Dịch thuật: Vài nét về bộ "Thái căn đàm"

VÀI NÉT VỀ BỘ THÁI CĂN ĐÀM

          Thái căn đàm 菜根谭 thành sách vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch 万历 nhà Minh, cách nay gần 400 năm lịch sử. Tác giả là Hồng Ứng Minh 洪应明, tự Tự Thành 自诚, hiệu Hoàn Sơ Đạo Nhân 还初道人, thời trẻ nhiệt tâm với con đường công danh, về già quy ẩn chốn sơn lâm, chuyên tâm đọc sách lập văn, cuối cùng đem những lĩnh hội trong cuộc đời mình, những điều tâm đắc khi đọc sách cùng những tham ngộ trong cuộc sống viết nên thế tập ngữ lục hơn 300 điều.
          Từ “Thái căn” 菜根 vốn xuất phát từ một câu của Uông Tín Dân 汪信民, học giả thời Bắc Tống:
Giảo đắc thái căn, bách sự khả tố
咬得菜根, 百事可做
(Nhai được rễ rau thì trăm việc đều có thể làm được)
          Ý nghĩa của câu này là với một người chỉ cần kiên cường thích ứng với cuộc sống thanh bần, bất luận làm việc gì cũng đều có thể thành tựu.
          Hồng Ứng Minh tình cờ gặp được câu này, nhất thời cảm khái, liền lập ý, lấy câu
Tâm an mao ốc ổn, tính định thái căn hương
心安茅屋稳性定菜根香
(Tâm mà an thì ở nhà tranh cũng thấy yên ổn, tính mà định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm)
làm tôn chỉ, viết ra thái căn châm ngôn truyền đời mấy trăm năm không hề suy. Những châm ngôn này dung hợp tư tưởng trung dung của Nho gia, tư tưởng vô vi của Đạo gia, và tư tưởng xuất thế của Thích gia, trình bày triết học nhân sinh nhiều phương diện như tu dưỡng, xử thế, xuất thế với nội dung sâu sắc mà lời lẽ dễ hiểu, báo cho độc giả đời sau hưởng thụ bình thường, tự tìm lấy thú vị chân chính của nhân sinh.
          Thái căn đàm từ ngữ trau chuốt, lời ít ý nhiều, thông qua quan sát nhân sinh bách thái mà điểm hoá vạn sự thế gian. Nó là một bộ kì thư thâu tóm trí tuệ xử thế của 5000 năm Trung Quốc. Trong sách đề xướng tích cực nhập thế, kinh doanh thiên hạ, tạo phúc cho dân, chuẩn bị tinh thần tiến thủ cho hậu thế; chủ trương tôn chỉ ẩn dật thân cận thiên nhiên, vui cùng sơn thuỷ, tu thân dưỡng tính, thanh tĩnh vô vi; tuyên dương ẩn ý siêu thoát buồn trời xót người, phổ độ chúng sinh, thấu triệt thiền cơ, không linh vô tế. Có thể nói một thân xử thế, mắt thấy muôn hoa.
          Mới đầu đọc bộ sách này, tựa hồ mâu thuẫn phức tạp, long thần hổ vĩ không thấy dấu vêt để tìm; nghiền ngẫm đọc lại, mới ngộ ra như thỏ khôn đào 3 hang, tuỳ nơi mà an thân lập mệnh. Người đắc chí đọc sách này, có thể ngộ nhân sinh vô thường, cư an tư nguy, cứu đời giúp người; kẻ thất ý đọc sách này, có thể làm nóng lại tro lòng nguội lạnh, tự cường không ngừng, cuối cùng được thành công; người giàu sang đọc sách này, có thể biết đủ đầy là hư ảo, mà để lại phúc trạch cho cháu con; kẻ nghèo hèn đọc sách này, không mất đi chí đến mây xanh, an bần lạc đạo, bồi dưỡng thiện căn: bộ sách chỉ ra chân đế nhân sinh, tuyên truyền thức tỉnh, trị ngu chữa tham, có thể gọi là “tâm linh chi dược thạch” 心灵之药石 của nhân loại.
          Nhưng trong một thời gian tương đối dài, mọi người chưa xem trọng Thái căn đàm, mãi đến mấy năm gần đây, làn sóng nghiên cứu nội hàm của nó mới hưng khởi, đồng thời lưu hành cả trong và ngoài nước. Tạp chí Hoàn Cầu 环球 khi giới thiệu làn sóng xã hội Nhật Bản đã nói:
          Sách vở bàn về quản lí xí nghiệp có đến cả ngàn cả vạn, nhưng từ đạo lí căn bản mà nói, đa số không qua được bộ “Thái căn đàm”.
          Kì thực, không chỉ người của giới xí nghiệp, giới thương nghiệp thích đọc nó, mà ngay cả người của giới chính trị giới học thuật thậm chí phổ thông đại chúng cũng thích đọc. Có người cho rằng, Thái căn đàm 菜根谭cùng với Tôn Tử binh pháp 孙子兵法, Tam quốc diễn nghĩa 三国演义 có cùng địa vị văn hoá, đồng thời gọi nó là tác phẩm kinh điển trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
          Sở dĩ Thái căn đàm được đương đại khen ngợi, nguyên nhân trọng yếu chính là ở chỗ tính gợi mở tinh thần và tính chỉ đạo sinh hoạt của nó tuy trải qua thời gian lâu dài nhưng luôn mới. Trong đó, triết học xử thế vuông tròn tịnh tiến, tâm bình khí hoà đối đãi tâm khí bình thường khởi phục của nhân sinh, cảnh giới tinh thần tu thân dưỡng đức, cùng với đạo sinh hoạt tu luyện tâm tính về với thiên nhiên, đều có thể làm phép tắc kinh điển trong quá trình học tập công tác, hưởng thụ cuộc sống, tu thân dưỡng tính.  

Chú của người dịch
          Bộ Thái căn đàm này do Bàng Bác biên soạn, Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã xuất bản. Sách gồm 11 chương, mỗi chương gồm nhiều đoạn. Tiêu đề các chương như sau:
Chương 1: Lập đức tu thân 立德修身
Chương 2: Tự tỉnh khắc kỉ 自省克己
Chương 3: Khoan tâm thung dung 宽心从容
Chương 4: Minh tâm giao hữu 明心交友
Chương 5: Phương viên xử thế 方圆处世
Chương 6: Công nghiệp trầm phù 功业沉浮
Chương 7: Thanh tâm quả dục 清心寡欲
Chương 8: Đạm bạc minh chí 淡泊明志
Chương 9: Cầu học vấn đạo 求学问道
Chương 10: Tề gia dục nhân 齐家育人
Chương 11: Tĩnh tâm đạt sinh 静心达生

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 03/01/2016

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post