Dịch thuật: Tết Nguyên tiêu

TẾT NGUYÊN TIÊU

          Ngày rằm tháng Giêng âm lịch, thời cổ là “Thượng nguyên tiết” 上元节, đêm hôm đó gọi là “Nguyên dạ” 元夜, “Nguyên tiêu” 元宵, “Nguyên tịch” 元夕, cho nên còn gọi là “Nguyên tiêu tiết” 元宵节, “Nguyên tịch tiết” 元夕节. Vào ngày này, trong dân gian có tập tục treo đèn, rước đèn, vì thế cũng gọi là “Đăng tiết” 灯节. Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán. Sau khi Lưu Bang 刘邦 mất, họ Lữ chuyên quyền, Chu Bột 周勃 Trần Bình 陈平 giết họ Lữ lập Lưu Hằng 刘恒 làm đế. Do bởi sự kiện bình định họ Lữ vào ngày rằm tháng Giêng, vì thế hàng năm vào ngày này, Lưu Hằng xuất cung chung vui cùng bách tính, đồng thời định ngày này là “Nguyên tiêu tiết”. Về sau, Hán Minh Đế đề xướng Phật giáo, lệnh cho vào tết Nguyên tiêu thắp đèn, để biểu thị lòng tôn kính đối với Phật. Từ đó, tết Nguyên tiêu thắp đèn trở thành tập tục dân gian.
          Trong Bắc sử - Liễu Úc truyện 北史 - 柳彧传 có nói đến phong tục tết Nguyên tiêu thời Nam Bắc triều:
          Đêm rằm tháng Giêng, đường phố đông nghịt, tiếng trống inh trời, đuốc sáng khắp mặt đất. Người mang mặt nạ thú, nam mặc trang phục nữ, tiền của bỏ ra, ganh đua nhau lúc này.
          Có thể thấy, tập tục lúc bấy giời khác với tập tục từ thời Đường Tống trở về sau, đồng thời cũng không giống với tết đèn của đời sau lấy việc thi đèn, thưởng thức đèn làm chính, mà là lấy hoá trang vui chơi làm mục đích chủ yếu. Phong tục Nguyên tiêu thời Tuỳ, đại để cũng như thế. Trong Tuỳ thư – Âm nhạc chí 隋书 - 音乐志 có nói:
          Hàng năm vào tháng Giêng, các nước đến triều hội, ở lại đến ngày 15 tại phía ngoài Đoan môn 端门 trong Kiến Quốc môn 建国门, kéo dài đến 8 dặm la liệt hí trường, bách quan cũng dựng lều hai bên đường, từ tối đến sáng, đèn đuốc sáng rực trời đất, biểu diễn trăm trò vui chơi, thời cổ không sánh bằng. từ đó hàng năm định làm lệ thường.
          Người ca múa phần đông là mặc trang phụ nữ, đeo châu ngọc, có gần đến 3 vạn người.
          Nguyên tiêu vui chơi thưởng thức đèn ở thời Tuỳ vẫn chỉ là vào đêm rằm tháng Giêng. Từ thời Đường Tống trở về sau, kéo dài đến ngày 16, 17 có lúc liên tiếp 5 đêm liền. Đồng thời nội dung và hình thức tết đèn cũng có sự phát triển, quy mô cũng lớn hơn. Theo Minh Hoàng tạp lục 明皇杂录, Đường Huyền Tông từng tại cung Thượng Dương 上阳 dùng lụa “xây đăng lâu 20 gian, cao 120 xích, trang trí châu ngọc, mỗi khi có làn gió nhẹ thổi tới phát ra tiếng kêu. Đèn có hình rồng, hổ, báo”.
          Theo Khai Nguyên Thiên Bảo di sự 开元天宝遗事, đệ tử của Dương Quốc Trung 杨国忠 vào tết Nguyên tiêu đã dùng cả ngàn cây đèn sáp đỏ vây bên trái bên phải, người thời đó gọi đó là “thiên cự vi” 千炬围. Người chị thứ hai của Dương Quý Phi 杨贵妃, “Hàn phu nhân làm cây đèn trăm nhánh, cao 80 xích, dựng trên núi cao, đêm Thượng nguyên thắp lên, xa trăm dặm vẫn thấy, sáng hơn cả trăng rằm.” Trong tiểu thuyết thời Đường Tiên truyện thập di 仙传拾遗 có thuật lại câu chuyện Đường Minh Hoàng tết Nguyên tiêu thưởng thức đèn:
          Đương thời không chỉ kinh đô Trường An giăng đèn hoa, mà ngay cả Tây kinh xa xôi cũng giăng đèn màu kéo dài mấy chục dặm, xe ngựa của người đi chơi đông nườm nượp. Một số bài thơ nổi tiếng miêu tả cảnh tượng tết đèn  náo nhiệt thời Đường.
          Tình cảnh Nguyên tiêu triều Tống “cũng đèn đuốc sáng rực”, chợ đèn Nguyên tiêu trở thành ngày tết náo nhiệt, kì hạn tết đèn cũng kéo dài đến ngày 18. Chợ đèn tại Biện Kinh 汴京 (nay là Khai Phong 开封) kéo dài đến hơn 40 dặm, người bấy giờ gọi đó là:
Thiên bích ngân hà dục há lai
Nguyệt hoa như thuỷ chiếu lâu đài
天碧银河欲下来
月华如水照楼台
(Trời biếc ngân hà trên bầu trời biếc dường như đã hạ xuống trần gian
Ánh trăng đẹp như hoa mênh mông như nước chiếu rọi lâu đài)
          Theo Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 :
          Nguyên tiêu rằm tháng Giêng , trước Đại nội trước tết đến sau Đông chí, phủ Khai Phong dựng rạp, trồng một cây cột đối diện lầu Tuyên Đức, người đi chơi đã tập trung trên ngự đạo, ca múa bách hí trổi lên, tiếng nhạc vang xa hơn 10 dặm.
          Thời Tống Huy Tông, đem đèn hoa chất thành núi đèn, tên gọi là “Ngao sơn” 鳌山. Trong Thuỷ hử truyện 水许传 miêu tả cảnh Tống Giang thưởng thức “Ngao sơn” ở trại Thanh Phong 青风:
          Trước miếu Thổ Địa Đại vương dựng một tiểu Ngao sơn, bên trên kết dây màu giăng hoa, treo 5,6 trăm đèn hoa; trong miếu Thổ Địa Đại Vương thi đua “xã hoả” 社火 (1). Nhà nhà, phía trước cũng dựng lều, đua nhau treo đèn. Nơi thị trấn, các hàng nghề đều có. Tuy sánh không bằng kinh sư, chỉ chừng đó cũng là thiên thượng chốn nhân gian.
          Thời Tống đã phát minh ra thuốc súng, ngoài treo đèn ra còn có bắn pháo hoa, khiến tết đèn thêm phần rực rỡ. Từ thời Xuân Thu đã có hoạt động chơi câu đố, lúc bấy giờ kết hợp với thưởng thức đèn. Đố đèn ở tết Nguyên tiêu dần trở thành một phong tục dân gian.
          Thời Minh quy định, mồng 8 tháng Giêng treo đèn, 17 tháng Giêng hạ đèn, liên tiếp trong 10 đêm, là tết đèn dài nhất trong lịch sử. Trong tiểu thuyết Kim Bình Mai 金瓶梅 đời Minh có nhiều thiên thuật lại cảnh tượng phồn hoa ở tết Nguyên tiêu lúc bấy giờ:
          Nơi phố đèn ngựa xe tấp nập, đèn sáng rực rỡ, người đi chơi đông như kiến, vô cùng náo nhiệt. (hồi 79)
          Trong sách còn nói đến thực phẩm ngày đó như: uống đăng tửu, ăn Nguyên tiêu, bánh đoàn viên, bánh hoa hồng Nguyên tiêu …. Trong sử sách cũng có những ghi chép liên quan đến ăn Nguyên tiêu, sớm nhất là vào thời Đường – Ngũ đại, lưu truyền đến nay, tết Nguyên tiêu nhà nhà ăn Nguyên tiêu
Luôn được xem là tiêu chí đoàn viên, tượng trưng cho cát tường như ý.
          Tết đèn đời Thanh cũng thịnh hành một thời. Theo Đế kinh tuế thời kỉ thắng 帝京岁时纪胜, khu vực kinh sư mỗi năm vào tết Nguyên tiêu, “từ ngày 13 đến ngày 16, suốt đêm đi lại tự do không cấm. Đèn treo những nơi nổi tiếng, như dưới Nguyệt thành ở cửa Chính Dương, xưởng mài, bên bờ tây sông, hẽm lang phòng. Còn bách hí đóng vai đại đầu hoà thượng, hát ương ca, đèn cửu khúc hoàng hoa, cưỡi ngựa trúc, đánh trống Thái bình, đàn sáo trong xe, dùng gạo làm thành Ngao sơn, khói pháo nghi ngút, nhiều thứ không kể xiết. Ngũ dạ sênh ca, lục nhai kiêu mã, xe thơm yên gấm, sĩ nữ du xuân tranh nhau, đeo ngọc đeo vàng, không ngăn nổi vương tôn gọi rượu.”
          Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 miêu tả cảnh Giả Nguyên Xuân 贾元春 nhân tết Nguyên tiêu về thăm cha mẹ, trong phủ Vinh Quốc treo đèn kết hoa trên mặt nước, “chỉ thấy nước trong một dải, thế như rồng lượn, hai bên trên lan can đá đều treo đèn lung linh như thuỷ tinh pha lê, thắp lên sáng như ánh bạc, sóng trắng như tuyết; trên bờ các cây liễu cây hạnh, tuy không có hoa lá, nhưng dùng các loại lụa màu cùng cỏ làm thành hoa, gắn lên cây, mỗi cành treo vô số đèn, lại có cả đèn uyên ương đèn hoa sen trong ao, trên bờ dưới nước tranh quang, sắc nước sắc trời rực rõ, quả là thế giới lưu li, càn khôn châu báu.” (hồi 18)
          Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ tết long trọng nhất của thời cổ ở Trung Quốc, tập tục thưởng thức đèn, ăn Nguyên tiêu, đố đèn, bắn pháo hoa còn lưu truyền mãi đến ngày nay.

Chú của người dịch
1- Xã hoả 社火: là một lễ tục truyền thống, vui chơi ca hát, chúc mừng tiết xuân của người Hán. Xã hoả cũng là từ gọi chung những hoạt động vui chơi như đi cà kheo, chèo thuyền trên cạn, múa sư, múa rồng. Hình thức cụ thể tuỳ theo từng vùng mà có sự khác nhau.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 22/02/2016
                                                                  (Tết Nguyên tiêu năm Bính Thân)

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU TIẾT
元宵节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post