Dịch thuật: Vệ Thanh (kì 2)

VỆ THANH
(kì 2)

THÂM NHẬP PHÍA SAU QUÂN ĐỊCH,
 ĐỊCH QUĂNG MŨ LIỆNG GIÁP

          Sau khi nhà Tây Hán kiến quốc, tiếp nhận giang san của triều Tần để lại, do bởi trường kì chiến loạn nên kinh tế suy thoái, dân tình khổ sở. Lúc bấy giờ, ngay cả hoàng đế cũng không có 4 con ngựa có sắc lông giống nhau, quan lại ngồi xe trâu cũ kĩ. Tình cảnh bách tính càng thảm hại hơn. Lại thêm các chư hầu vương khác họ thường phản loạn, triều Hán không có năng lực đối phó Hung Nô.
          Thời kì nước Tần phát động chiến tranh thống nhất, Hung Nô thừa cơ xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt nhân khẩu, thế lực không ngừng lớn mạnh. Sau khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, Hung Nô trở mối lo to lớn. Để phòng ngự Hung Nô, Tần Thuỷ Hoàng điều trọng binh đồn trú phương bắc, hao phí tiền của, mở rộng việc tu sửa Vạn lí trường thành.
          “Hà Nam địa” là đất phát tích của người Hung Nô, tức vùng Y Khắc Chiêu 伊克昭 ở Hà Sáo 河套 thuộc Nội Mông Cổ, nơi đây thảo nguyên xanh tốt, cách Trường An chỉ 1400 dặm. Tướng nhà Tần là Mông Điềm 蒙恬 từng công hạ đất Hà Nam (khu vực Hà Sáo). Cuối đời Tần chiến loạn, 30 vạn quân Tần đồn trú ở Thượng quận 上郡 đi trấn áp quân khởi nghĩa nông dân. Thiền vu Mạo Đốn 冒顿 của Hung Nô thừa cơ đoạt lấy đất Hà Nam, lấy đó làm căn cứ địa tập kích biên quận của triều Hán.
          Năm 198 trước công nguyên, Hán Cao Tổ tiếp nhận lời tâu của đại thần Lưu Kính 刘敬, gã con gái của tông thất nhà Hán cho Thiền vu Hung Nô, hàng năm cống một số lượng lớn tài vật, thực hành chính sách khuất nhục “hoà thân”. Thời kì Lữ Hậu chấp chính, cũng uỷ khúc để cầu toàn.
          Hậu kì Hán Văn Đế, thiên hạ trải qua mấy chục năm bình trị, nhân khẩu tăng thêm, sản xuất nông nghiệp được khôi phục, nhưng so với Hung Nô vẫn là nhược tiểu.
          Lúc bấy giờ, Hán Văn Đế tiếp nhận kiến nghị của Triều Thố 晁错, đem chủ lực của Hán quân điều đến phương bắc trấn thủ, chiêu mộ rộng rãi nông dân đến phương bắc khẩn hoang, quốc lực được tăng mạnh. Sau khi Văn Đế qua đời, Cảnh Đế từng gã công chúa và tiến cống Hung Nô. Thời gian đầu khi Vũ Đế lên ngôi, vẫn tuân thủ cựu ước hoà thân, hướng Hung Nô tiến cống để duy trì sự hữu hảo.
          Nhiều năm trôi qua, mấy vị đế vương triều Hán chịu khuất nhục, nhân dân phương bắc gặp phải sự tổn thất thảm hại. Người Hán không lúc nào quên nỗi nhục mất nước thù nhà, luôn chuẩn bị tiêu diệt Hung Nô, nhưng quốc lực không phải dễ dàng xoay chuyển.
          Hán Vũ Đế áp dụng chiến lược tuần tự tiệm tiến. Đầu tiên phế bỏ cái học “Hoàng Lão” (Hoàng Lão chi học 黄老之学) thực hành chính sách vô vi nhi trị của đầu đời Hán, đẩy mạnh độc tôn Nho thuật. Sau khi thống nhất tư tưởng, Hán
Vũ đế quả đoán cắt bỏ phiên trấn, thiết lập quận huyện, thực hiện thống nhất đất nước, trọng dụng Tang Hoằng Dương 桑弘羊 cải cách tài chính, khiến quốc khố có dư.
          Năm thứ 2 Hán Vũ Đế lên ngôi, đã phát khởi thế công ngoại giao. Vũ Đế trưng mộ Trương Khiên 张骞 làm đặc sứ đi sứ Tây vực, liên hợp các nước lưu vực sông Y Lê 伊犁 ở Tân Cương, chuẩn bị đánh Hung Nô từ hai phía đông tây.
          Hán Vũ Đế phái Lí Quảng 李广 trấn thủ biên cảnh, cho sĩ binh gia cố những nơi hiểm yếu. Nhằm đối phó với ưu thế của kị binh Hung Nô, Vũ Đế lệnh cho các quận huyện bổ sung kị binh. Để huấn luyện kĩ năng của kị binh, Vũ Đế đã cho mời người Hung Nô giỏi về xạ kị.
          Trải qua một phen sắp đặt khổ nhọc, triều Hán đã xuất hiện cục diện phồn vinh “thiên hạ giàu có, tài lực có dư, binh sĩ hùng mạnh”. Thế lực của các chư hầu vương bị đánh đổ, hoàng quyền được tăng cường. kho lẫm ở kinh thành cùng các nơi khác đều dư đầy, tiền vật của quốc khố chất nhiều như núi. Các nơi nộp tiền về nhiều vô số, đến nỗi dây xâu tiền mục đứt. Lương thực nhiều đến nỗi chảy tràn ra ngoài kho, mục nát không sao ăn được….. Nhân khẩu tăng mạnh, từ đầu đời Hán đến lúc Hán Vũ Đế lên ngôi, tỉ lệ tăng trưởng nhân khẩu cả nước là 10%, một số khu vực vượt quá 20%. Nhà Tây Hán đã tích tụ nền kinh tế hùng hậu, thực lực chính trị và quân sự, quốc lực vượt hơn Hung Nô.
          Năm 134 trước công nguyên, Chủ Phụ Yển 主父偃 dâng tấu, yêu cầu chinh thảo Hung Nô. Năm đó, một trong những đề mục mà Hán Vũ Đế khảo hạch “hiền lương” đó là: Như thế nào mới có thể giống như thời Thành Khang triều Chu, thiên hạ thái bình, tám phương kính phục? để những “hiền lương”hiến dâng kế sách cho đất nước. Ngoài ra, Vũ Đế cũng thường mở hội nghị quân sự, để công khanh đại thần trình bày ý kiến việc được mất, sự lợi hại của việc hoà và chiến. Cuối cùng, Hán Vũ Đế đích thân phán quyết, xác định chiến lược tấn công.
          Khi nhà Tây Hán tích cực chuẩn bị chiến đấu, Hung Nô không ngừng cướp bóc quận Đại (nay là đông bắc huyện Uý Hà Bắc 河北), vùng Nhạn Môn quan 雁门关. (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 02/12/2015

Nguyên tác
VỆ THANH
卫青
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post