ÔNG GIÀ THỎ TRONG TẾT TRUNG THU
Tết
Trung Thu tại Bắc Kinh, Sơn Đông, dân gian có tập tục chơi với ông già thỏ. Ông
già thỏ, lớn thì cao hơn 3 xích, nhỏ nhất thì cũng khoảng 3 thốn, đều có khuôn
mặt bôi phấn trắng, đầu đội kim khôi, thân khoác chiến bào.
Truyền
thuyết kể rằng vào thời xa xưa, trên cung trăng có một loại bánh thuốc tiên trị
được bách bệnh, nhưng bà nguyệt chỉ biết lợi, đem bánh tặng cho những người người
giàu có thường cúng bà, mà không ngó ngàng gì đến sự sống chết của những người
nghèo khổ.
Có một
anh chàng nghèo tên Nhậm Hán 任汉, mạo hiểm lên cung
Quảng Hàn 广寒
lấy trộm bánh thuốc tiên. Để giúp Nhậm Hàn, thỏ ngọc đã hi sinh, lột da mình ra
đưa Nhậm Hán khoác vào biến thành thỏ để thoát hiểm. Thỏ do Nhậm Hán biến thành
đã lấy trộm bánh đem về nhân gian, đặt lên nguồn của 72 con suối ở Tế Nam 济南, cứu được người nghèo trong toàn thành. Để kỉ niệm thỏ
ngọc và Nhậm Hán, mọi người bèn tôn làm Thố tử vương 兔子王.
Thố tử
vương兔子王, Thố nhi gia 兔儿爷
đều là từ tôn xưng của dân gian đối với thỏ thần trong cung trăng. Để biểu hiện
Ông già thỏ (Thố nhi gia 兔儿爷) là thỏ thần trên
cung trăng, không phải thỏ phàm chốn nhân gian, nghệ nhân dân gian khi tạo hình
tượng đã vận dụng các loại thủ pháp nghệ thuật nhằm thể hiện cái “thần”. Có người
chú trọng biểu hiện thỏ ngọc giã thuốc, làm cho hai tay (chân trước) của Ông
già thỏ hoạt động, bưng chày ngọc, dùng dây điều khiển, thỏ ngọc có thể giã thuốc
lên xuống. Có người chú trọng biểu hiện thần lực của Ông già thỏ, đem Ông già
thỏ biến thành vị tướng thần thân khoác chiến bào, đầu đội kim khôi, tay cầm
binh khí, mắt nhìn trừng trừng, uy phong lẫm liệt. Có người vì muốn thể hiện thần
uy của Ông già thỏ đã để Ông già thỏ cưỡi lên kì lân, hổ đen, điều này đối lập
với hình thượng thỏ trong hiện thực cuộc sống, khi thấy hổ đã sợ đến nỗi chạy
cong đuôi.
Chú của người
dịch
Ông già
thỏ (Thố nhi gia 兔兒爺) là đồ chơi truyền thống trong dân gian Bắc Kinh, sớm
nhất bắt nguồn từ búp bê đất sét dùng để cúng trăng vào cuối thời Minh. Đến thời
Thanh dần chuyển biến thành đồ chơi của trẻ con.
Mọi người
cho rằng, hình tượng Ông già thỏ bắt nguồn từ thỏ ngọc trên cung trăng. Một câu
chuyện truyền thuyết lưu truyền tương đối rộng rãi như sau:
Một năm
nọ, trong thành Bắc Kinh đột nhiên xảy ra ôn dịch, dường như nhà nào cũng có
người mắc phải, uống thuốc gì cũng không công hiệu. Thường Nga 嫦娥 trên cung trăng nhìn thấy tình cảnh dân gian thắp
hương cầu khấn, trong lòng rất đau buồn, liền sai thỏ ngọc bên cạnh mình đến
nhân gian trị bệnh cho bách tính. Thỏ ngọc biến thành một thiếu nữ đến thành Bắc
Kinh, nàng đến từng nhà chữa bệnh cho rất nhiều người. Để cảm tạ thỏ ngọc, mọi
người đều tặng cho nàng nhiều thứ. Nhưng thỏ ngọc không nhận thứ gì, chỉ mượn mọi
người quần áo để mặc. Như vậy, thỏ ngọc đến một nơi nào đó liền thay trang phục,
có lúc thành người bán dầu, có lúc giống thầy tướng số ….. một lúc thành đàn
ông, lúc sau thành thiếu nữ. Để có thể trị bệnh cho nhiều người hơn nữa, thỏ ngọc
liền cưỡi ngựa, cưỡi hươu, hoặc cưỡi cả sư tử, cọp, đi khắp trong ngoài thành Bắc
Kinh. Thỏ ngọc trừ xong ôn dịch trong thành Bắc Kinh liền trở về lại cung
trăng. Nhưng hình tượng xinh đẹp của nàng vĩnh viễn lưu lại trong lòng người dân Bắc Kinh. Vì thế mọi người đã dùng
đất sét nặn thành hình tượng thỏ ngọc, có thỏ ngọc cưỡi hươu, có thỏ ngọc cưỡi
phụng. Lại có thỏ ngọc khoác áo giáp, cũng có thỏ ngọc mặc các loại quần áo
công nhân, muôn hình vạn trạng, vô cùng đáng yêu. Hàng năm cứ đến ngày rằm
tháng 8 âm lịch, nhà nhà đều cúng thỏ ngọc, dâng hoa quả để cảm tạ thỏ ngọc đã
mang lại cát tường và hạnh phúc cho mọi người. Mọi người còn gọi thỏ ngọc một cách thân thiết
là “Thố nhi gia” 兔兒爺, “Thố nhi nãi nãi” 兔兒奶奶.
Sự ra đời
của Ông già thỏ, kì thực bắt nguồn từ sự sùng bái của con người đối với mặt
trăng và sự xác nhận đối với thần thoại. Truyền thuyết liên quan đến cung trăng
đã sản sinh ảnh hưởng quan trọng ở đây. Truyền thuyết trên cung trăng có thỏ ngọc
bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Bức vẽ trên lụa phát hiện ở mộ số 1 đời Hán tại Mã
Vương đôi 馬王堆 Trường Sa 長沙 đã phản ánh nội
dung thần thoại: một vầng trăng sáng có con cóc ngậm linh chi và thỏ ngọc. Điều
này nói rõ đời Hán vẫn lưu truyền thần thoại trên cung trăng có thỏ ngọc. Trên
gạch cuối thời Tây Hán phát hiện tại Trịnh Châu 鄭州
Hà Nam 河南 có hình “Đông Vương Công cưỡi rồng” cũng xuất hiện
hình tượng thỏ ngọc giã thuốc. Năm 1968 tại thành phố Đan Dương 丹陽 tỉnh Giang Tô 江蘇
phát hiện một lăng mộ thời Nam
triều không rõ tên, trong mộ có hai viên gạch có vẽ hình, biểu hiện mặt trăng
và mặt trời. Trên viên gạch mặt trăng có cây, dưới cây có một con thỏ ngọc đang
giã thuốc. cối chày có đủ, vô cùng sinh động.
Trong
dân gian, bách tính đều tuân thủ tục ước “nam bất tế nguyệt, nữ bất tế táo”,
cho nên cúng trăng đa phần do phụ nữ đảm đương. Thường em bé luôn theo bên mẹ,
chúng rất thích bắt chước hành vi của người lớn, nhân đó đã sản sinh tượng đất
chuyên dành cho trẻ em cúng trăng: Thố nhi gia.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/9/2015
Nguyên tác Trung văn
TRUNG THU TIẾT NGOẠN THỐ NHI GIA
中秋节玩兔儿爷
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật