TẠI SAO MUA ĐỒ GỌI LÀ MUA “ĐÔNG TÂY”,
MÀ KHÔNG NÓI LÀ MUA “NAM BẮC”?
“Đông
tây” 东西 là từ dùng để thay cho đồ vật, người Trung Quốc ra phố
mua đồ gọi là mua “đông tây”. “Đông tây” vừa là danh từ chỉ phương vị, cũng có
thể chỉ đồ vật, thế thì “nam bắc” 南北 tại sao không thể?
Có thuyết
cho rằng, mua đồ gọi là “mãi đông tây” bắt nguồn từ lí luận Chu
dịch của Trung Quốc cổ đại. Học thuyết âm dương ngũ hành cho rằng: phương đông
Giáp Ất thuộc mộc, phương tây Canh Tân thuộc kim, phương nam Bính Đinh thuộc hoả,
phương bắc Nhâm Quý thuộc thuỷ. Đông tây là kim và mộc, có thực thể hình dạng
và giá trị; nam bắc là thuỷ và hoả. Thời cổ, vật dùng để đựng đa phần dùng “trúc mộc” chế tạo thành, gặp nước
sẽ chảy, gặp lửa sẽ cháy. Nhân đó, ra phố mua đồ gọi là mua “đông tây”, mà
không nói là mua “nam bắc”.
Một
thuyết khác cho rằng, từ “mãi đông tây” bắt nguồn từ “hai chợ đông tây” nơi tập
trung mua bán ở thời Đường. Đô thành nhà Đường là Trường An 长安 vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả
nước, lại vừa là một đại đô thị quốc tế hoá. Trong đó thủ công nghiệp, thương
nghiệp chủ yếu tập trung tại hai bên đông tây của đô thành. Do bởi mua đồ thường
phải chạy bên đông, lại phải nhìn bên tây, chạy đông chạy tây như thế, lâu dần
“mãi đông tây” trở thành dại danh từ chỉ mua đồ vật.
Hai
thuyết trên đều có tính hợp lí nhất định. Đầu tiên, với học thuyết ngũ hành
truyền thống của Trung Quốc, ở một trình độ nhất định đã ảnh hưởng đến bố cục
thành thị. Nam
bắc đa phần là kênh mương, “thiên tử toạ bắc nhi triều nam”; đông tây là thực
thể, cho nên vùng thương nghiệp thành thị đa phần bố cục theo hướng đông và hướng
tây. Trên cơ sở đó hình thành hai chợ “đông tây”, vì thế “mãi đông tây” cũng trở
thành đại danh từ chỉ mua đồ vật.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 13/02/2016
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật