Dịch thuật: Tiết Thất tịch

TIẾT THẤT TỊCH

          Ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch là “tiết Thất tịch” (Thất tịch tiết 七夕节), còn gọi là “Nữ nhi tiết” 女儿节. Truyền thuyết kể rằng, ngày này sao Ngưu Lang 牛郎 và sao Chức Nữ 织女 sẽ gặp nhau trên Thước kiều 鹊桥. Đêm thất tịch ngồi ngắm sao Ngưu Lang sao Chức Nữ là một tập tục dân gian.
          Thần thoại về Ngưu Lang Chức Nữ có từ rất lâu. Trong Thi kinh – Đại đông 诗经 - 大东 có đoạn:
Kì bỉ Chức nữ
Chung nhật thất tương
Tuy tắc thất tương
Bất thành báo chương
Quan bỉ Khiên ngưu
Bất dĩ phục sương
跂彼织女
终日七襄
虽则七襄
不成报章
睆彼牵牛
不以服箱
Chòm sao Chức nữ ba góc
Suốt ngày trải qua bảy giờ
Sao Chức nữ tuy trải qua 7 giờ của ban ngày
Cũng không dệt thành bức gấm nào
Còn sao Khiên ngưu lấp lánh kia
Cũng không dắt đến cho ta con trâu nào để thắng vào xe.
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh thi, tập 2, trang 1116 – 1118)

