Dịch thuật: Truyền thuyết Thường Nga bôn nguyệt

TRUYỀN THUYẾT THƯỜNG NGA BÔN NGUYỆT

          Về nguồn gốc của tết Trung Thu, trong dân gian còn lưu truyền nhiều truyền thuyết đẹp và cảm động, trong đó “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月 là lưu truyền rộng rãi nhất. Tương truyền vào thời viễn cổ, có 10 mặt trời xuất hiện trên không, soi nóng đến nỗi mặt đất nứt nẻ như mai rùa, muôn vật khô héo, thiên hạ bách tính khó sinh tồn. Lúc bấy giờ, một chàng trai tên là Hậu Nghệ 后羿, có sức mạnh vô cùng, anh ta một hơi bắn rụng 9 mặt trời, đến khi mặt trời cuối cùng nhận tội cầu xin tha mạng, Hậu Nghệ mới thu cung lại, lệnh cho mặt trời này phải đúng giờ mọc và lặn, tạo phúc cho dân. Về sau, Hậu Nghệ cưới một cô gái hiền hoà xinh đẹp tên là Thường Nga 嫦娥 (1). Hai vợ chồng thương yêu nhau, cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
          Một hôm, Hậu Nghệ trên đường đi săn gặp được một lão đạo sĩ. Lão đạo sĩ tặng cho Hậu Nghệ một gói thuốc trường sinh bất tử, uống vào suốt đời không già, có thể thăng thiên thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ xa rời vợ và bà con trong thôn, không muốn chỉ một mình mình làm thần tiên trên trời. Sau khi về lại nhà, Hậu Nghệ đem thuốc trường sinh bất tử giao cho vợ. Lúc bấy giờ, không ít người theo Hậu Nghệ học nghề, trong đó có một kẻ tiểu nhân gian nịnh tên là Bàng Mông 逢蒙, biết được trong nhà thầy có cất thuốc trường sinh bất tử, nên suốt ngày nghĩ cách làm sao lấy cắp được. Ngày rằm tháng 8 một năm nọ, Hậu Nghệ dẫn đám học trò đi săn, khoảng chiều tối, Bàng Mông lén trốn về, ép Thường Nga giao thuốc. Trong lúc không biết làm cách nào, Thường Nga đành nuốt trọn gói thuốc. Trong giây lát, thân thể Thường Nga nhẹ nhàng bay lên, phút chốc bay đến trời cao. Nhưng vì lòng quyến luyến chồng nên Thường Nga bay đến mặt trăng, nơi cách mặt đất gần nhất.
          Hậu Nghệ sau khi về nhà không thấy vợ đâu, liền hỏi thị nữ. Biết được sự tình, Hậu Nghệ lòng như lửa đốt, vội bước ra khỏi nhà, chỉ thấy mặt trăng trên cao bỗng trở nên tròn và sáng lạ thường, giống như người vợ đang nhìn mình. Hậu Nghệ liền bày bàn cúng trong sân dưới ánh trăng, trên bàn bày các loại hoa quả mà Thường Nga thích ăn nhất để tế người  vợ. Bà con trong thôn cũng bày hoa quả trong sân nhà mình để tế Thường Nga lương thiện và xinh đẹp.
          Từ đó về sau, hàng năm đều như thế, đời đời nối tiếp nhau. Mỗi khi đến rằm tháng 8, mọi người đều không hẹn mà gặp tế Thường Nga dưới trăng. Do bởi hôm đó là vào giữa mùa Thu, nên mọi người ấn định ngày đó là tết Trung Thu.

Chú của người dịch
1- Thường Nga 嫦娥: vốn tên là Hằng Nga 姮娥, nhân vì tị huý tên của Hán Văn Đế Lưu Hằng 刘恒 nên đổi gọi là “Thường Nga”.

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 27/9/2015
                                                      Trung Thu năm Ất Mùi

Nguyên tác Trung văn
THƯỜNG NGA BÔN NGUYỆT ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
嫦娥奔月的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post