Dịch thuật: Diễn biến nghĩa cổ và nghĩa hiện nay của từ (kì cuối)

DIỄN BIẾN  NGHĨA CỔ VÀ NGHĨA HIỆN NAY CỦA TỪ
(kì cuối)

4- THAY ĐỔI SẮC THÁI CỦA TỪ
          Đối tượng chỉ xưng của từ có sự thay đổi, mọi người đối với nó có thể có sự yêu ghét khác nhau, hoặc đối tượng chỉ xưng của từ tuy không có sự thay đổi nhưng thái độ yêu ghét của mọi người đối với nó có sự thay đổi, sắc thái tình cảm của từ đương nhiên theo đó mà thay đổi. Ví dụ:
          “trảo nha” 爪牙, ban đầu là đoản ngữ do 2 từ đơn âm “trảo” và “nha” cấu thành, ý nghĩa là móng vuốt và răng. Trong thiên Khuyến học 劝学 có câu:
Dần vô trảo nha chi lợi, cân cốt chi cường
螾无爪牙之利, 筋骨之强
(Con dần không có cái bén của răng vuốt, cái mạnh của gân cốt)
          Lúc này chúng là trung tính. Khi làm từ phức âm, ý nghĩa biểu thị ban đầu của chúng là võ sĩ, nhân vì võ sĩ giống như răng và vuốt bảo vệ bản thân, công kích đối phương. Trong Câu Tiễn diệt Ngô 勾践灭吴 có ghi:
          Phù tuy vô tứ phương chi ưu, nhiên mưu thần dữ trảo nha chi sĩ, bất khả bất dưỡng nhi trạch dã.
          夫虽无四方之忧, 然谋臣与爪牙之士, 不可不养而择也.
          (Phàm tuy không có cái lo bốn phương, nhưng mưu thần và kẻ sĩ trảo nha không thể không nuôi dưỡng để chọn.)
          Rõ ràng, lúc bấy giờ nó có sắc thái khen. Về sau mọi người thường dùng nó để chỉ đảng nhóm, biến thành từ trung tính. Sau nữa mọi người dùng nó chỉ bọn ác ôn hung hãn hại người, đối với loại người này mọi người vô cùng căm ghét, cho nên nó mang sắc thái chê bai. Trong Nam sử - Nhan Diên Chi truyện 南史 - 颜延之传 có câu:
          Sư Bá chuyên đoán triều sự, bất dữ Thẩm Khánh Chi tham hoài, vị Lệnh sử viết: ‘Thẩm công trảo nha giả nhĩ, an đắc dự chính sự?’
师伯专断朝事, 不与沈庆之参怀, 谓令史曰: ‘沈公爪牙者耳, 安得豫政事?’
          (Sư Bá chuyên đoán việc triều chính, không cùng với Thẩm Khánh Chi thương nghị, nói với Lệnh sử rằng: ‘Ông Thẩm là trảo nha, làm sao có thể tham dự chính sự?)
          Sắc thái chê bai “trảo nha” còn bảo lưu đến hiện nay.

          “phục tích” 复辟 vốn chỉ đế vương đã mất ngôi khôi phục được vương vị, nắm lại chính quyền, sự kiện này trong xã hội phong kiến nhìn chung được cho rằng là việc tốt, cho nên có sắc thái khen. Trong Minh sử - Anh Tông hậu kỉ 明史 - 英宗后纪 ghi rằng:
          Nãi phục tích nhi hậu, do truy niệm bất dĩ, ức hà kì hoặc nịch chi thâm dã
          乃复辟而后, 犹追念不已, 抑何其惑溺之深也.
          (Sau khi lấy lại được ngôi vị, hãy còn hoài niệm thái giám Vương Chấn, sao mà chấp mê sâu nặng đến thế)
          Sau khi xã hội phong kiến bị lật đổ, mọi người thường dùng từ này để biểu thị kẻ thống trị bị lật đổ đã nắm quyền trở lại hoặc chế độ cũng sống lại. Do bởi mọi người phản đối sự kiện này, cho nên “phục tích” càng có sắc thái chê bai nặng nề.

          “xú” , vốn chỉ mùi mà mũi ngửi được, dẫn đến gọi chung các mùi. Trong Thi kinh – Đại nhã – Văn Vương 诗经 - 大雅 - 文王 có câu:
Thượng thiên chi tái
Vô thanh vô xú
上天之载
无声无臭
Mà việc của trời
Thì không có tiếng, không có mùi
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh thi, tập 3, trang 1341)
          Chữ “xú” ở đây là từ trung tính. Mùi có thơm có thối, “xú” đương nhiên có thể chỉ mùi thơm, mà cũng có thể chỉ mùi thối. Trong Mạnh Tử - Tận tâm hạ 孟子 - 尽心下 có ghi:
          Khẩu chi vu vị dã, mục chi vu sắc dã, nhĩ chi vu thanh, tị chi vu xú dã, tứ chi chi vu an dật dã, tính dã, hữu mệnh yên, quân tử bất vị tính dã. (1)
          口之于味也, 目之于色也, 耳之于声,鼻之于臭也, 四肢之于安佚也, 性也, 有命焉, 君子不谓性也. (1)
          (Miệng đối với vị, mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với mùi, tay chân đối với sự thong thả, ấy là bản tính tự nhiên, nhưng có số mệnh trong đó nên người quân tử không cho là bản tính.)
          Triệu Kì 赵歧 chú rằng:
Tị chi hỉ phân phương. Xú, hương dã.
鼻之喜芬芳. , 香也
(Mũi thích ngửi mùi thơm. Xú là thơm)
(“xú” ở đây chỉ mùi thơm).
          Trong Tuân Tử - Chính danh 荀子 - 正名 có câu:
Hương xú dĩ tị dị
香臭以鼻异
(Mùi thơm và mùi thối dùng mũi để phân biệt)
(chữ “xú” ở đây chỉ mùi thối).
          Lúc này “xú” là từ trung tính. Về sau người ta dùng nó để chuyên chỉ mùi khó ngửi, biến thành từ mang nghĩa chê bai. Phạm Như Khuê 范如圭 đời Tống trong Di Tần Cối thư 遗秦桧书 có viết:
          Công bất táng tâm bệnh cuồng, nại hà vi thử? Tất di xú vạn niên hĩ.
          公不丧心病狂, 奈何为此? 必遗臭万年矣.
          (Ông nếu không mất hết lí trí, hôn loạn điên cuồng, thì làm sao có thể gây ra những việc sỉ nhục như vậy. Nếu quả đúng là như vậy, ông tất để lại tiếng xấu muôn đời)

          “báng” , vốn chỉ việc công khai chỉ trích lỗi lầm của người khác, là từ trung tính. Trong Quốc ngữ - Chu ngữ 国语 - 周语 có câu:
Lệ vương ngược, quốc nhân báng vương
厉王虐, 国人谤王
(Lệ vương bạo ngược, người trong nước chỉ trích vương)
          Về sau người ta đa phần dùng nó để biểu thị ý nghĩa trong không sinh có, ác ý công kích, biến thành phỉ báng, mang sắc thái chê trách. Trong Sử kí – Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện 史记 - 屈原贾生列传 có câu:
Tín nhi kiến nghi, trung nhi bị báng, năng vô oán hồ?
信而见疑, 忠而被谤, 能无怨乎?
(Thành thực mà bị nghi ngờ, trung trinh mà bị phỉ báng, có thể không oán hận sao?)

          “chính nhân quân tử” 正人君子, vốn chỉ hạng người có tác phong chính phái, phẩm hạnh đoan chính, là từ mang nghĩa khen. Trong cuộc đấu tranh phản phong kiến, mọi người thường dùng cụm từ này để phúng thích nguỵ quân tử ra vẻ đạo mạo nghiêm trang, cho nên biến thành từ mang nghĩa chê bai. Lỗ Tấn 鲁迅 trong Tập ngoại tập thập di – Thượng Hải sở cảm 集外集拾遗 - 上海所感 có viết:
Giá chủng tình hình, ngận sử chính nhân quân tử môn phẫn khái, tựu cấp liễu tha môn nhất cá huy hiệu, khiếu tác ‘ngu dân’.
这种情形, 很使正人君子们愤慨, 就给了他们一个徽号, 叫作愚民’.
(Trong tình hình đó, khiến cho các chính nhân quân tử phẫn khái, bèn cho họ một huy hiệu, gọi là ‘ngu dân’.)  (hết)

Chú của người dịch
1- Câu này, trong nguyên tác thiếu đoạn “nhĩ chi vu thanh” 耳之于声.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 17/8/2014

Nguồn
CỔ HÁN NGỮ TỐC THÀNH ĐỘC BẢN
古汉语速成读本
Biên soạn: Lưu Khánh Nga 刘庆俄
Trung Hoa thư cục, 2005
Previous Post Next Post