          Đoạn thơ đã tưởng tượng hai sao Ngưu Lang và Chức Nữ là hai con người. trong Cổ thi thập cửu thủ 古诗十九首 viết rằng:  
Điều điều Khiên Ngưu tinh
Kiểu kiểu Hà Hán nữ
Tiêm tiêm trạc tố thủ
Trát trát lộng cơ trữ
Chung nhật bất thành chương
Thế khấp linh như vũ
Hà Hán thanh thả thiển
Tương khứ phức kỉ hử?
Doanh doanh nhất thuỷ gián
Mạch mạch bất đắc ngữ.
迢迢牵牛星
皎皎河汉女
纤纤擢素手
札札弄机杼
终日不成章
涕泣零如雨
河汉清且浅
相去复几许
盈盈一水间
脉脉不得语
Sao Khiên Ngưu xa xa
Sao Chức Nữ lấp lánh
Cử động đôi tay thon trắng
Miễn cưỡng đưa thoi dệt vải
Cả ngày mà dệt chẳng xong
Nước mắt rơi như mưa xuống
Sông Ngân trong và cạn
Cách nhau bao xa?
Chỉ cách một dòng sông
Ngóng trông nhau không nói cùng nhau được.
          Điều này nói rõ, vào thời Đông Hán câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ đã hình thành. Hơn nữa, vào thời Tây Hán đã có thuyết Chức Nữ qua sông. Trong Bạch thiếp 白帖 quyển 9 dẫn dật văn trong Hoài Nam Tử 淮南子 :
Ô thước điền hà thành kiều, độ Chức Nữ
乌鹊填河成桥, 渡织女
(Ô thước nối nhau bắt cầu trên sông để Chức Nữ qua)
          Hàn Ngạc 韩鄂 đời Đường trong Tuế hoa kỉ lệ 岁华纪丽 quyển 3 dẫn dật văn trong Phong tục thông nghĩa 风俗通义 :
Chức Nữ thất tịch đương độ hà, sử thước vi kiều
织女七夕当渡河, 使鹊为桥
(Chức Nữ ngày thất tịch qua sông, sai ô thước bắt cầu)
          Đến thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, thuyết Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau vào ngày mồng 7 tháng 7 đã lưu truyền rộng rãi. Ngô Quân 吾均 triều Lương thời Nam triều trong Tục Tề hài kí 续齐谐记 có viết:
Thành Vũ Đinh ở Quế Dương có đạo tiên, thường ở chốn nhân gian. Một ngày nọ nói với người em rằng: ‘Ngày mồng 7 tháng 7, Chức Nữ qua sông, chư tiên hết thảy trở về cung. Ta cũng bị triệu về, không thể không đi, nay từ biệt cùng em!’ Người em hỏi: ‘Chức Nữ vì việc gì mà qua sông? Anh đi khi nào quay về?’ Vũ Đinh đáp rằng: ‘Chức Nữ tạm đến chỗ Khiên Ngưu. Ta sau 3 năm sẽ về.’ Ngày hôm sau không thấy Vũ Đinh. Đến nay người ta vẫn nói Chức Nữ được gã cho Ngưu Lang.
Ân Vân 殷芸 triều Lương trong Tiểu thuyết 小说 có viết:
Bên bờ đông thiên hà có Chức Nữ, con của Thiên Đế. Hàng năm dệt vải lao nhọc, dệt thành áo trời  đẹp như gấm mây, hình dung nàng thì tiều tuỵ. Thiên Đế thương nàng ở một mình mới gã cho Ngưu Lang ở bên bờ tây. Sau khi cưới, nàng bỏ bê việc dệt, Thiên Đế giận, trách phạt lệnh cho nàng trở về bên bờ đông, chỉ cho phép mỗi năm hai vợ chồng gặp nhau một lần.
Thuyết này cùng với câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở đời sau đại để tương đồng.
Câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau vào tiết Thất tịch sau khi lưu truyền trong dân gian, ngày mồng 7 tháng 7 trở thành ngày lễ tiết chủ yếu thuộc về phụ nữ. Trong Tây kinh tạp kí 西京杂记 có chép:
            Hán thái nữ thường dĩ thất nguyệt thất nhật xuyên thất khổng châm ư Khai Khâm lâu, câu dĩ tập chi.
          漢彩女常以七月七日穿七孔針於開襟樓, 俱以習之 .
                (Các cung nữ đời Hán thường mỗi năm vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch xỏ kim Thất khổng nơi lầu Khai Khâm. Đối với việc này, mọi người đều bắt chước theo.)
          Có thể thấy đời Hán đã có tập tục “khất xảo” 乞巧 (xin khéo tay). Tiết Thất tịch còn bày hoa quả để tế Chức Nữ. Theo Tục Hán thư 续汉书:
Khiên Ngưu chủ quan lương, Chức Nữ chủ qua quả
牵牛主关梁, 织女主瓜果
(Khiên Ngưu chủ về quan khẩu và cầu đường, Chức Nữ chủ về dưa trái)
          Rõ ràng mục đích là để cầu mong Chức Nữ bảo hộ cho dưa trái được mùa. Ngô Tự Mục 吾自牧 trong Mộng lương lục 梦梁录 có nói về tập tục vào ngày Thất tịch thời Đường Tống:
          Ngày mồng 7 tháng 7, gọi là Thất tịch tiết. Quá trưa hôm đó, các cô gái bất luận giàu nghèo đều mặc áo mới. Những nhà giàu có, nơi lầu cao gác lớn bày tiệc để thưởng thức. Giữa sân đặt hương án cùng rượu và hoa quả, bảo các cô gái ngắm trăng chiêm bái, xin được khéo tay. Có người bắt con nhện nhỏ, đựng vào trong hộp vàng hoặc bạc, sáng sớm hôm sau xem mạng nhện, nếu có được nhiều là được khéo tay.
          Tiết Thất tịch còn có liên quan đến văn hoá truyền thống của Đạo giáo.
Phan Vinh Bệ 潘荣陛 đời Thanh trong Đế kinh tuế thời kỉ thắng 帝京岁时纪胜 có nói:
          Tháng 7 từ ngày mồng 1 đến mồng 7, các Đạo viện lập đàn tế sao, gọi là “Thất tinh đẩu đàn” 七星斗坛, tế Bắc Đẩu thất tinh.
          Có thể thấy, nhìn từ văn hoá Đạo giáo, tiết Thất tịch là lễ tiết tế sao, không liên quan gì đến chuyện tình nữ nhi lưu truyền trong dân gian.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 20/8/2015
                                                                      Tiết Thất tịch năm Ất Mùi

Nguyên tác Trung văn
THẤT TỊCH TIẾT
七夕节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post