Á THÁNH MẠNH TỬ
Năm 390 trước công nguyên, Nho gia Á
thánh Mạnh Tử 孟子 ra đời tại
đất Trâu 邹 nước Lỗ. Mạnh Tử từ nhỏ đã mất
cha, mẹ một thân nuôi ông thành người. Lúc nhỏ Mạnh Tử ham chơi, thấy thứ gì
thì bắt chước theo thứ nấy. Để Mạnh Tử theo điều thiện, Mạnh mẫu từng 3 lần dời
nhà, lần đầu nhà hàng xóm bên cạnh là một người đồ tể, Mạnh Tử hàng ngày bắt
chước giết heo. Mạnh mẫu dời nhà lại gặp nhà người thợ rèn, Mạnh Tử bắt chước
người thợ rèn, gõ đông gõ tây. Mạnh mẫu lại một lần nữa dời nhà, cuối cùng dời
đến bên cạnh một trường học. Mạnh Tử thấy những người đi học ngôn hành ưu nhã
liền theo họ học thi thư lễ nghĩa. Mạnh mẫu yên tâm liền định cư nơi đó.
Mạnh Tử lúc thiếu niên rất chăm chỉ đọc
sách, theo học với Tử Tư 子思, cháu của
Khổng Tử 孔子, kế thừa toàn diện học thuyết
của Khổng Tử. Mạnh Tử ngưỡng mộ con người và học vấn của Khổng Tử, chú trọng đối
với việc chu du các nước của Khổng Tử.
Sau khi học thành tài, Mạnh Tử bắt đầu
chu du các nước, du thuyết chư hầu. Trước sau ông đi qua các nước Tề, Nguỵ, Tống,
Đằng, bôn ba 35 năm, nhưng chủ trương “nhân chính” 仁政 của ông trước sau vẫn chưa được thực hiện. Lúc bấy
giờ là thời Chiến quốc, các nước chư hầu không ngừng chinh phạt lẫn nhau. Nhìn
thấy chiến tranh mang đến nỗi thống khổ cho dân, Mạnh Tử vô cùng đồng tình với
vận mệnh bi thảm của họ. Ông đề xuất lí luận “vương đạo” 王道, khuyên răn kẻ thống trị phải thi hành “nhân
chính” đối với bách tính. Đầu tiên Mạnh Tử đến nước Tề, hướng đến Tề Uy Vương
bàn về tư tưởng “nhân chính”. Tề Uy Vương cho rằng lí luận của Mạnh Tử không
sát thực tế, nên chưa trọng dụng ông. Sau khi rời nước Tề, Mạnh Tử đến nước Tống,
kết quả cũng giống như nước Tề, ông đành tạm thời về lại nước Trâu.
Năm 322 trước công nguyên, Lỗ Bình
Công lên ngôi, học trò của Mạnh Tử được
trọng dụng. Mạnh Tử nghe tin liền đến nước Lỗ, hi vọng sẽ thực hiện lí tưởng của
mình tại nước Lỗ. Nhưng do bởi có người nói gièm Mạnh Tử với Lỗ Bình Công, ngay
cả Lỗ Bình Công cũng không gặp được, hoài bão chính trị không có cách gì thi
triển, Mạnh Tử đành một lần nữa trở về lại nước Trâu.
Khoảng năm 320 trước công nguyên, nước
Lương vừa mới bị 3 nước Tề, Tần, Sở đánh, quân chết đất mất, tình thế rất hiểm
nguy. Lương Huệ Vương muốn tìm nhân tài để giải nguy cứu khốn, giúp mình trị lí
đất nước. Mạnh Tử nghe nói liền dẫn mấy trăm người, mấy chục chiếc xe đến nước
Lương. Lương Huệ Vương vừa thấy Mạnh Tử liền nói:
Cụ
từ xa ngàn dặm đến đây, có điều gì làm lợi cho nước ta chăng?
Mạnh Tử đáp rằng:
Cần
gì phải nói đến lợi, chỉ có nhân nghĩa mà thôi.
Mạnh Tử luôn hướng đến Lương Huệ Vương
nói rõ những đạo lí như: “nghĩa trước lợi sau”, “vui cùng với dân”, “không đoạt
lấy thời gian làm nông của dân”, “cẩn thận chăm lo việc giáo dục nơi trường học”,
“là cha mẹ của dân”, “thực thi nhân chính, giảm hình phạt, nhẹ thuế khoá, cày
sâu cuốc bẫm”. Lương Huệ Vương vô cùng tín phục, chuẩn bị áp dụng phương lược của
Mạnh Tử. Đáng tiếc là sau đó chẳng bao lâu Lương Huệ Vương qua đời. Con của Huệ
Vương là Tương Vương lên ngôi. Tương Vương không coi trọng học thuyết của Mạnh
Tử, càng không coi trọng Mạnh Tử. Mạnh Tử cho rằng là một vị quân chủ tầm thường,
nên thất vọng rời khỏi nước Lương.
Sau khi Tề Tuyên Vương lên ngôi đã thiết
lập học cung Tắc Hạ 稷下 tại quốc
đô Lâm Tri 临淄, mời kẻ sĩ
có học thức cao từ bốn phương đến giảng học. Mạnh Tử được tin liền dẫn một nhóm
đệ tử đến Lâm Tri. Mạnh Tử được tiếp đãi long trọng, được ban cho chức “khanh”,
nhưng trong lúc hỏi đáp, Mạnh Tử đã phê bình dã tâm muốn làm bá của Tề Tuyên
Vương, và căn bản cũng không bàn đến thuật xưng bá mà là bàn về chủ trương “nhân
chính”, nghiêm khắc phê bình những quốc quân vô đạo. Sắc mặt của Tề Tuyên Vương
lúng túng, không lời đáp lại, đành nhìn tả hữu mà nói chuyện khác.
Năm 312 trước công nguyên, nước Yên
phát sinh nội loạn, Tề muốn xuất binh đánh yên, Mạnh Tử kiên quyết phản đối,
ông cùng với Tề Tuyên Vương phát sinh xung đột, mâu thuẫn lộ rõ. Cuối cùng Mạnh
Tử thấy Tề Tuyên Vương không có hứng thù gì đối với học thuyết của mình nên đã
rời khỏi nước Tề.
Cuối đời, Mạnh Tử về lại quê nhà, vừa
dạy học, vừa cùng với những học trò của mình như Vạn Chương 万章, Công Tôn Sửu 公孙丑
trứ thuật bộ Mạnh Tử 孟子,
ghi lại hành trạng và học thuyết tư tưởng của ông.
Năm 305 trước công nguyên, Mạnh Tử qua
đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/7/2015
Nguyên tác Trung văn
Á THÁNH MẠNH TỬ
亚圣孟子
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật