QUANG VŨ ĐẾ TRÙNG HƯNG HÁN THẤT
Lưu Tú 刘秀 (năm 6 – năm 57), tự Văn Thúc 文叔, người Thái (Sái) Dương 蔡阳 Nam Dương 南阳
(nay là phía tây nam Tảo Dương 枣阳
Hồ Bắc 湖北), cháu đời thứ 9 của Hán Cao
Tổ Lưu Bang 刘邦.
Cuối thời Vương Mãng 王莽, đất nước nhiều năm gặp tai hoạ thiên nhiên như bị
hạn hán và nạn côn trùng phá hoại, nhưng triều đình lại không giảm thuế khoá,
vì thế nhân dân lũ lượt giương cờ nổi dậy. Năm Địa Hoàng 地皇 thứ 3 (năm 22), vùng Nam Dương lại gặp nạn mất mùa,
vào tháng 10 năm đó, Lưu Tú cùng với người em họ của Lí Thông 李通 là Lí Thiết 李铁
cử binh khởi sự tại Giá Uyển 驾宛
(nay là huyện Nam Dương 南阳 tỉnh Hà
Nam 河南), lúc bấy giờ Lưu Tú chỉ mới
28 tuổi.
Lưu Tú giúp lực lượng quân Lục Lâm 绿林, trong trận đại chiến tại
Côn Dương 昆阳 đã đánh bại
đội quân chủ lực của Vương Mãng. Anh của Lưu Tú là Lưu Diễn 刘縯 theo đó cũng đánh hạ được Uyển Thành 宛城, lập Lưu Huyền 刘玄 làm Canh Thuỷ 更始 hoàng đế, lấy Uyển Thành làm
thủ đô lâm thời của chính quyền Canh Thuỷ.
Lưu Huyền sau khi ổn định tại Uyển
Thành, sợ thế lực của Lưu Diễn anh em với Lưu Tú mạnh lên, sẽ tranh đoạt thiên
hạ với mình nên đã tìm cớ giết Lưu Diễn. Lúc bấy giờ, Lưu Tú đang ở ngoài nghe
tin người anh bị Lưu Huyền sát hại, trong lòng vừa bi phẫn vừa lo sợ, ngoài mặt
đối với Lưu Huyền tỏ ra quy thuận. Để vỗ yên và lung lạc Lưu Tú, Lưu Huyền bái
Lưu Tú làm Phá lỗ đại tướng quân 破虏大将军,
phong tước Vũ Tín Hầu 武信侯, nhưng
không hề giao cho quyền lực thực tế.
Qua một thời gian, Lưu Huyền dời về Lạc
Dương 洛阳, phái Lưu Tú đến phía bắc
Hoàng hà để mở rộng thế lực. Lưu Tú được cơ hội này liền phát triển thế lực của
mình.
Sau khi chính quyền tân triều Vương
Mãng bị lật đổ, thế lực địa chủ phía bắc Hoàng hà lũ lượt tổ chức vũ trang địa
chủ. Thấy Lưu Tú đến, họ liền đến quy phụ. Như vậy, thế lực của Lưu Tú dần mạnh
lên, đứng vững chân tại phía bắc Hoàng hà. Lưu Huyền sợ thế lực của Lưu Tú tiếp
tục mạnh lên, vội phái người đi phong
Lưu Tú làm Tiêu Vương 萧王, đồng thời
cho triệu hồi về thủ đô để cùng bàn đại sự quốc gia. Lưu Tú không muốn bị Lưu
Huyền khống chế nữa, đã kêu người đem đến cho Lưu Huyền một bức thư, trong thư
nói rằng:
Phía
bắc Hoàng hà vẫn chưa hoàn toàn ổn định, thần không thể trở về.
Từ đó, Lưu Tú cùng Lưu Huyền trên thực
tế đã đoạn tuyệt.
Để tiến thêm một bước mở rộng thế lực,
đối với quân khởi nghĩa nông dân phân tán tại vùng Kí Châu 冀州, Duyện Châu 兖州,
Lưu Tú đã tiến hành trấn áp tàn khốc. Trải qua nhiều lần chiến đấu, những đội
quân mà Lưu Tú phái đi đều giành được thắng lợi. Thế lực của Lưu Tú tiến thêm một
bước được mở rộng, khu vực trung nguyên với sản vật phong phú dường như đều lọt
vào tay ông.
Lưu Tú một khi đắc thế, đã có nhiều thế
lực cát cứ đến quy phụ. Một số đại tướng sau khi quy phụ lập được chiến công đều
vội ủng hộ Lưu Tú làm hoàng đế. Đại tướng Cảnh Thuần 耿纯 nói với Lưu Tú rằng:
Anh
hùng trong thiên hạ, xa thân thuộc, bỏ ruộng vườn, cùng với ngài trong rừng tên
mưa giáo vào sống ra chết, không ai không hi vọng được bám vào long lân, phụ
vào cánh phụng, để có thể trở thành nguyên huân khai quốc. Mong ngài mau xưng đế.
Lưu Tú thấy ý nguyện của các đại tướng
ủng hộ mình liền không chối từ nữa, vì thế vào tháng 6 năm thứ 25 chính thức
lên ngôi hoàng đế tại Hạo Thành 鄗城
(nay là huyện Cao Ấp 高邑 tỉnh Hà Bắc 河北),
xây dựng lại triều Hán mà đã bị Vương Mãng soán đoạt. Tiếp đó, Lưu Tú phái binh
tây chinh, tấn công quân Xích Mi 赤眉
lúc bấy giờ đang chiếm lĩnh khu vực quan trung.
Lúc này quân Xích Mi đã xây dựng chính
quyền của mình, tại Hoa Âm 华阴
(nay là huyện Hoa Âm 华阴 tỉnh Thiểm
Tây 陕西) họ lập một đứa trẻ chăn
trâu 15 tuổi là Lưu Bồn Tử 刘盆子
làm hoàng đế, Phàn Sùng 樊崇 làm Ngự sử
đại phu. Canh Thuỷ hoàng đế Lưu Huyền tại Trường An dựa vào quân Lục Lâm được
ngồi trên giang sơn, lúc này lại muốn sát hại mấy tướng lĩnh quân Lục Lâm xuất
thân từ nông dân, công khai tách rời quân Lục Lâm. Vương Khuông 王匡 bị bức rời khỏi Trường An.
Chẳng bao lâu, họ liên hợp cùng quân Xích Mi đánh vào Trường An, lật đổ sự thống
trị của Lưu Huyền. Khi quân Xích Mi tiến vào Trường An, bách tính trong thành dắt
nhau, kết thành nhóm nghinh đón trên đường. Nhưng địa chủ vùng phụ cận Trường
An lại lén dấu lương thực, muốn đội quân nông dân bị chết đói. Với kinh nghiệm
đấu tranh chính trị phong phú, Lưu Tú liền thừa cơ phái đại tướng Đặng Vũ 邓禹 tiến đánh. Quân Xích Mi tuy
nhiều lần đánh bại Đặng Vũ, nhưng lần này do bởi thiếu lương thực, không thể
kiên trì chống cự, Phàn Sùng đành phải hạ lệnh bỏ Trường An, chuẩn bị tiến về
phía đông trở về lại quê nhà Sơn Đông 山东.
Trên đường, họ gặp phải phục kích của đội quân Lưu Tú, tổn thất cực lớn, đường
về cũng bị chặt đứt, đành phải đầu hàng. Phàn Sùng sau khi đầu hàng đã bị Lưu
Tú giết chết.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn
05/10/2015
Nguyên tác Trung văn
QUANG VŨ ĐẾ TRÙNG
HƯNG HÁN THẤT
光武帝重兴汉室
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật