TƯ MÃ DUỆ KIẾN LẬP ĐÔNG TẤN
Lúc Tây Tấn phương bắc đại loạn, vùng
Giang Nam
tương đối ổn định. Triều đình phái Lang Nha Vương Tư Mã Duệ 琅琊王司马睿 làm An đông tướng quân, trấn giữ Kiến Nghiệp 建邺, thống quản quân sự Dương
Châu 扬州. Tư Mã Duệ có một người thân
tín tên là Vương Đạo 王导. Vương Đạo
xuất thân thế gia đại tộc, có tiếng tăm trong xã hội thượng tầng, thêm vào đó
Vương Đạo rất hiểu biết, có thể phán đoán chính xác đại thế thiên hạ, cho nên,
Tư Mã Duệ rất tôn trọng Vương Đạo. Khi Tư Mã Duệ từ Hạ Bì 下邳 đến Giang Nam nhậm chức, đã đưa Vương Đạo đi cùng,
để Vương Đạo làm Tư Mã, mọi việc quân chính đều hỏi ý kiến Vương Đạo.
Dưới sự phò tá của Vương Đạo, chưa đến
mấy năm, vùng Giang Đông trở nên an định, giàu có, quý tộc sĩ đại phu phương bắc
tấp nập kéo đến Giang Đông tránh loạn. Vương Đạo và Tư Mã Duệ thừa cơ chiêu mộ
nhân tài ở nhiều phương diện, tổng cộng được 106 người. Tư Mã Duệ tập trung 106
người này lại, cho làm Duyện
thuộc 掾属 (quan viên giúp các quan chủ
yếu, không do triều đình bổ nhiệm, đương thời gọi là “bách lục duyện” 百六掾). Nhiều danh lưu phương bắc
sau khi đến Giang Đông, lúc đầu không yên tâm, cho rằng Tư Mã Duệ quá yếu,về
sau tiếp xúc với Vương Đạo, cảm thấy Vương Đạo là một nhân tài, liền tập trung
bên cạnh Vương Đạo, cùng phục vụ Tư Mã Duệ.
Năm 317, Tư Mã Duệ tại Kiến Khang 建康 xưng đế (năm 313, nhân vì tị
huý Tấn Mẫn Đế Tư Mã Nghiệp 晋愍帝司马邺,
đã đổi Kiến Nghiệp thành Kiến Khang, tức thành phố Nam Kinh hiện nay), sử gọi
là Tấn Nguyên Đế 晋元帝. Từ đó,
quốc đô triều Tấn đóng tại Kiến Khang.
Do bởi quốc thổ triều Tấn lúc bấy giờ chỉ giới hạn tại vùng
Giang Đông, nên trong lịch sử gọi triều đại này là Đông Tấn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/01/2016
Nguyên tác Trung văn
TƯ MÃ DUỆ KIẾN LẬP
ĐÔNG TẤN
司马睿建立东晋
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật