Dịch thuật: Chiến Quốc thất hùng

CHIẾN QUỐC THẤT HÙNG

          Hình thế thời Chiến Quốc là: Sở phía nam, Triệu phía bắc, Yên tại đông bắc, Tề phía đông, Tần phía tây, Hàn và Nguỵ ở giữa. Trong 7 nước lớn này, có 3 nước Tần, Nguỵ, Tề men theo lưu vực Hoàng hà từ tây sang đông, thời kì trước đã có lực lượng cục thế.
          Bắt đầu từ Nguỵ Văn Hầu 魏文侯 đến giữa thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, là thời kì nước Nguỵ độc bá trung nguyên. Sự cường thịnh của Nguỵ đã khiến Hàn, Triệu, Tần lo lắng, giữa các nước không ngừng xung đột lẫn nhau.
Năm 354 trước công nguyên, Triệu đánh Vệ. Nguỵ xem Vệ như thuộc quốc của mình, vì thế đã xuất binh đánh vào kinh đô Hàm Đan 邯郸 của Triệu. Triệu hướng đến Tề cầu viện, Tề phái Điền Kị 田忌 cứu Triệu, dùng kế của Tôn Tẫn 孙膑, tập kích kinh đô Đại Lương 大梁 của Nguỵ. Lúc bấy giờ, tuy quân Nguỵ đã công hạ được Hàm Đan, không thể không rút quân về để cứu nước mình, nhưng đã bị quân Tề đánh bại tại Quế Lăng 桂陵. Năm sau, Nguỵ và Hàn liên hợp nhau đánh bại quân Tề.
Năm 342 trước công nguyên, Nguỵ đánh Hàn, Hàn hướng đến Tề cầu viện, Tề vẫn phái Điền Kị làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, lập kế dẫn dụ quân Nguỵ vào vòng mai phục ở Mã Lăng 马陵, quân Tề đồng loạt buông tên, đại tướng nước Nguỵ là Bàng Quyên 庞涓 tự sát, Nguỵ thái tử Thân bị bắt. Đây chính là trận chiến Mã Lăng nổi tiếng. Từ đó tạo thành thế quân bình giữa Tề và Nguỵ ở phía đông.
Nước Tần từ sau biến pháp của Thương Ưởng 商鞅, đã trở thành một nước có thực lực mạnh nhất trong 7 nước, vì thế đã mở rộng thế lực về phía đông. Trước tiên đánh bại tam Tấn, chiếm toàn bộ phần đất Hà Tây của Sở, sau lại mở rộng cương thổ về phía tây, phía nam, phía bắc, đến cuối thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, cương thổ của Tần đã lớn gần bằng nước Sở.
Lúc Tần cùng tam Tấn tranh đấu, Tề tại phía đông phát triển thế lực. Năm 315 trước công nguyên, Tề lợi dụng Yên Vương “thiện nhượng” cho cho Tướng quốc Tử Chi 子之 dẫn đến nội loạn, đã công hạ nước Yên. Sau nhân vì người Yên phản đối quyết liệt, quân Tề mới triệt xuất khỏi nước Yên. Lúc bấy giờ nước mà có thể cùng với Tần đối kháng chỉ có nước Tề, tiêu điểm đấu tranh tập trung ở chỗ tranh thủ nước Sở. Sự cải cách của nước Sở không triệt để, quốc lực không mạnh, nhưng diện tích rộng lớn, nhân khẩu đông đúc. Sở liên kết với Tề kháng Tần, khiến sự phát triển của Tần bị ảnh hưởng. Thế là Tần phái Trương Nghi 张仪 đến Sở, khuyên Sở tuyệt Tề mà theo Tần, hứa tặng 600 dặm vùng Thương Vu 商于. Sở Hoài Vương tham lợi, phá bỏ liên kết với Tề. Khi nước Sở phái người đến nơi yếu địa, nước Tần cự tuyệt không giao đất. Sở Hoài Vương hưng binh đánh Tần nhưng đại bại. Nước Sở thế cô lực yếu, Tần liền hướng về đông tiến vào trung nguyên. Trước tiên đánh Hàn, Nguỵ, sau đánh Tề. Năm 286 trước công nguyên, Tề diệt Tống, khiến các nước cảm thấy bất an. Tần bèn hẹn cùng Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên đánh Tề, quân Tề đại bại. Yên lấy Nhạc Nghị 乐毅 làm tướng, nhân thế công hạ kinh đô Lâm Tri 临淄 của Tề, chiếm hơn 70 thành. Tề Vương chạy ra nước ngoài bị quân Sở giết chết. Địa vị hùng mạnh của Tề từ đó đã mất. Tần bắt đầu phát triển về phía đông.
          Năm 246 trước công nguyên, Tần Vương Chính (tức Tần Thuỷ Hoàng sau này) lên ngôi. Tần Vương nhậm dụng Uất Liêu 尉缭, Lí tư 李斯, tăng cường bước đi thống đi, dùng vàng bạc mua chuộc quyền thần 6 nước, gây loạn bộ thự 6 nước, nhiều năm phát binh đông chinh. Trải qua nhiều năm chiến tranh, từ năm 230 trước công nguyên Tần diệt Hàn đến năm 221 trước công nguyên diệt Tề, 6 nước phía đông lần lượt bị Tần thống nhất. Từ đó, Trung Quốc kiến lập thành một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, theo chủ nghĩa chuyên chế trung ương tập quyền.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 08/8/2015

Nguyên tác
CHIẾN QUỐC THẤT HÙNG
战国七雄
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post