Dịch thuật: Lận Tương Như

LẬN TƯƠNG NHƯ

          Lận Tương Như 蔺相如, không rõ năm sinh năm mất, Tể tướng thời Hiếu Thành Vương 孝成王 nước Triệu. Một trong những hiền tướng thời Chiến Quốc. Kết cục không rõ.

          Lận Tương Như người nước Triệu. Ban đầu làm thực khách nhà đầu mục hoạn quan nước Triệu là Mục Hiền 缪贤. Lúc bấy giờ đang vào hậu kì Chiến Quốc, nước Triệu là cường quốc chỉ đứng sau nước Tần, Tần luôn muốn thôn tính Triệu. Năm 283 trước công nguyên, Tần yêu cầu lấy 15 thành đổi lấy viên ngọc bích họ Hoà của Triệu để dò thái độ của Triệu. Triệu Huệ Văn Vương biết rõ Tần chỉ muốn đoạt lấy ngọc chứ không đem 15 thành để đổi, nhưng nếu không giao ngọc sẽ chọc giận cường Tần. Đương lúc khó giải quyết, Mục Hiền tiến cử Lận Tương Như lên Huệ Văn Vương. Lận Tương Như nguyện đem ngọc sang Tần diện kiến Tần Vương, đồng thời sẽ không để cho nước Triệu chịu thiệt. Huệ Văn Vương bèn lệnh cho Lận Tương Như mang quốc bảo đi sứ sang Tần.
          Sau khi Lận Tương Như vào đất Tần, dâng ngọc lên Tần Vương. Tần Vương ngạo mạn đón lấy quốc bảo của Triệu, đắc ý truyền đem ngọc cho cận thần cơ thiếp tả hữu thưởng thức, nhưng không hề có ý cắt đất giao thành. Thấy tình hình như thế, Lận Tương Như nhanh trí nói rằng:
          Viên ngọc đó còn có chỗ tì vết, xin để tôi chỉ cho đại vương thấy.
          Tần Vương truyền đem ngọc đưa cho Lận Tương Như. Lận Tương Như có được ngọc, lập tức lui đến bên cột, giận dữ nói rằng:
          - Đại vương sai người đến nước tôi cầu quốc bảo, Triệu Vương vì việc đó đã triệu tập quần thần thương nghị, mọi người đều nói nước Tần tham lam không giữ chữ tín, không nên giao ngọc. Tôi thuyết phục Triệu Vương, Triệu Vương sai tôi mang ngọc sang Tần. Trước khi đi, Triệu Vương hãy còn trai giới 5 ngày để thể hiện sự long trọng. Nay đại vương thái độ ngạo mạn, đem quốc bảo tuỳ ý cho thị thiếp cùng xem, xem ra không có ý lấy thành để đổi nên tôi thu hồi lại viên ngọc này. Nếu đại vương dám bức, tôi và ngọc cùng đâm vào trụ mà chết.
          Tần Vương cả kinh, sợ Lận Tương Như ném vỡ ngọc, vội sai người đem địa đồ đến, giả ý chỉ vào sẽ cắt thành giao cho Triệu. Lận Tương Như lại nói:
          - Viên ngọc này là báu vật trong thiên hạ, Triệu Vương trai giới 5 ngày mới đưa đi, đại vương cũng cần phải trai giới 5 ngày để đón nhận thì tôi mới dâng lên.     Tần Vương không biết làm thế nào đáp phải đáp ứng. Lận Tương Như biết rõ Tần Vương thực bụng không giao thành, nên đã sai người đi theo mình giả trang thành dân thường, theo con đường nhỏ đem ngọc về lại Triệu. 5 ngày trai giới đã qua, Tần Vương chuẩn bị nhận ngọc, Lận Tương Như lại thản nhiên nói rằng:
          - Tôi đã cho đem ngọc về lại Triệu. Đại vương nếu như thành ý, thì trước tiên có thể cắt đất giao thành, nước Triệu lập tức sẽ đưa ngọc sang. Nếu không, ngài hãy giết tôi đi!
          Tần Vương vừa tức vừa giận, nhưng biết nếu giết Lận Tương Như cũng không có ích gì, đành thả cho về lại Triệu. Lận Tương Như nhân vì không làm nhục sứ mệnh, được thăng làm Thượng đại phu. Đó chính là câu chuyện “hoàn bích quy Triệu” 完璧归赵.
          Năm 279 trước công nguyên, đại quân của Tần tấn công nước Sở. Để ổn định nước Triệu, Tần Chiêu Vương đề nghị cùng Triệu Hiếu Uy Vương hội minh tại Mẫn Trì 渑池 (nay là huyện Mẫn Trì tỉnh Hà Nam). Trong lễ hội minh, Tần Vương  mượn cớ tửu hứng có ý làm nhục Triệu Vương, yêu cầu Triệu Vương tấu nhạc giúp vui. Triệu Vương nhát gan đành theo lời. Viên sử quan nước Tần đem câu chuyện làm nhục nước Triệu này chép lại. Lúc bấy giờ, Lận Tương Như theo cùng Triệu Vương dự hội liền đến gần Tần Vương nói rằng:
          - Nghe nói đại vương giỏi diễn tấu nhạc nước Tần, xin đại vương hãy gõ vào cái chậu để hoạ lại.
          Lận Tương Như đưa cái chậu cho Tần Vương. Tần Vương đại nộ, không chịu. Lận Tương Như nói rằng:
         -  Nếu đại vương không chịu, tôi thà cùng với ngài đi đến cái chết.
          Nói xong định liều mạng với Tần Vương. Tả hữu Tần Vương tiến lên giải cứu, lại thấy Lận Tương Như trợn mắt nhìn trừng trừng, sợ làm tổn thương Tần Vương nên bọn chúng đều không dám đến gần. Tần Vương đành gõ cái chậu. Lận Tương Như lập tức gọi sử quan nước Triệu chép lại sự việc đó, giữ được thể diện nước Triệu. Sau sự kiện đó, Lận Tương Như được thăng làm thượng khanh, bái Tướng.
          Đại tướng Liêm Pha 廉颇 cho rằng mình chiến công hiển hách, nay lại ở dưới Lận Tương Như xuất thân thấp kém, trong lòng không phục, phao lời muốn làm nhục Lận Tương Như. Lận Tương Như nghe tin, đi nơi nào cũng tránh Liêm Pha. Mỗi khi lên triều cũng đều nói trong người không được khoẻ, không muốn tranh luận cùng Liêm Pha; khi ra khỏi nhà thấy Liêm Pha, liền rẻ sang đường khác. Trong một thời gian dài, đám tuỳ tùng của Lận Tương Như đều cảm thấy xấu hỗ, khuyên Lận Tương Như nên tranh luận với Liêm Pha. Lận Tương Như nói với đám tuỳ tùng rằng:
          - Ngay cả Tần Vương ta cũng không sợ, dám trách mắng tại nơi, lẽ nào lại sợ Liêm Pha gây hấn? Ta suy nghĩ đến việc Tần không dám tấn công Triệu là do bởi có Lận Tương Như và Liêm Pha. Nếu ta và Liêm Pha bất hoà, sẽ tạo cơ hội cho Tần. Ta lấy việc an nguy của nước Triệu làm trọng, mới chịu sự khuất nhục cá nhân.
          Liêm Pha nghe được những lời ấy, chợt tỉnh ngộ, bèn cởi trần vác bó roi đến cửa nhà Lận Tương Như tạ tội (đây gọi là “phụ kinh thỉnh tội” 负荆请罪). Lận Tương Như lấy lễ đối đãi, từ đó hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Đây chính là câu chuyện “tướng tướng hoà” 将相和.
          Lận Tương Như lấy đại cuộc làm trọng, không nghĩ đến oán riêng, luôn được người đời sau xưng tụng.
          Kết cục của Lận Tương Như không rõ.

Chú của người dịch
          Về chữ :
1- Hán Việt tự điển của Thiều Chửu ghi âm “lận” với 2 nghĩa:
          - Cỏ lận, tức là cỏ cói, dùng để dệt chiếu.
          - Họ Lận.
                                  (trang 577, nxb tp/ Hồ Chí Minh, năm 1993)
2- Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan ghi âm “lạn” cũng với 2 nghĩa:
          - Tên một loại cây, cây cói dùng đan bện chiếu.
          - Họ người (Lạn Tương Như 蔺相如, người đời Chiến Quốc)
                                   ( trang 1243, nxb tp/ Hồ Chí Minh, năm 2002)
3- Khang Hi tự điển 康熙字典
          bính âm là “lìn”
          Đường vận 唐韻, Vận hội 韻會 đều phiên thiết là LƯƠNG NHẪN 良刃. Âm (lận):
- Tên một loại cỏ, có thể làm chiếu. Một tên khác là 馬藺 (mã lận)
- Địa danh. Trong Sử kí – Nguỵ thế gia 史記魏世家 có ghi:
Bại Triệu Bắc Lận
敗趙北藺
(Đánh bại quân Triệu ở Bắc Lận)
- Họ người. Trong Thông chí – Thị tộc lược 通志氏族略 ghi rằng:
Hàn Quyết huyền tôn Khang, thực thái vu Lận, nhân thị yên. Tương Như vi Triệu Thượng khanh.
韓厥玄孫康, 食采于藺, 因氏焉. 相如為趙上卿.
(Cháu xa của Hàn Quyết là Khang, được ban thực ấp ở đất Lận, nhân đó lấy tên đất làm họ. Có Tương Như là Thượng khanh của nước Triệu)
(trang 1038, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, năm 2002)
          Trong Sử kí Tư Mã Thiên, bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, cùng bản dịch của Phan Ngọc đều đọc là “Lạn Tương Như”.
          Ở đây tôi theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Khang Hi tự điển phiên là “Lận Tương Như”.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 06/4/2016

Nguyên tác Trung văn
LẬN TƯƠNG NHƯ
蔺相如
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post