Dịch thuật: Tăng Quốc Phiên (tiếp theo kì 3)

TĂNG QUỐC PHIÊN
(tiếp theo kì 3)

          Năm 1856, Thái bình thiên quốc xảy ra tranh chấp nội bộ. Tháng 3 năm 1858, Dực Vương Thạch Đạt Khai 石达开 dẫn quân Thái bình do mình thống lĩnh đào thoát, thế lực Thái bình thiên quốc dần suy yếu. Thạch Đạt Khai đem quân tấn công Triết Giang, trong một ngày Tô Châu, Hàng Châu thất thủ, thu nhập tài chính của triều Thanh sắp mất. Hàm Phong lo sợ không biết phải làm thế nào.
          Quan viên các tỉnh tấp nập dâng sớ ra sức tiến cử Tăng Quốc Phiên, quý tộc Mãn Thanh Túc Thuận 肃顺 cũng mạnh mẽ yêu cầu nên dùng lại Tăng Quốc Phiên. Hàm Phong liền sai Tăng Quốc Phiên chủ trì quân vụ ở Triết Giang. Tăng Quốc Phiên tiếp nhận thánh chỉ lập tức lên đường, hướng đến Hàm Phong biểu thị quyết tâm tồn vong cùng đất nước, tiêu diệt quân Thái bình.
          Để xoay chuyển bại cục, Hồng Tú Toàn 洪秀全 bãi miễn hai người huynh trưởng gây nhiều việc ác, dùng lại tướng Lâm Thiệu Chương 林绍璋; giao Trần Ngọc Thành 陈玉成, Lí Tú Thành 李秀成, Lí Thế Hiền 李世贤, Vi Tuấn 韦俊làm chủ tướng các quân, khiến cục thế hỗn loạn dần ổn định lại.
          Tháng 9 năm 1858, Lí Tú Thành thống lĩnh thuộc quân đánh bại quân Thanh tại Trừ Châu 滁州, thừa cơ công chiếm Phố Khẩu 浦口, đánh bại đại doanh Giang Bắc của triều Thanh, giải phá vòng vây Thiên Kinh. Tháng 3 năm 1860, Lí Tú Thành, Trần Ngọc Thành, Lí Thế Hiền đánh bại đại doanh Giang Nam.  Khâm sai đại thần Hoà Xuân 和春 bỏ chạy. Quân Thái bình thừa thắng truy sát, công hạ vùng đất trù phú Tô nam. Hoà Xuân và Trương Quốc Lương 张国梁 cùng đường nên tự sát.
          Sự tan vỡ đại doanh Giang Nam đối với triều Thanh là một đòn giáng mạnh. Đại doanh Giang Nam là chủ lực phương nam của quân Thanh, so với Tương quân của Tăng Quốc Phiên đông hơn nhiều, Hàm Phong bố trí đại doanh Giang Nam gần Thiên Kinh, muốn đạt được mục đích lợi dụng Tương quân tự giết lẫn nhau, nhưng đại doanh Giang Nam quá yếu.
          Quân chủ lực Giang Nam cơ bản bị tan vỡ, Hàm Phong không có cách nào bao vây Thiên Kinh, liền đem hi vọng đối phó quân Thái bình chuyển sang Tương quân.
          Sau khi quân Thái bình chiếm lĩnh Tô Châu và Thường Châu, đã giết một số lượng lớn quan viên, địa chủ. Giang Tô, Triết Giang nguy cơ trước mắt, Giang Nam là khu vực giàu có nhất thiên hạ, là nguồn tài nguyên chủ yếu và là kho lương thực. Hàm Phong lập tức phát đi thánh chỉ đến Tăng Quốc Phiên, buộc Tăng Quốc Phiên triệt vây từ An Khánh 安庆 đi dần xuống phía đông thu phục Tô Châu, Thường Châu.
          Tăng Quốc Phiên muốn quân Thái bình rơi vào thế bị động, ông phát hiện, Thiên Kinh trường kì không thể đánh thắng, chủ yếu là nhờ Trừ Châu, An Khánh làm bình phong che chắn, lại có quân chủ lực do Trần Ngọc Thành thống lĩnh nhiều lần đánh bại quân Thanh và Tương quân. Tăng Quốc Phiên quyết định tập trung binh lực tấn công An Khánh.
          Tăng Quốc Phiên sau khi tiếp nhận thánh chỉ, không dám cứng rắn đối đầu như trước đây mà uyển chuyển nêu những khó khăn trùng trùng nếu tấn công Tô Châu, Thường Châu ở phía đông, một là binh lực quá yếu, không có quân để điều động; hai là thân mang nhiều bệnh, không có cách gì đích thân đến Giang Nam. Hàm Phong không còn con đường nào khác đành mặc nhiên thừa nhận.
          Ngày 8 tháng 6, Hàm Phong trao cho Tăng Quốc Phiên chức Tổng đốc lưỡng Giang, lệnh lên đường nhận nhiệm vụ, bảo vệ vùng đất trọng yếu của đất nước.
          Lúc này Hàm Phong đem đại quyền lưỡng Giang giao cho Tăng Quốc Phiên, bảo ông vì triều đình thu hồi lại kho tiền và kho lương. Tăng Quốc Phiên không muốn vì việc nhỏ mà mất việc lớn, ông dâng tấu lên triều đình:
          Việc vây thành An Khánh không thể bỏ.
          Xuất phát từ đại cục, Tăng Quốc Phiên chiêu binh mãi mã thành lập 3 đội quân tiến đến Giang Nam. Sau khi Tăng Quốc Phiên hoàn tất khâu tổ chức chiến dịch bao vây An Khánh vội đến Kì Môn 祁门, An Huy 安徽, tại đây xây dựng một đại bản doanh mới, đồng thời chỉ huy Tương quân đánh Giang, Triết và bao vây An Khánh.
          Hàm Phong vui mừng. Ngày 10 tháng 8, Hàm Phong giao Tăng Quốc Phiên làm Khâm sai đại thần, xử lí chính vụ tại Giang Nam, tiết chế quan phủ các tỉnh ở Giang Nam.  (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 19/7/2015

Nguyên tác
LŨ BẠI LŨ CHIẾN, CHUNG VU SỬ ĐAO PHONG LỢI
屡败屡战终于使刀锋利
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post