DIỄN BIẾN NGHĨA CỔ VÀ NGHĨA HIỆN NAY CỦA TỪ
(kì 3)
Đối tượng
chỉ xưng của từ từ sự vật A chuyển đến sự vật B, nghĩa của từ (có lúc là từ
tính) có sự biến đổi. Nhưng giữa 2 sự vật A và B này thường có mối tương quan.
Nói đến A người ta dễ dàng liên tưởng đến B, cho nên nghĩa mới của từ không khó
để lí giải. Ví dụ:
“thư” 书 nghĩa gốc vốn là động từ viết. Trong Thuyết văn giải tự 说文解字 có ghi:
Thư: trứ dã, tùng duật, giả thanh
书: 箸也, 从聿, 者声
(Thư có nghĩa là viết, có chữ “duật”, thanh phù là “giả”)
Trong Thích danh – Thích thư khế 释名 - 释书契 có ghi:
Thư: diệc ngôn trứ dã, trứ chi giản chỉ
vĩnh bất diệt dã
书: 亦言箸也, 著之简纸永不灭也
(Thư cũng gọi là “trứ”, viết lên thẻ tre và giấy mãi
không hư)
Trong Lễ kí – Ngọc tảo 礼记 - 玉藻:
Động tắc Tả sử thư chi, ngôn tắc Hữu sử
thư chi
动则左史书之, 言则右史书之
(Khi vua hành động thì quan Tả sử ghi chép, nói thì
quan Hữu sử ghi chép)
Chữ viết
ra cũng gọi là “thư”, cho nên “thư” cũng có thể là chữ biểu thị (danh từ).
Trong Sử kí – Tôn Tử Ngô Khởi liệt truyện
史记 - 孙子吴起列传 có câu:
Độc kì thư vị tất, Tề quân vạn cung câu
phát, Nguỵ quân đại loạn tương thất
读其书未毕, 齐军万弓俱发, 魏军大乱相失
(Đọc
chưa hết mấy dòng chữ, hàng vạn cung tên của quân Tề bắn ra, quân Nguỵ đại loạn)
(“độc
kì thư vị tất”, tức đọc chưa hết những dòng chữ mà Tôn Tẫn viết lên trên thân
cây).
Do bởi từng chữ từng chữ tổ
thành tin, cho nên “thư” còn có thể biểu thị văn kiện, thư tín (danh từ). Trong
Sử kí – Hiếu Vũ bản kỉ 史记 - 孝武本纪 có ghi:
Kì xuân, Lạc Thành Hầu thướng thư ngôn
Loan Đại
其春, 乐成侯上书言栾大
(Mùa xuân năm đó, Lạc Thành Hầu dâng thư nói với Loan
Đại)
Cũng do
bởi từng chữ từng chữ tổ thành thư tịch, cho nên “thư” còn biểu thị thư tịch,
sách vở (danh từ). Trong Mạnh Tử - Tận
tâm hạ 孟子 - 尽心下:
Tận tín thư, tắc bất như vô thư
尽信书, 则不如无书
(Tin hết thảy vào sách vở, chi bằng không có sách vở)
Chữ
“thư” từ biểu thị ý nghĩa viết đến biểu thị văn tự, từ biểu thị văn tự đến biểu
thị thư tín, thư tịch, đều là dời chuyển nghĩa của từ. Nghĩa thường dùng hiện
nay là thư tịch sách vở.
“ngữ” 语, nghĩa gốc là nói (động từ). Trong Luận ngữ - Hương đảng 论语 - 乡党 có câu:
Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn
食不语, 寝不言
(Khi ăn cơm không đàm luận, khi ngủ không nói chuyện)
(Theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, trang 174)
Lời nói
đa phần là đem cách nghĩ của mình nói cho đối phương, cho nên “ngữ” lại có thể
biểu thị ý nghĩa nói cho biết (động từ). Trong Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yển 郑伯克段于鄢 :
Công ngữ chi cố, thả cáo chi hối
公语之故, 且告之悔
(Nhà vua nói ra nguyên nhân, đồng thời nói cho biết lòng
hối hận của mình)
Nói ra
là “thoại” 话, cho nên “ngữ” lại có thể biểu thị lời nói, ngôn luận
(danh từ). Tiêu Trọng Khanh thê 焦仲卿妻 có nói:
Dĩ thử hạ tâm ý, thận vật vi ngô ngữ
以此下心意, 慎勿违吾语
(Lúc này nàng tạm chịu chút oan khuất, nhưng nhớ chớ
làm trái những lời ta nói)
“ngữ” từ
chỗ biểu thị ý nghĩa là nói đến nói cho biết, đến lời nói, đều là dời chuyển ý
nghĩa của từ. Nghĩa thường dùng hiện nay là lời nói.
“khuyến” 劝, nghĩa gốc là động viên, cổ vũ. Trong Thuyết văn giải tự 说文解字 viết rằng:
Khuyến, miễn dã
劝, 勉也
(Khuyến là cố gắng)
Trong Tề Tấn An chi chiến 齐晋鞌之战 có ghi:
Xá chi, dĩ khuyến sự quân giả
赦之, 以劝事君者
(Nên tha họ để họ gắng sức thờ vua)
Nếu đối
phương không bằng lòng tiếp nhận lời cổ vũ, người cổ vũ thường hướng đến họ nói
rõ lí lẽ, “khuyến” biến thành khuyến cáo, khuyên bảo, cho nên “khuyến” về sau
biểu thị ý nghĩa là khuyến cáo, khuyên bảo. Nghĩa thường dụng hiện nay là khuyến
cáo, khuyên bảo.
“hận” 恨, nghĩa gốc là ân hận. Trong Tuân Tử - Thành tướng 荀子 - 成相 có câu:
Bất tri giới, hậu tất hữu hận
不知戒, 后必有恨
(Nếu không biết cảnh giác, về sau tất có ân hận)
Chư Cát
Lượng 诸葛亮 trong Xuất xư
biểu 出师表 có viết:
Tiên đế tại thời, mỗi dữ thần luận thử sự, vị thường bất thán tức thống
hận vu Hoàn, Linh dã.
先帝在时, 每与臣论此事, 未尝不叹息痛恨于桓, 灵也.
(Khi tiên đế còn tại vị, mỗi
khi cùng với thần bàn luận về việc này, không lần nào là không than thở ân hận
cho Hoàn Đế và Linh Đế)
Người ta khi ân hận thường oán
hận người đã gây ra nỗi ân hận cho mình, cho nên về sau người ta thường dùng “hận”
để biểu thị sự oán hận. Nghĩa thường dùng hiện nay của “hận” là oán hận.
Không khó để thấy rằng, sự dời
chuyển nghĩa của từ là có điều kiện, tức hai sự vật A và B phải có mối quan hệ
nội tại, chính do bởi chúng có mối quan hệ nội tại, cho nên không khó để lí giải.
Nếu đối với mối quan hệ này chúng ta không hiểu, sẽ cảm thấy sự dời chuyển
nghĩa của của từ rất là đột ngột. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/8/2015
Nguồn
CỔ HÁN NGỮ TỐC THÀNH ĐỘC BẢN
古汉语速成读本
Biên soạn: Lưu Khánh Nga 刘庆俄
Trung Hoa thư cục, 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật