 翁仲
theo các mô thức đời Hán. Ông Trọng là ai? Tại sao lại được người ta mến mộ như
thế?
Theo
truyền thuyết, Nguyễn Ông Trọng 阮翁仲 đời Tần cao 1 trượng
3 xích, sức lực hơn người, võ nghệ siêu quần, là vệ sĩ quan trọng của Tần Thuỷ
Hoàng 秦始皇, sinh tiền lập nhiều chiến công. Sau khi mất, nhằm
mong được bảo hộ về tinh thần, Tần Thuỷ Hoàng đã hạ lệnh dùng đồng đúc hình tượng
của ông đặt ở bên ngoài Tư Mã Môn 司马门 của cung Hàm Dương
咸阳.
Đời
Hán, cũng có ngọc Ông Trọng dùng ngọc tạc thành lớn bằng ngón tay út của trẻ
em, đeo bên hông để cầu bình an tiêu tai. Từ đời Hán trở về sau, người ta đặt
Ông Trọng bằng đá trước mộ nhằm để trừ tà bảo hộ mộ phần. Như vậy, Ông Trọng từ
vệ sĩ trở thành thần bảo hộ.
Chúng
tôi nghiên cứu cổ ngọc hơn 30 năm, thấy qua có đến hơn cả ngàn Ngọc Ông Trọng,
nhưng đa phần là sản phẩm mô phỏng của đời Thanh. Sản phẩm mô phỏng của đời Tống
đời Minh rất ít. Thêm vào đó càng mô phỏng càng li kì, thậm chí thước tấc lớn bằng
ngón tay cái, tạo hình thì đa dạng phong phú.
Ngọc
Ông Trọng đời Hán chân chính phát hiện được và truyền đời, có thể nói là cực
quý, cực hiếm. Ngọc Ông Trọng mà chúng tôi đề cập ở đây vô cùng trân quý, được phát
hiện tại mộ của Quảng Lăng vương Lưu Kinh 广陵王刘荆 thời Đông Hán, hiện lưu giữ tại Viện bảo tàng Nam Kinh. Do bởi có quan
hệ nghiệp vụ, chúng tôi đã từng mời các chuyên gia hàng đầu về mô phỏng cổ ngọc
tiến hành chế tác mô phỏng Ngọc Ông Trọng, nhưng không có cách gì để đạt đến thần
thái, ý vị của chân phẩm.
Những
người yêu thích cổ ngọc đương nhiên muốn hiểu rõ diện mạo chân chính của Ngọc
Ông Trọng đời Hán. Chúng tôi nghĩ rằng, đầu tiên phải biết khu biệt Ngọc Ông Trọng
đời Hán với ngọc nhân 玉人 (tượng người bằng
ngọc) đời Hán. Do bởi hình tượng nhân vật phức tạp, chế tác thành ngọc khí lại
càng không dễ, cho nên bắt đầu từ thời đại đồ đá mới, mãi cho đến thời Đường Tống,
nhân vật được điêu khắc bằng ngọc là loại ít thấy trong số ngọc khí được tạo
hình.
Ngọc
Ông Trọng đời Hán tạo hình cô đọng súc tích, mài giũa đơn sơ, thông qua sự tưởng
tượng phong phú, nghệ nhân đã vận dụng thủ pháp biểu hiện trừu tượng, ngũ quan
trên mặt chỉ với 3 đường khắc ngắn và sâu khắc hoạ ra. Cá biệt có Ngọc Ông Trọng
cũng dùng “lục đao” 六刀 khắc âm chân mày, mắt, mũi, miệng; như Ngọc Ông Trọng
ở mộ Quảng Lăng Vương. Còn ngọc nhân đời Hán, chân mày, mắt, mũi, miệng trên mặt
đều khắc tinh tế, đây là căn cứ chủ yếu để khu biệt Ngọc Ông Trọng và ngọc nhân
đời Hán.
Ngọc
Ông Trọng đời Hán vốn là hình tượng một chàng trai, nhưng nhưng người mô phỏng
đời sau, chưa từng thấy qua tạo hình chân chính, đã nhầm lí giải Ông Trọng là một
ông lão.
Đồng thời,
trước một số lăng mộ to lớn khí thế của đời Minh, như Thập Tam lăng ở Bắc Kinh, Minh Hiếu Lăng ở Nam Kinh, đều có
đặt tượng văn quan võ tướng tạc bằng đá, cùng ngựa đá. Trong đó tượng văn quan
bằng đá trở thành bản gốc cho những người thời Minh Thanh mô phỏng, trên cơ sở
đó đã tạo ra hình tượng Hán Ông Trọng, một lão quan văn đầu đội mũ quan dạng bậc
cấp trước thấp sau cao, bộ râu hình tam giác, thân mặc đại bào tay rộng, chân
mang giày cao. Còn có tượng hai tay bưng ngọc khuê dạng thức đời Minh. Có thể
nói là phiên bản tượng văn quan bằng đá trước lăng mộ đời Minh. Nhưng điều đáng
chú ý là, để bắt chước theo cách khắc “Hán bát đao” 汉八刀,
ngũ quan trên mặt cũng chỉ dùng “tam đao” biểu hiện ra.
“Hán
bát đao” là tục xưng thủ pháp nghệ thuật điêu khắc ngọc, tức căn cứ hình thái
khí vật, áp dụng đường nét ngắn gọn tiến hành khắc hoạ, vận dụng các loại kĩ
pháp như bào, giũa, mài, khắc, đao pháp thô nhưng có lực, cứng cỏi. Tác phẩm đại
biểu là ngọc trư 玉猪, ngọc thiền 玉蝉, Ngọc Ông Trọng.
Do bởi
Ngọc Ông Trọng truyền đời cực ít, nhân đó cũng dễ bị lẫn lộn nhất.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 22/4/2016
Nguyên tác Trung văn
HÁN ĐẠI NGỌC ÔNG TRỌNG CẦU CHÂN
汉代玉翁仲求真
Trong quyển
TRÂN BẢO GIÁM BIỆT CHỈ NAM
珍寶鉴别指南
Tác giả: Từ Bang Đạt 徐邦达,
Cổ Binh 古兵
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1998
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật