CÔNG TÔN DIỄN
Công
Tôn Diễn 公孙衍, không rõ năm sinh năm mất. Còn gọi là Tê Thủ 犀首.
Tể tướng của Nguỵ Huệ Vương 魏惠王 thời Chiến Quốc. Ông là
Tung hoành gia nổi tiếng. Kết cục không rõ.
Công Tôn Diễn người Âm Tấn 阴晋 (nay là phía đông Hoa Âm 华音 tỉnh Thiểm Tây 陕西). Lúc trẻ vào đất Tần du
thuyết, được nhậm chức Đại lương tạo 大良造.
Năm 330 trước công nguyên, vâng mệnh dẫn quân tấn công nước Nguỵ, đánh bại quân
Nguỵ tại Điêu Âm 雕音 (nay là
phía nam Cam Tuyền 甘泉 tỉnh Thiểm
Tây 陕西), bức nước Nguỵ dâng vùng đất
Hà Tây cho Tần, lập được công lớn. Tần Huệ Văn Vương rất coi trọng ông, chuẩn bị
giao nhiệm vụ quan trọng. Năm sau, Trương Nghi 张仪 người nước Nguỵ đến Tần, Tần Huệ Văn Vương rất tán
thưởng sách lược liên hoành của ông nên đã bái ông làm khách khanh, cho tham dự
chính vụ, còn Công Tôn Diễn bị bỏ rơi. Về sau Công tôn Diễn đến nước Nguỵ, được
nhậm chức tướng quân.
Chẳng bao lâu Công Tôn Diễn nhân vì bất
hoà với Tướng quốc nước Nguỵ là Điền Tu 田繻,
bị Điền Tu nói xấu trước mặt Nguỵ Huệ Vương. Công Tôn Diễn nhờ Quý Tử 季子 đi nói với Nguỵ Huệ Vương,
Nguỵ Huệ Vương đã dùng ông thì phải tin, nhưng xem ông như trâu ngựa, cho dù
kéo xe mệt đến chết cũng không thể lập được công nghiệp. Lúc bấy giờ Nguỵ Huệ
Vương mới không trục xuất Công Tôn Diễn.
Năm 322 trước công nguyên, nước Nguỵ bị
áp lực của nước Tần, đã mời Trương Nghi ra nhậm chức Tướng quốc. Lúc này, có một
bề tôi tên Sử Cử 史举 thường huỷ
báng Công Tôn Diễn trước mặt Nguỵ Huệ Vương, Công Tôn Diễn liền giả vờ nói với Trương Nghi:
Tôi
có thể thuyết phục đại vương đem vương vị nhường cho ông, nhưng, ông không nên
tiếp nhận, mà nên hết sức khiêm nhường. Tôi thừa cơ hội để xưng tụng ông lần nữa,
thỉnh cầu đại vương ban cho ông vạn hộ phong ấp.
Trương Nghi đương nhiên đáp ứng, còn
sai Sử Cử thường đi liên hệ với Công
Tôn Diễn. Nguỵ Huệ Vương thấy vậy, cho rằng Sử Cử lấy lòng Nguỵ Huệ Vương và
Công Tôn Diễn, liền không tin những lời của ông nữa, bức Sử Cử phải âm thầm rời
bỏ nước Nguỵ. Công Tôn Diễn đã đứng vững chân tại nước Nguỵ. Chẳng bao lâu, còn
phát khởi Nguỵ, Hàn, Triệu, Yên, Trung Sơn “ngũ quốc tương vương” 五国相王 (cùng nhau xưng vương), để
đối kháng với 3 nước lớn là Tần, Tề, Sở.
Năm 319 trước công nguyên, Trương Nghi
khiến nước Nguỵ phục tùng nước Tần, Nguỵ Huệ Vương cũng muốn để Trương Nghi tiếp
tục làm Tướng quốc. Công Tôn Diễn cho rằng lúc này thế hợp tung mà mình theo là
bất lợi, liền pháí người ngầm đi báo với quốc quân nước Hàn, nói rằng Trương
Nghi đã hẹn với Tần, Nguỵ cùng đánh nước Hàn, nước Hàn chi bằng cắt một số đất
đai cho Nguỵ, lên tiếng rằng để đáp tạ Công Tôn Diễn đã phản đối đánh Hàn. Như
vậy, Nguỵ Huệ Vương nhất định sẽ trục xuất Trương Nghi, dùng lại Công Tôn Diễn;
hai nước Hàn Nguỵ sẽ có thể đối xử hoà mục với nhau. Quốc quân nước Hàn thực hiện
theo kế đó, liên lạc với các nước phía đông ủng hộ Công Tôn Diễn nhậm chức Tướng
quốc nước Nguỵ. Nguỵ Huệ Vương liền bãi miễn và đuổi Trương Nghi, giao Công Tôn
Diễn giữ chức Tướng quốc.
Năm sau, Công Tôn Diễn thuyết phục 5
nước: Nguỵ, Hàn, Triệu, Yên, Sở hợp tung đánh Tần, đồng thời tôn Sở Hoài Vương 楚怀王 làm Tung trưởng. Công Tôn
Diễn mang ấn tướng 5 nước. Nhưng kết quả chỉ có 3 nước là Nguỵ, Hàn, Triệu xuất
binh tấn công Hàm Cốc quan 函谷关
của Tần, nhưng thất lợi trở về. Công Tôn Diễn không chịu dừng, một năm sau lại
khiêu khích thủ lĩnh Hung Nô là Nghĩa Cừ 义渠,
thừa lúc Tần đang bận đối phó với 3 nước Nguỵ, Hàn, Triệu, đã khởi binh tập
kích nước Tần, đánh bại quân Tần tại Lí Bạch 李帛.
Nhưng, 3 nước Nguỵ, Hàn, Triệu bị tướng Tần là Xư Lí Tật 樗里疾 đánh bại tại Tu Ngư 修鱼, khiến sách lược hợp tung của Công Tôn Diễn thất bại.
Từ đó, Công Tôn Diễn về lại nước Tần
khi Tần Huệ Vương đương nắm quyền, trước sau cùng với Trương Nghi, Cam Mậu loại
trừ nhau.
Công Tôn Diễn và Trương Nghi là 2 tung
hoành gia có ảnh hưởng nhất ở thời Chiến Quốc, một người tung, một người hoành,
thanh thế của họ đủ để khuynh động thiên hạ. Cho nên, sử gia nói 2 người này đều
có thể:
Nhất nộ nhi sử chư hầu khủng cụ, an tĩnh nhi sử thiên hạ chiến hoả tức
diệt.
一怒而使诸侯恐惧,
安静而使天下战火熄灭
(Khi đã
giận khiến chư hầu phải sợ, lúc yên tĩnh khiến ngọn lửa chiến tranh phải tắt)
Kết cục của Công Tôn Diễn không rõ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/9/2015
Nguyên tác Trung văn
CÔNG TÔN DIỄN
公孙衍
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật