Dịch thuật: Định lăng (tiếp theo)

ĐỊNH LĂNG
(tiếp theo)

Thần Tông Hoàng hậu (truy tôn) Vương thị (1565 – 1611), người Tuyên   Phủ (宣府) (nay là Tuyên Hoá 宣化 Hà Bắc 河北), con gái Cẩm y vệ Bá hộ Vương Triều Thái 王朝寀.
          Năm 14 tuổi, Vương thị được chọn vào cung, lúc đầu làm cung nữ cung Từ Ninh 慈宁, hầu hạ mẫu thân của Thần Tông là Lí Thái hậu. Năm 1581, một ngày nọ, Thần Tông đến cung Từ Ninh thỉnh an mẫu thân, lúc bấy giờ Lí Thái hậu không có ở cung, Thần Tông thấy Vương thị có tư dung liền tư hạnh cùng Vương thị và Vương thị có thai.
          Chẳng bao lâu, Vương thị thường nôn mửa bị thái hậu phát hiện. Sau khi bị truy vấn, Vương thị nói hết sự tình. Thái hậu triệu Thần Tông đến hỏi, Thần Tông lỡ miệng phủ nhận, Thái hậu sai đem “khởi cư chú” cho Thần Tông xem, lúc bấy giờ Thần Tông mới nhận sai. Lí thái hậu bảo rằng:
          Đây không phải là việc xấu. Ta già rồi mà vẫn chưa có cháu trai, nếu như có thể sinh cho ta một cháu trai đó là phúc của xã tắc. Hoàng thượng không nên để ý đến danh phận của Vương thị. Xưa nay, mẹ vì con mà được hiển quý, Hoàng thượng có thể gia phong.
          Thần Tông không biết làm cách nào, bèn phong cho Vương thị làm Tài nhân. Tháng 6 năm 1582, tấn phong làm Cung phi. Tháng 8 năm đó, Vương Cung phi sinh ra Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc 朱常洛 (tức Quang Tông 光宗), nhưng Thần Tông không thích hai mẹ con Vương Cung phi. Bốn năm sau, Thần Tông sủng ái Thường Tuân 常洵 do Trịnh Quý phi sinh ra, Trịnh Quý phi được tấn phong làm Hoàng Quý phi, còn phong hiệu của Vương Cung phi vẫn như cũ. Triều thần biết Trịnh Quý phi có âm mưu cậy sủng đoạt trưởng, liền nhiều lần dâng sớ, yêu cầu theo tiên chế: “hữu đích lập đích, vô đích lập trưởng” (con do Hoàng hậu sinh ra là “đích tử”), xin lập Thường Lạc làm Hoàng thái tử. Thần Tông nói rằng Thường Lạc là con của “đô nhân” (triều Minh gọi cung nữ là “đô nhân” – ND). Thái hậu giận nói rằng:
          Ta cũng xuất thân đô nhân, Hoàng thượng cũng là con của đô nhân.
          Thần Tông biết mình lỡ lời, quỳ xuống nhận lỗi. Mãi đến năm 1601 mới lập Thường Lạc làm Hoàng thái tử, phong Thường Tuân làm Phúc Vương. Sự kiện này, sử gọi là “tranh quốc bản” 争国本 (“quốc bản” tức Thái tử). Đến lúc này, phong hiệu của Vương Cung phi vẫn không hề thay đổi.
          Năm 1605, Thái tử có được trưởng tử, các đại thần liên tiếp dâng sớ khuyên gián, tháng 4 năm sau Thần Tông mới tấn phong Vương Cung phi làm Hoàng Quý phi. Nhưng cảnh ngộ của bà lúc bấy giờ càng khổ, sống riêng biệt một mình ở cung Từ Khánh 慈庆, ngay cả con ruột cũng không được gặp mặt, suốt ngày u buồn khiến hai mắt bị loà.
Năm 1611 Vương Quý phi bệnh nặng. Thái tử nghe tin vội đến thăm, thấy cung môn đóng chặt, gõ mãi hồi lâu mới mở. Mẹ con gặp nhau đau khổ vô cùng, “Quý phi khóc, Thái tử càng khóc lớn, tả hữu cũng đều khóc, không ai ngước mặt nhìn nhau.” Chẳng bao lâu. Vương Quý phi qua đời, hưởng niên 47 tuổi, thuỵ hiệu là “Ôn Túc Hoàng Quý Phi” 温肃皇贵妃, an táng bên trái Đông Tỉnh 东井 núi Thiên Thọ 天寿.
Hi Tông 熹宗 (tức cháu của Vương Quý phi) lên ngôi, truy tôn thuỵ hiệu là “Hiếu Tĩnh Hoàng Thái Hậu” 孝靖皇太后, dời di thể tổ mẫu về hợp táng cùng Thần Tông ở Định Lăng.
Định Lăng chiếm diện tích 18 vạn mét vuông, xây dựng trong 6 năm từ năm 1585 đến 1590, tổng cộng hao phí đến 800 vạn lượng, tương đương với tổng thu nhập thuế toàn quốc 2 năm trung kì thời Vạn Lịch. Kiến trúc Định Lăng hoàn toàn mô phỏng Vĩnh lăng 永陵, như đấu củng ở Minh lâu 明楼, các bậc ngạch đều dùng chất liệu đá, bên ngoài lăng xây thêm tường. Kết cấu lăng rất nghiêm cẩn, bố cục hài hoà, thi công tinh xảo, mĩ diệu tuyệt luân. Do bởi hai lần bị thiêu cháy bởi ngọn lửa chiến tranh, đến nay Lăng Ân môn 陵恩门 và Lăng Ân điện 陵恩殿 chỉ còn lại nền di chỉ. Riêng Minh lâu chuyên dùng đá để xây nên đến nay vẫn còn kiên cố.
Năm 1956, Quốc vụ viện phê chuẩn tiến hành khai quật Định Lăng. Định Lăng là một toà cung điện ở sâu dưới đất không có cung điện nào sánh bằng, độ sâu 67m, tổng diện tích địa cung là 1195 mét vuông, do 5 điện tiền, trung, hậu, tả, hữu tổ thành, toàn bộ kết cấu dùng đá, lớn và rộng, bên trong không có gác rường. Hậu điện (còn gọi là Huyền đường 玄堂) rộng hơn 30 mét, vào sâu 9,1 mét, cao 9,5 mét. Trên quan sàng đá to lớn đặt quan quách của Thần Tông Hoàng Đế và Hiếu Đoan, Hiếu Tĩnh Hoàng Hậu, di thể đã hư hoại. Các loại khí vật khai quật được có đến hơn 2600 món, đặc biệt là kim quan 金冠 được làm bằng sợi vàng dệt thành nặng 1 cân 6 lượng và phụng quan 凤冠 gắn kim long thuý phụng đồng thời có hơn 150 viên bảo thạch các loại, đó là những món trân bảo hiếm có trên đời. (Hết)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 05/3/2016

Nguyên tác Trung văn
ĐỊNH LĂNG
定陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post