CẢNH LĂNG
Cảnh Lăng
景陵 triều Minh toạ lạc dưới ngọn núi phía đông của Thiên
Thọ sơn 天寿山,
đây là mộ hợp táng Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ 朱瞻基
và hoàng hậu Tôn thị 孙氏.
Minh
Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ 朱瞻基 (1398 – 1435) là vị
hoàng đế thứ 5 của triều Minh, con trưởng của Nhân Tông. Năm 1411 được Thành Tổ
lập làm Hoàng thái tôn, năm 1424 được lập làm Hoàng thái tử. Tháng 6 năm 1425
lên ngôi, lấy niên hiệu Tuyên Đức 宣德.
Theo sử
nhà Minh, trước khi Tuyên Tông sinh ra, Thành Tổ Chu Đệ 朱棣 nằm mộng thấy Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 trao cho miếng ngọc khuê lớn, dặn rằng:
Truyền chi tử tôn, vĩnh thế kì xương
传之子孙, 永世其昌
(Truyền cho con cháu, muôn đời xương thịnh)
Mấy
ngày sau, Tuyên Tông ra đời, Thành Tổ nhìn thấy “khí tốt đầy mặt”, phù hợp với
tình hình trong mộng, nên rất thương yêu. Lúc Tuyên Tông còn nhỏ, Thành Tổ tuần
du chinh thảo đều dẫn theo bên cạnh, tuỳ lúc mà dạy bảo, giảng kinh sử, chỉ
binh pháp, tìm hiểu nỗi thống khổ của bách tính. Lại cho Tuyên Tông học cầm kì
thư hoạ, cưỡi ngựa bắn cùng cùng bản lĩnh trị quốc an dân.
Tuyên
Tông là một vị hoàng đế cần mẫn chính sự, sau khi lên ngôi, tiếp tục trọng dụng
lão thần của triều Nhân Tông, thân người hiền xa kẻ nịnh, nghiêm trừng quan lại
tham lam nhũng nhiễu. Thực hành chính sách thư thả cùng với dân, miễn trừ thuế
khoá những vùng bị thiên tai, cứu tế dân gặp nạn. Tuyên Tông yêu cầu trong triều
phải đi đầu tiết kiệm, phản đối cưỡng bức thuế khoá đối với dân. Sử xưng là:
Lại xứng kì chức, chính đắc kì bình, cương kỉ
tu minh, thương dữu sung tiện.
吏称其职, 政得其平, 纲纪修明, 仓庾充羡
(Quan lại xứng với chức vụ, chính trị được yên ổn, kỉ cương
nghiêm minh, kho lẫm sung túc)
Xưng hai triều Nhân, Tuyên là “Nhân Tuyên chi trị” 仁宣之治.
Tháng Giêng năm 1435, Tuyên Tông bệnh và qua đời ở cung Càn
Đức 乾德 tại Bắc Kinh, tại vị 10 năm, hưởng niên 38 tuổi.
Tháng 6 năm đó được táng ở Cảnh Lăng.
Tuyên Tông Hoàng hậu Tôn thị (? – 1462), người Trâu Bình 邹平, con gái của viên chủ bạ Tôn Trung 孙忠 huyện Vĩnh Thành 永城.
Tôn thị
xuất thân thấp kém, từ nhỏ đã xinh đẹp thông tuệ, mẫu thân của Trương Thái hậu
là Bành Thành Bá phu nhân đồng hương với Tôn thị, tiến cử Tôn thị vào cung, năm
đó Tôn thị chỉ mới hơn 10 tuổi. Thành Tổ lệnh cho nuôi dưỡng trong cung Trương
thị. 6 năm sau, Thành Tổ tuyển phi cho hoàng thái tôn Chu Chiêm Cơ, tuyển được
Hồ Thiện Tường 胡善祥, con gái thứ 3 của Bá hộ Hồ Vinh 胡荣 người Tế Ninh, lập
Tôn thị làm Thái Tôn tần. Khi Chu Chiêm Cơ lên ngôi, sách lập Hồ thị làm Hoàng
hậu, Tôn thị làm Quý phi. Theo chế độ đầu đời Minh, sách phong Hoàng hậu sẽ ban
tặng kim sách kim bảo (ấn), Quý phi trở xuống chỉ có sách không có bảo. Do bởi
Tuyên Tông sủng ái Tôn Quý phi, nên phá cách ban cho Tôn Quý phi kim bảo, khiến
bà hưởng được sự đãi ngộ tôn quý như Hoàng hậu. Từ đó về sau, các Quý phi triều
Minh đều được ban kim bảo. Do bởi Hồ Hoàng hậu tính tình hiền thục, ung dung đại
độ nên giữa hậu và phi tương đối yên ổn vô sự.
Hồ, Tôn
hai bà tuy được ân sủng, nhưng đều không có con. Tôn Quý phi mong được bảo toạ
hoàng hậu, đã ngầm đem đứa con trai của một cung nữ, nguỵ xưng do mình sinh ra.
Tuyên Tông tin là thật, đặt tên là Chu Kì Trấn 朱祁镇
(tức Anh Tông). Từ đó, ân sủng của Tôn Quý phi trên cả Hoàng hậu. Hồ Hoàng hậu
thân thể không được khoẻ thường đau bệnh, dần bị Tuyên Tông lạnh nhạt.
Mẹ nhờ con mà được hiển quý,
Tuyên Tông muốn lập Tôn Quý phi làm Hoàng hậu. Do bởi Hồ Hoàng hậu không có sai
sót gì nên lấy cớ bệnh tật không có con làm lí do, khuyên bà chủ động nhường địa
vị cho Quý phi. Hồ Hoàng hậu hiền lành, Tuyên Tông lại luôn khuyên bảo, bà đành
phải chấp nhận, dâng biểu nhường địa vị Hoàng hậu, xin sớm định “quốc bản” 国本 (tức Thái tử). Tôn Quý phi ngầm vui mừng, giả bộ chối
từ khiến Tuyên Tông cảm thấy Tôn Quý phi thiện lương hiền đức. Tháng 3 năm
1428, Hồ Hoàng hậu thoái vị, ban hiệu là “Tĩnh Từ Tiên Sư” 静慈仙师, cho cư trú tại cung Trường An 长安. Tôn Quý phi được sách phong làm Hoàng hậu.
Sau khi
Anh Tông lên ngôi, tôn Tôn Hoàng hậu làm Hoàng thái hậu. Năm 1442, Trương thái
hậu qua đời, Hồ thị khóc đến nỗi chết đi sống lại, do bi thương quá độ, năm sau
cũng qua đời, táng ở Kim sơn theo lễ cấp Tần.
Năm
1449, trong sự kiện “Thổ mộc chi biến” 土木之变 (1), Anh Tông bị quân Ngoã Thích 瓦刺Mông
Cổ bắt, Giám quốc tại kinh là Thành vương Chu Kì Ngọc 朱祁钰
tiếp nhận chỉ dụ của Tôn thái hậu, lên ngôi thay thế, tôn Tôn thái hậu làm Thượng
Thánh Hoàng Thái Hậu. Anh Tông bị tù, Tôn thái hậu sai người đưa đến áo cừu để
chống rét. Khi Anh Tông được thả về, sống riêng biệt ở Nam cung, Tôn thái hậu thường đến
thăm. Năm 1457, nhóm của Vũ Thanh hầu Thạch Hanh 石亨
phát động “Nam cung phục tích” 南宫复辟, trước tiên cũng
phải được Tôn thái hậu cho phép mới ra tay. Tháng 9 năm 1462, Tôn thái hậu bệnh
và qua đời, tháng 11 năm đó, phụ táng ở Cảnh Lăng.
Cảnh Lăng
ở phía đông Trường Lăng thiên về phía bắc 800m. Tháng Giêng năm 1453 bắt đầu
xây dựng, tháng 6 năm đó, huyền cung xây xong, táng Tuyên Tông. Năm 1462, táng
Tôn hoàng hậu, năm 1463 hoàn thành. Chế độ lăng viên về cơ bản kiến tạo theo Hiến
Lăng, có Lăng Ân Môn 裬恩门, Lăng Ân Điện 裬恩殿, Tam Toạ Môn 三座门,
Linh Tinh Môn 棂星门, thạch cung án 石供案,
phương thành 方城, minh lâu 明楼, bảo đính 宝顶. Bảo đính nhân theo địa thế có hình trạng trước vuông
sau tròn. Khoảng thời Càn Long tu sửa lăng tẩm triều Minh, Lăng Ân Môn, Lăng Ân
Điện của Cảnh Lăng đều được tu sửa thu nhỏ lại, phối điện và nhà bia do vì hư hại
nhiều nên dỡ bỏ. Năm 1955, nhà nước cung cấp kinh phí tiến hành trùng tu bộ phận
kiến trúc Cảnh Lăng.
Chú của người
dịch
1- Thổ mộc chi
biến 土木之变 : chỉ sự biến thảm bại phát sinh vào năm 1449 (năm Chính Thống 正统 thứ 14 triều Minh) khi Minh Anh Tông Chu Kì Trấn 朱祁镇 bắc chinh Ngoã Thích 瓦刺.
Thổ mộc
bảo 土木堡 là thành bảo trong địa phận huyện Hoài Lai 怀来 thành phố Trương Gia Khẩu 张家口
tỉnh Hà Bắc 河北. Thổ mộc bảo toạ lạc từ Cư Dung quan 居庸关 đến trường thành Đại Đồng 大同,
là bộ phận cấu thành của hệ thống phòng ngự Trường thành.
Tháng 6
năm Chính Thống thứ 14, thủ lĩnh Ngoã Thích là Dã Tiên 也先
cử binh tiến vào cương giới nhà Minh. Minh Anh Tông Chu Kì Trần theo sự xúi giục
của hoạn quan Vương Chấn 王振, không nghe lời can
gián của các đại thần, vào tháng 7 Minh Anh Tông lệnh cho hoàng đệ Chu Kì Ngọc 朱祁钰 lưu lại trấn giữ, đích thân mình thống lĩnh đại quân
xuất chinh. Do bởi tổ chức không chu đáo, mọi việc quân sự chính trị đều do
Vương Chân chuyên quyền quyết đoán, không cho phép văn võ đại thần tham dự.
Trong quân kinh loạn. Ngày 19 ra khỏi Cư Dung quan, đi qua Hoài Lai đến Tuyên
phủ 宣府. Ngày 1 tháng 8, quân Minh tiến đến Đại Đồng. Chưa
giao tranh, trấn thủ thái giám Quách Kính 郭敬
báo cáo Dã Tiên để dụ quân Minh tiến vào đã chủ động triệt thoái về bắc. Vương
Chấn thấy quân Ngoã Thích lui về bắc, vẫn kiên trì bắc tiến. Sau nghe tiền
phương thảm bại, kinh hoảng triệt thoái quyết định hồi sư. Vốn Vương Chấn muốn Anh
Tông khi lui binh đi qua quê nhà của mình là Uý Châu 蔚州
để thể hiện sự uy nghi, nhưng lại sơn đại quân làm tổn hại hoa màu ruộng vườn của
mình, nên lộ tuyến hành quân nhiều lần thay đổi, dẫn đến việc sĩ binh mệt nhọc
bất kham. Binh bộ Thượng thư Quảng Dã 邝埜 yêu cầu nhanh vào
Cư Dung quan để bảo toàn an sinh, nhưng Vương Chấn không đồng ý. Sau lui dần đến
Thổ mộc bảo, Vương Chấn hạ lệnh dời doanh trại gần sông. Binh sĩ đói khát bấy
nay nhất loạt nổi dậy chạy đến bên sông, người ngựa hỗn loạn. Quân Ngoã Thích
thừa cơ phát động tấn công. Quân Minh đành vội vàng ứng chiến, quân đội tử
thương thảm hại. Vương Chấn bị giết, Anh Tông bị Dã Tiên bắt đi. Nhóm Binh bộ
Thượng thư Quảng Dã, Hộ bộ Thượng thư Vương Tá 王佐,
66 vị đại thần chiến tử, sử xưng “Thổ mộc chi biến”, cũng gọi “Thổ mộc bảo chi
biến”.
Sau sự
biến ở Thổ mộc bảo, Minh Anh Tông bị cầm tù trong quân của Ngoã Thích. Vu Khiêm
于谦 cùng các quan văn võ đưa Chu Kì Ngọc lên ngôi, kiến lập
lại hạt nhân chính trị triều Minh.
Năm 1450
(năm Cảnh Thái 景泰 thứ 1), Minh Anh Tông được thả về. Năm 1457, Từ Hữu
Trinh 徐有贞, Tào Cát Tường 曹吉祥,
Thạch Hanh 石亨 phát động “đoạt môn chi biến” 夺门之变, đưa Anh Tông trở lại ngôi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/4/2016
Nguyên tác Trung văn
CẢNH LĂNG
景陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật