Dịch thuật: Quần hùng trục lộc - Chiến Quốc

QUẦN HÙNG TRỤC LỘC – CHIẾN QUỐC
(từ năm 475 đến năm 221 trước công nguyên)

          Danh xưng “Chiến Quốc” 战国, bắt nguồn từ Chiến Quốc sách 战国策. Bộ sách này do học giả Lưu Hướng 刘向 thời Tây Hán căn cứ vào Quốc sách 国策 mà biên định. Nói một cách xác thiết, đây hoàn toàn không phải là bộ sử thư, bởi nó lấy việc ghi chép và diễn dịch sự kiện của thời kì này làm chính, không có quan niệm thời gian như Xuân Thu 春秋, càng thiếu tính nhất trí và tính chuẩn xác. Nhân đó, rốt cuộc thời kì này bắt đầu từ lúc nào, sử gia có những cách nói khác nhau. Có thuyết căn cứ vào kí sự Xuân Thu kết thúc mà tính là bắt đầu (năm 479 trước công nguyên), cũng có thuyết căn cứ vào “tam gia phân Tấn” (năm 453 trước công nguyên) hoặc được phong làm chư hầu mà tính là bắt đầu (năm 403 trước công nguyên). Riêng kết thúc của thời kì thì tương đối rõ ràng hơn, đó chính là khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất Trung Quốc (năm 221 trước công nguyên).
          Nói một cách nghiêm túc, thời Chiến Quốc và thời Xuân Thu không có sự khu biệt về bản chất. Sự phân chia hai thời đại này hơn một nữa là căn cứ vào một số hình thức. Sự tranh bá của chư hầu ở thời Chiến Quốc mà thường xảy ra chỉ là những thế lực cũ nào đó rút lui trên vũ đài lịch sử, thế lực mới bắt đầu đóng vai trò chủ yếu. Đầu tiên, nước Việt sau khi diệt nước Ngô, tự thân cũng tinh thần mệt mỏi sức lực cạn kiệt, dần kín tiếng. Thứ đến, vào thời Xuân Thu những nước nhỏ có thể dậy sóng như Lỗ, Vệ, Tống, Trịnh v.v… cũng mất đi quyền phát ngôn, chỉ có thể tạm sống qua ngày. Tiếp đó, họ Điền nước Tề, tuy thay họ Khương , nhưng việc nắm quyền bắt đầu vào cuối thời Xuân Thu, đến đầu thời Chiến Quốc đã không còn sức tiến hành cải cách chính trị, cuối cùng hiện rõ sự thất bại. Khi thế lực cũ đang dần mất đi, sự kiện khiến mọi người chú ý đó là nước Tấn bị 3 nhà Hàn , Triệu , Nguỵ chia nhau (tam gia phân Tấn). Đại biểu cho thế lực mới là nước Nguỵ trong tam gia. Nước Nguỵ vào đầu thời Chiến Quốc cường thịnh, chủ yếu được lợi từ cải cách chính trị dưới sự chủ trì của Nguỵ Văn Hầu 魏文侯. Đợt cải cách này, không chỉ chấn hưng nước Nguỵ, mà còn khiến các nước khác nhìn thấy được ánh sáng của việc làm cho nước giàu dân mạnh. Nước Hàn và nước Triệu  theo sau tiến hành cải cách, tuy không bằng nước Nguỵ, nhưng cũng từng giữ qua vai trò cường quốc. Nước Sở cuối thời Xuân Thu sau khi bị nước Ngô công phá, luôn không có được vận khí mới, mà càng đáng tiếc hơn đó là sự cải cách nước Sở của Ngô Khởi 吴起 chết từ trong trứng nước. Cho nên, cả một thời kì Chiến Quốc, nước Sở cũng chưa xuất hiện được trong các cường quốc.
          Lực lượng mới chân chính đó là nước Tần ở tận phía tây, nhẫn nhục chịu đựng. Sơ và trung kì thời Chiến Quốc, do bởi nước Nguỵ lớn mạnh nên Tần chỉ có thể khai thác về phía tây. Nước Tần bị ép đến nỗi thở không ra. May mà khi nước Nguỵ bắt đầu trượt dốc, Nước Tần kế tiếp xuất hiện mấy vị quân chủ anh minh. Trước tiên có Tần Hiến Công 秦献公 làm đâu chắc đó, tiếp đó có Tần Hiếu Công 秦孝公 quyết tâm cố gắng, khiến nước Tần tiến vào trung kì thời Chiến Quốc hình thành thế cân bằng tạm thời với lực lượng phía đông. Nhưng, thế cân bằng này nhanh chóng bị nước Tần phá vỡ. Nguồn gốc sức mạnh của nước Tần, chính là sự cải cách toàn diện kéo dài hơn 20 năm dưới sự chủ trì của Thương Ưởng 商鞅. Đồng thời với nước Tần cải cách triệt để, 6 nước ở Sơn Đông 山东 lại không ngừng tàn sát lẫn nhau, kết quả là, Tề Uy Vương 齐威王 đánh bại Nguỵ Huệ Vương 魏惠王, khiến 3 nước Hàn, Triệu, Nguỵ từ thế công chuyển sang thế thủ, trở thành quả cân để nước Tề và nước Tần mặc cả. Đối mặt với sự uy hiếp quân sự của nước Tần, 6 nước ở Sơn Đông mỗi nước tự tìm cách riêng, do dự giữa liên hoành và hợp tung, cuối cùng khiến nước Tần thừa cơ không ngừng lấn dần về phía đông, thế không cản nổi. Duy nhất nước Tề đối kháng với Tần, cũng do bởi tự cao tự đại đã bị nước Yên ngầm công phá. Như vậy, tiến vào cuối thời Chiến Quốc, nước Tần hình thành thế lực duy nhất, việc thống nhất thiên hạ chỉ là vấn đề thời gian. (còn tiếp)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 22/10/2015

Nguyên tác Trung văn
QUẦN HÙNG TRỤC LỘC – CHIẾN QUỐC
群雄逐鹿 - 战国
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post