Dịch thuật: Khổng Tử có san định "Kinh Thi" hay không?

KHỔNG TỬ CÓ SAN ĐỊNH KINH THI HAY KHÔNG?

          Kinh Thi (Thi Kinh - 诗经 ) là bộ tổng tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị nổi bật trong lịch sử phát triển văn học Trung Quốc. Nhưng về việc trứ tác bộ sách vĩ đại này, do bởi niên đại đã quá xa, nhiều phương diện đến nay vẫn chưa có cách nào luận định, Khổng Tử 孔子 có san định qua Kinh Thi hay không vẫn là một huyền án. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, đối với Kinh Thi, mọi người vẫn chưa nhận thức được giá trị chân chính của nó, cho nên đối với tác dụng của Kinh Thi, vấn đề biên đính, niên đại biên soạn, không nghiên cứu kĩ. Mãi đến thời Hán, để viết Sử kí 史记, Tư Mã Thiên 司马迁 đã tiến hành nghiên cứu Kinh Thi cùng nghiên cứu Khổng Tử, đề xuất quan điểm Khổng Tử san định Kinh Thi. Quan điểm này kéo dài đến hiện nay, và đã không ngừng bổ sung, phát triển.

Lí do chủ trương “thuyết san thi”
          Lí do chủ trương “thuyết san Thi” chủ yếu có 3 điểm:
1- Thời Hán cách thời Xuân Thu Chiến Quốc không xa, tài liệu mà Tư Mã Thiên dựa vào đương nhiên so với người đời sau nhiều hơn và cũng đáng tin hơn.
2- Thời cổ có đến 1800 nước lớn nhỏ, có thể thấy, thơ cổ vốn rất nhiều. Khổng Tử từ nhiều thiên của tiền nhân thu thập chọn lại 305 thiên làm thành sách giáo khoa là việc có thể tin được.
3- Đối chiếu với trong sách, có thể biết trong Kinh Thi có toàn thiên chưa thu thập hoặc thu thập chương cú. Tình hình này cũng phù hợp việc san định Kinh Thi.

Quan điểm tương phản với “thuyết san thi”
          Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达 đời Đường khi viết lời sớ cho “Ngũ kinh” đã phát hiện tự thuật trong Sử kí của Tư Mã Thiên không phù hợp với tình hình vận dụng Kinh Thi trong điển tịch thời Tiên Tần. Vì thế, đến thời Tống đã hình thành phong khí phản đối “thuyết san Thi”.
          Giai đoạn cận đại, Cố Hiệt Cương 顾颉刚, Tiền Huyền Đồng 钱玄同, Phạm Văn Lan 范文澜 về cơ bản đều theo quan điểm này. Quy kết lại, lí do chủ yếu phản đối thuyết Khổng Tử san Thi là:
1- Trong Tả truyện – Tương Công nhị thập cửu niên 左传 - 襄公二十九年 nói rằng: công tử Quý Trát 季札 nước Ngô đến nước Lỗ xem lễ nhà Chu, diễn tấu các phần là thập ngũ quốc phong, nhã, tụng, sự sắp xếp các thiên trong đó đại thể tương đồng vói Kinh Thi hiện nay. Theo tư liệu hiện tại, Khổng Tử lúc bấy giờ chỉ mới 8 tuổi, căn bản không thể “san Thi”. Có thể thấy, trước Khổng Tử đã có tập sách với mục lục cùng sự sắp xếp về cơ bản tương đồng với Kinh Thi hiện nay.
2- Khổng Tử chỉ nói “chính nhạc”, mà không nói san định Kinh Thi; hơn nữa khi Khổng Tử về lại nước Lỗ và “chính nhạc” đã 69 tuổi, nếu san Thi trong thời gian này thì tại sao trước đó ông luôn nói “Thi kinh tam bách”?
3- Trong Kinh Thi có không ít “dâm thi”, những bài thơ không phù hợp với tư tưởng lễ nhạc nhân chính của Khổng Tử này, tại sao không bị bỏ.
          Hai quan điểm trên đây, hơn 1000 năm luận chiến đến nay vẫn còn tranh nghị. Xem ra Khổng Tử có san định Kinh Thi hay không, quả thực là một bí ẩn khó giải.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 14/10/2015

Nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ THỊ PHỦ SAN CẢI QUA “THI KINH”
孔子是否删改过诗经
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Biên soạn: nhiều tác giả
Chu Hải xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post