BAN SIÊU ĐẦU BÚT TÒNG NHUNG
Ban Siêu 班超 (năm 32 – năm 102) người thời Đông Hán. Sau khi
Hán Quang Vũ 汉光武 kiến lập
vương triều Đông Hán, đã mời Ban Bưu 班彪,
một người học vấn uyên bác, chỉnh lí lại lịch sử thời Tây Hán. Ban Bưu có 2 người
con trai là Ban Cố 班固 và Ban
Siêu班超, cùng một người con gái tên
là Ban Chiêu 班昭, từ nhỏ cả
3 người đều theo học văn học và lịch sử với phụ thân.
Sau khi Ban Bưu mất, Hán Minh Đế 汉明帝 triệu Ban Cố ra làm Lan đài
lệnh sử, kế tục hoàn thành bộ Hán thư 汉书
mà phụ thân ông đã biên soạn (bộ sách ghi chép về lịch sử thời Tây Hán). Ban
Siêu theo anh giữ việc sao chép. Hai anh em rất có học vấn, nhưng tính tình
không giống nhau. Ban Cố thích nghiên cứu học thuyết bách gia, chuyên tâm nhất
trí viết bộ Hán thư. Còn Ban Siêu
không thích ngồi mãi bên án sách biên biên chép chép.
Hung Nô phương bắc thường tiến hành quấy
nhiễu trung nguyên, gây ra động loạn nơi biên cảnh.
Ban Siêu trai tráng nghe nói Hung Nô
không ngừng xâm phạm biên cương, cướp bóc dân tình, liền quăng bút , giận dữ
nói rằng:
Đại
trượng phu phải như Trương Khiên 张骞 lập công nơi biên tái, sao lại
chịu chết già nơi thư phòng?
Thế là Ban Siêu quyết tâm xa rời công
việc nơi án sách để tham gia quân đội.
Năm 73, Đại tướng quân Đậu Cố 窦固 xuất binh đánh Hung Nô, Ban
Siêu dưới trướng đảm nhận Đại lí tư mã.
Để chống Hung Nô, Đậu Cố sai người
liên lạc với các nước Tây vực cùng đối phó Hung Nô. Đậu Cố rất hâm mộ dũng khí
và tài năng của Ban Siêu, phái Ban Siêu đảm nhận làm sứ giả đi Tây vực. Lịch sử
200 năm từ đầu đời Hán đến nay chứng minh, với cán cân quan hệ cùng Hung Nô,
Tây vực là quả cân mang tính quyết định. Nhà Hán liên hợp với Tây vực, Hung Nô
tất thế cô; nhà Hán đoạn tuyệt với Tây vực, Hung Nô thế sẽ mạnh. Muốn chế ngự
Hung Nô, trước tiên phải liên
hợp với Tây vực, chặt đi cánh tay của Hung Nô. Đó chính là sứ mệnh chiến lược
mà Ban Siêu đảm nhận đi sứ Tây vực.
Ban Siêu dẫn theo 36 người trước tiên
đến nước Thiện Thiện 鄯善 (trong khu
vực Tân Cương hiện nay). Thiện Thiện nguyên vốn là phụ thuộc quốc của Hung Nô,
nhân vì Hung Nô bức bách nộp thuế tiến cống, đòi hỏi tài vật, nên Thiện Thiện
vương bất mãn. Nhưng mấy chục năm qua, triều Hán cùng Tây vực mất liên hệ, nên
đành tuân theo mệnh lệnh của Hung Nô. Lần này nhìn thấy triều Hán phái sứ giả đến,
Thiện Thiện vương ân cần tiếp đãi.
Qua mấy ngày sau, Ban Siêu phát hiện ở
Thiện Thiện vương có sự biến đổi, đối đãi với mình lạnh nhạt, nghĩ rằng, có thể
là do Hung Nô cũng sai sứ giả đến. Phán đoán này được chứng thực từ miệng một
tên hầu cận của Thiện Thiện vương, Ban Siêu lập tức bí mật nghị bàn với 36 người
cùng đi, quyết định phải ra tay trước, đang đêm tập kích sứ giả Hung Nô, nếu
không, sứ nhà Hán tất sẽ bị hại. Ban Siêu nói với mọi người rằng:
Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử?
不入虎穴焉得虎子
(Không vào hang hùm
làm sao bắt được cọp con?)
Ban Siêu dẫn binh sĩ, thừa lúc nửa đêm
nổi gió tập kích sứ giả Hung Nô. Ban Siêu lệnh cho 10 người mang 10 chiếc trống,
nấp sau doanh trại Hung Nô, hẹn nhau hễ thấy nổi lửa lập tức đánh trống hét
vang. Ban Siêu lại bố trí những người khác tay cầm cung tên và binh khí, mai phục
hai bên doanh trại Hung Nô. Ban Siêu theo thế gió phóng hoả. Sứ giả Hung Nô
đang trong giấc ngủ chợt tỉnh hoảng kinh, không biết làm thế nào, tranh nhau bỏ
chạy. Ban Siêu cùng cả nhóm chém hơn 30 thủ cấp, hơn 100 người khác bị thiêu chết.
Ngày hôm sau, Ban Siêu mời Thiện Thiện vương đến, Thiện Thiện vương nhìn thấy đầu
của nhóm sứ giả Hung Nô, chấn động bởi sự anh dũng của quan lại triều Hán, nên
đã gạt mối lo âu, quyết thoát khỏi sự thống trị của Hung Nô, khôi phục tình hữu
nghị với triều Hán.
Ban Siêu về lại triều, Hán Minh Đế đề
bạt Ban Siêu làm Quân tư mã军司马,
lại phái đi đến nước Vu Điền 于阗.
Vu Điền vương thấy Ban Siêu dẫn theo ít người, lúc tiếp kiến không nhiệt tình mấy.
Ban Siêu khuyên Vu Điền vương thoát li Hung Nô mà giao hảo với triều Hán. Vu Điền
vương chưa quyết, tìm vu sư để thỉnh thị ý kiến của thần. Vu sư biết ý của Vu
Điền vương liền cố ý giả thác lời thần nói với Vu Điền vương rằng:
Ông
sao lại muốn kết giao với triều Hán? Thần khải thị ta không thể hữu hảo với triều
Hán.
Lại nói:
Con
ngựa sắc đen của sứ giả triều Hán rất tài, có thể mang đến cho ta.
Vu Điền vương sai Tướng quốc đi xin ngựa
của Ban Siêu. Ban Siêu bảo rằng:
Được,
gọi vu sư đến dẫn ngựa đi.
Vu sư dương dương tự đắc đi đến chỗ
Ban Siêu lấy ngựa, Ban Siêu dứt khoát rút dao chém chết vu sư. Sau đó xách đầu
vu sư đi gặp Vu Điền vương. Cuối cùng, Vu Điền vương đồng ý giao hảo với triều
Hán, đồng thời chủ động giết
“giám hộ sứ giả” của Hung Nô.
Ban Siêu tiếp tục đi về phía tây, đến
Sơ Lặc 疏勒 (vùng Khách Thập 喀什 của Tân Cương hiện nay), được
biết Sơ Lặc vương Đâu Đề 兜题 không phải
là người Sơ Lặc, mà là quốc vương nước Cưu Tư 龟兹 dựa vào thế lực Hung Nô
sau khi giết chết Sơ Lặc vương đã sai người đến thống trị Sơ Lặc. Người Sơ Lặc
căm giận, nhưng bị áp lực của Cưu Tư và Hung Nô, đành thừa nhận sự thống trị của
Đâu Đề. Ban Siêu cùng mấy người đến gặp Đâu Đề, xuất kì bất ý, đột nhiên động
thủ bắt hắn ta lại, tuyên bố tội trạng của hắn. Người dân cả nước Sơ Lặc hân
hoan, cử người của mình lên làm quốc vương. Ban Cố để cho người Sơ Lặc thả Đâu
Đề về lại Cưu Tư, để hắn nói lại với Cưu Tư vương, không nên dựa vào thế lực nước
lớn mà bức hiếp nước nhỏ.
Năm 75, Ban Siêu đi sứ Tây vực lần thứ
3, đường phía nam Tây vực đã thông, phía bắc vẫn còn chịu sự khống chế của Hung
Nô. Lúc bấy giờ, triều đình Đông Hán lệnh cho Ban Siêu từ Tây vực trở về. Người
Sơ Lặc sau khi biết tin, cả nước lo sợ, cố giữ lại Ban Siêu không cho đi. Một
viên quan Đô uý không nỡ để Hán sứ ra đi đã rút dao tự sát. Ban Siêu đi qua Vu
Điền, từ quốc vương đến bách tính, đều khóc không thôi. Họ ôm chặt chân ngựa của
Ban Siêu không thả. Ban Siêu thấy tình cảnh như thế cũng không nỡ bỏ đi, liền dâng
thư lên triều đình, xin được tiếp tục ở lại Tây vực. Triều đình phê chuẩn thỉnh
cầu.
Ban Siêu tại Tây vực, liên hợp với các
dân tộc nhược tiểu, đoàn kết chống lại bạo ngược, trước sau đánh bại các nước:
Sa Xa 莎车 (vùng Sa Xa Tân Cương hiện
nay), Cưu Tư 龟兹, Yên Kì 焉耆 (vùng Yên Kì Tân Cương hiện
nay). Bắc Thiền Vu Hung Nô dưới thế lực của phía bắc Tây vực cũng bị trục xuất,
hơn 50 nước Tây vực cùng kiến lập mối quan hệ hữu hảo với vương triều Đông Hán.
Các nước Tây vực kể từ khi Vương Mãng 王莽 nắm quyền, đã hơn 65 năm không
qua lại với triều Hán. Sau khi Ban Siêu đi sứ Tây vực mới khôi phục cục diện thời
Trương Khiên đến Tây vực, sứ giả và thương nhân hai bên thường qua lại.
Ban Siêu tại Tây vực được 30 năm, lúc
về già hoài niệm cố quốc, dâng thư xin về. Trong thư có câu:
Thần bất cảm vọng đáo Tửu Tuyền quận, đản nguyện sinh nhập Ngọc Môn
quan
臣不敢望到酒泉郡,
但愿生入玉门关
(Thần
không dám mong được đến quận Tửu Tuyền, chỉ nguyện lúc còn sống được về đến Ngọc
Môn quan)
Hoà Đế 和帝cảm động, nên vào năm Vĩnh
Nguyên 永元
thứ 14 (năm 102)
ban chiếu cho về. Ban Siêu chống gậy đến Lạc Dương, lúc bấy giờ đã 71 tuổi. Một
tháng sau, Ban Siêu từ giã cõi đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/11/2015
Nguyên tác Trung văn
BAN SIÊU ĐẦU BÚT TÒNG
NHUNG
班超投笔从戎
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật