THẠCH NHÂN LÃNH
Ngày
xưa, Hàng Châu 杭州 hãy còn là một bãi biển khô cạn. Chung quanh trong
khoảng 10 dặm không thấy một dòng sông nào, cũng tìm không ra một con suối nhỏ.
Bách tính sống ở đây, hàng ngày phải gánh thùng đến một nơi thật xa để lấy nước.
Họ chỉ vì mỗi giọt nước mà ngày phải lo đêm phải sầu, chưa từng có một ngày vui
sướng.
Trong số
những người già, có người biết ở núi sau Linh Ẩn 灵隐
có một con suối trong, nhân vì bị một vách đá dày chắn ngang nên suối không chảy
ra được. Đã nhiều năm trôi qua, từng có một số thanh niên lên núi, muốn đục
vách đá, nhưng không thành công. Người biết về suối đó cũng dần ít đi.
Thôn
sau có một chàng thanh niên tên Thuỷ Nhi 水儿,
từ nhỏ đã không có cha mẹ, sống cùng người ông. Từ lúc 6 tuổi Thuỷ Nhi đã theo
ông đi lấy nước, đến nay đã tròn 15 năm. Một ngày nọ, sinh nhật Thuỷ Nhi 20 tuổi,
người ông nấu cho chàng một nồi mì, hai ông cháu có một ngày vui vẻ. Đến tối,
người ông gọi Thuỷ Nhi đến trước mặt, nói cho Thuỷ Nhi biết về con suối ở núi
sau Linh Ẩn. Thuỷ Nhi nghe qua rất vui mừng, liền thắt chặt dây lưng, xắn tay
áo, đi gọi mấy người thường ngày chơi với nhau, cả nhóm thương lượng việc lên
núi đục vách đá, nhất định phải đem dòng nước đưa về thôn. Người ông thấy cháu
có chí khí, vui mừng đến nỗi rơi nước mắt, suốt cả đêm ông chuẩn bị lương khô để
sáng sớm ngày mai cả nhóm lên núi.
Ngày hôm
sau, nhóm 10 người của Thuỷ Nhi mang theo búa, đục, chuẩn bị lên núi. Trước khi
lên đường, người ông của Thuỷ Nhi nói với cả nhóm rằng:
Các con đục vách đá, nhớ phải là đục liền một
mạch, nếu dừng lại, vách đá sẽ trở lại nguyên dạng, uổng phí công sức. Còn nữa,
khi vách đá đục xuyên qua được, sẽ có một dòng nước phun ra, phun trúng người
nào người đó sẽ đông cứng thành đá. Các con nên nhớ kĩ.
Cả nhóm
Thuỷ Nhi vâng lời và lên đường.
Bọn họ
đến núi liền ra tay đục vách đá. Đục mãi, đục mãi, từ Thanh Minh tháng 3 đến Đoan
Dương tháng 5, cái đục đã mòn, đôi tay đã rướm máu, thế mà vách đá vẫn chưa
thông. Có 4 người nói rằng:
Có lẽ ông nhớ nhầm chỗ chăng. Ở đây làm gì
có suối! Hay là về lại lấy thùng gánh nước.
Nói
xong 4 người bỏ ra về.
Còn lại
6 người, từ Đoan Đương tháng 5 đến Trung Thu tháng 8, cái đục lại mòn thêm một
khúc, đôi tay đầy những vết chai, nhưng vách đá vẫn đục chưa thông. Có 2 người
nói rằng:
Đục một hơi tới cùng, ai biết đục đến bao giờ,
cũng phải về nhà xem thử chứ!
Nói
xong 2 người cũng bỏ ra về.
Mùa Thu
qua đi, mùa Đông đến, tuyết trên núi rơi dày ngập đến nửa người, gió tây bắc
gào thét, như mũi dao đâm thốc vào người. Bốn người Thuỷ Nhi còn lại không ngơi
nghỉ. Vẫn đục, đục mãi, đục đến mùa Xuân năm sau. Khi hoa Đỗ Quyên nở hồng,
vách đá kia đã đục được rất sâu rồi.
Vào
ngày mồng 3 tháng 3 năm nọ, Thuỷ Nhi đột nhiên nghe thấy bên kia vách đá có tiếng
nước chảy róc rách. Thuỷ Nhi vừa áp tai sát vách để nghe, liền không ngăn nỗi
kinh ngạc reo lên:
A! nước suối! Đó là tiếng nước suối chảy.
Mấy người
còn lại cũng nhảy lên reo mừng. Thuỷ Nhi quay đầu nói với mọi người.
Các bạn mau chạy đi, nước trong đá sắp phun
ra đấy!
Nhìn nước
suối cũng sắp tuôn ra, ai cũng không nỡ bỏ đi. Thuỷ Nhi thấy mọi người không chịu
đi liền nói lớn:
Nếu các bạn không chịu chạy đi, tôi sẽ dừng
đục lại!
Mọi người
nghe nói như thế, sợ Thuỷ Nhi dừng lại thật, thế thì uống phí công sức, nên đành phải chạy tứ tán. Lúc bấy giờ Thuỷ
Nhi đục nhát đục cuối cùng. Chỉ nghe một tiếng “ầm” long trời, nước từ đá phun
ra, ngưng kết Thuỷ Nhi thành khối người đá cao hơn 3 trượng. Tiếp đó, một dòng
nước mát trong thuận theo thung lũng chảy xuống thôn làng, đổ vào một vùng đất
trũng ven bờ biển, vũng đất trũng được đổ đầy – đó chính là Tây hồ ngày nay.
Từ đó,
vùng đất này không còn lo về nạn thiếu nước nữa. Ngọn núi mà Thuỷ Nhi đục qua,
về sau mọi người gọi là “Thạch nhân lãnh” 石人岭.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy
Nhơn 04/10/2015
Nguyên tác Trung văn
THẠCH NHÂN LÃNH
石人岭
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật