Dịch thuật: Từ từ đơn âm đến từ phức âm (kì 1)

TỪ TỪ ĐƠN ÂM ĐẾN TỪ PHỨC ÂM
(kì 1)

          Do bởi xã hội không ngừng tiến bộ, sản sinh nhiều sự vật mới, và cũng do bởi nhận thức của con người đối với sự vật không ngừng sâu sắc hoá, cho nên từ mới không ngừng sản sinh. Do bởi số lượng âm tiết của Hán ngữ chỉ có hơn 1000, tất nhiên tạo nên tình huống một từ mà biểu thị nhiều nghĩa. Nhưng ý nghĩa mà từ biểu thị nếu quá nhiều, sẽ khó tránh khỏi gây nên việc không chuẩn xác khi biểu nghĩa, khó nhận biết, thậm chí có khi dẫn đến sự hiểu nhầm. Làm thế nào đây? Có một biện pháp, đó là phát triển từ phức âm. 1000 âm tiết chỉ có thể ghi 1000 từ đơn âm, nhưng 1000 âm tiết tổ thành song âm tiết có thể có đến 1000000 từ. Nói như thế, số lượng từ phức âm so với từ đơn âm nhiều hơn rất nhiều. Từ đơn âm trong Hán ngữ cổ phát triển hướng đến từ phức âm như thế nào? Có 6 con đường:
1- Từ do đoản ngữ biến thành:
          Một từ đa nghĩa và một từ khác (bất luận là từ đa nghĩa hay không) khi kết hợp thành một đoản ngữ, nét nghĩa của chúng là cố định, và cũng thường đơn nhất, không dẫn đến nghĩa khác. Nếu ý nghĩa biểu thị của chúng chỉ là do ý nghĩa của 2 từ giản đơn cộng lại, thì chúng là đoản ngữ; nếu ý nghĩa của chúng có sự phát triển, cho dù là rất nhỏ, chúng sẽ biến thành từ phức âm, nhân vì ý nghĩa mà chúng nói đến là một từ mới. Ví dụ:
          Chữ (thương) có các nghĩa là nơi cất giữ ngũ cốc, phần bên trong của thuyền (sau viết là ), sắc xanh (sau viết là ), một họ (xem Từ nguyên 辞源), nhưng 仓库 (thương khố) là nơi cất giữ lương thực và binh khí chiến xa, lúc đó nó là đoản ngữ; về sau phàm là nơi cất giữ đồ vật, cũng gọi là “thương khố”, lúc này nó là từ phức âm. Những từ khác như 仓人 (thương nhân) là tên một chức quan (vị quan quản lí lương thực), 仓府 (thương phủ) là nơi cất giữ tiền và lương thực, 仓囷 (thương khuân) là nơi cất giữ lương thực, 仓廪 (thương lẫm) là nơi cất giữ mễ cốc, chúng đều là từ phức âm, nhân vì ý nghĩa mà chúng biểu thị đếu không phải là “thương” và “nhân”, “thương” và “phủ”, “thương” và “khuân”, “thương” và “lẫm”
          Chữ (hưởng) nghĩa gốc là tiếng vọng lại, chữ (ứng) nghĩa gốc là đáp lại, ứng theo, dẫn đến nghĩa hồi ứng. Trong Quá Tần luận 过秦论 có câu:
          Trảm mộc vi binh, yết can vi kì, thiên hạ vân tập nhi hưởng ứng, doanh lương nhi cảnh tùng.
          斩木为兵, 揭竿为旗, 天下云集而响应, 赢粮而景从.
          (Chặt cây làm binh khí, dựng sào làm cờ, thiên hạ tấp nập hưởng ứng, gánh lương thực hăm hở đi theo)
          Trong đó “hưởng ứng” là đoản ngữ do từ đơn âm cấu thành, ý nghĩa là giống như tiếng vọng đáp lại, “hưởng” là danh từ dùng như phó từ, biểu thị tỉ dụ. Nhân vì tiếng vọng là thanh âm của một vật phát ra bị một vật thể khác khúc xạ, chiết xạ mà thành, cho nên về sau người ta dùng chúng để biểu thị sự hồi đáp của  một sự vật đối với một sự vật khác (như “hưởng ứng lời hiệu triệu của chính phủ). Lúc này nghĩa mà nó biểu thị là một nghĩa mới, đoản ngữ đã biến thành từ phức âm.
2- Từ đồng nghĩa dùng liền nhau
          Nếu 2 từ đa nghĩa có 2 nét nghĩa là tương đồng hoặc tương cận, đem chúng dùng liền nhau, thì có thể biểu thị ý nghĩa tương đồng, loại bỏ những nét nghĩa khác của chúng. Như vậy có thể đề cao tính minh xác của ngôn ngữ, giảm bớt những nghĩa khác. Ví dụ:
Chữ (nhân) có 5 nét nghĩa: “nhân loại” 人类, “biệt nhân” 别人, “chúng nhân” 众人, “kiệt xuất đích nhân tài” 杰出的人才, “nhân phẩm” 人品.
Chữ (dân) có các nghĩa như “nhân” , “chúng thứ” 众庶 (đối lại với quân thần), “nhân loại” 人类 (đối lại với thần).
Nhưng 人民 (nhân dân) chỉ có 2 nét nghĩa:
- Một là “nhân loại”, như trong Quản Tử - Thất pháp 管子 - 七法 có câu:
Nhân dân điểu thú thảo mộc chi sinh vật
人民鸟兽草木之生物
(Sinh vật như nhân dân, điểu thú, thảo mộc)
          - Hai là “bình dân bách tính” 平民百姓, như trong Chu lễ - Địa quan – Đại tư đồ 周礼 - 地官 - 大司徒 có câu:
Chưởng kiến bang chi thổ địa chi đồ, dữ kì nhân dân chi số
掌建邦之土地之图, 与其人民之数
( (Chức trách của Đại tư đồ là) quản lí bản đồ đất đai của các nước trong thiên hạ, và ghi chép số dân)
Chữ (vũ) có nghĩa nét nghĩa khinh mạn, coi thường, là phương ngôn đời Hán miệt thị nô lệ.
Chữ (nhục) có các nét nghĩa như sỉ nhục, hối nhục, mai một, phụ rẫy …
Nhưng “vũ nhục” 侮辱 chỉ có nét nghĩa là khinh miệt, làm nhục. Trong Tuân Tử - Nhạc luận 荀子 - 乐论 có câu:
Cố lễ nhạc phế, nhi tà âm khởi giả, nguy tước vũ nhục chi bản dã.
故礼乐废而邪音起者, 危削侮辱之本
(Cho nên lễ nhạc bị phế bỏ thì tà âm trổi dậy, là cái gốc của sự suy nguy và bị khinh miệt)
Chữ (tân) có các nét nghĩa như: vị cay, bi thương, lao khổ, họ người.
Chữ (khổ) có các nét nghĩa như: vị đắng, lao khổ, thống khổ, cần lao, kiệt lực, gấp …
Nhưng “tân khổ” 辛苦 chỉ có 1 nét nghĩa là gian lao mà thôi. (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 24/8/2015

Nguồn
CỔ HÁN NGỮ TỐC THÀNH ĐỘC BẢN
古汉语速成读本
Biên soạn: Lưu Khánh Nga 刘庆俄
Trung Hoa thư cục, 2005
Previous Post Next Post