NÓI VỀ CHỮ “ĐAO”
Chữ
“đao” 刀 (dao) trong giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, lệ thư
đều có. Đao từ rất sớm đã là một loại công cụ dùng để cắt. Ngoài ra, còn là một
loại nông cụ dùng để xới đất, lật đất. “Đao canh hoả nậu” 刀耕火耨 chỉ phương pháp canh tác nông nghiệp thời nguyên thuỷ,
nông dân chặt bỏ những cây cỏ trên mặt đất, dùng lửa đốt, rồi tưới nước thành tro, tro này là một loại
phân bón, sau đó người ta xới đất nầy để gieo trồng.
“Đao”
thời cổ lại là một loại binh khí chủ yếu, đao dùng làm binh khí có rất nhiều chủng
loại. Quan Vũ 关羽 thời Tam Quốc sử dụng Thanh long yển nguyệt đao 青龙偃月刀, đầu đao hình dạng tựa nửa vầng trăng, thân đao khắc
hình rồng xanh.
Vương
Tuấn 王濬 đời Tấn đêm nằm mộng, mơ thấy 3 cây đao treo trên rường
nhà trong phòng ngủ, chẳng bao lâu lại thêm một cây đao nữa. Vương Tuấn tỉnh dậy,
trong lòng vô cùng ghét. Ngày hôm sau, viên chủ bạ là Lí Nghị 李毅 khi đến bái kiến Vương Tuấn đã giải thích rằng:
Ba đao là chữ “châu” 州, lại thêm một đao nữa, ngày sau nhất định đến
Ích Châu 益州.
Về sau
quả nhiên Vương Tuấn được đề bạt thăng là Thứ sử Ích Châu. Nhân đó, thi nhân đời
Đường có viết câu “Đao châu trùng nhập mộng” 刀州重入梦.
Thời cổ
gọi vị quan nắm giữ việc văn thư trong phủ quan là “đao bút lại” 刀笔吏, nhân vì trước khi Thái Luân 蔡伦
thời Đông Hán phát minh ra kĩ thuật làm giấy, loại dùng để viết chủ yếu là thẻ
tre và thẻ gỗ. Người ta dùng bút lông viết lên, hoặc dùng đao khắc chữ trực tiếp.
Khi dùng đao khắc chữ, nếu sơ ý khắc sai thì dùng đao cạo bỏ đi để khắc lại,
nên có cách nói “đao bút lại”. Từ đời Hán về sau, hàm nghĩa của “đao bút lại”
có sự thay đổi, biến thành người coi việc tố tụng, hình dung những cây bút này
như đao, có thể làm tổn thương người khác, thậm chí đưa người ta đến chỗ chết.
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 10/9/2014
Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật