Dịch thuật: Cao Dương tửu đồ

CAO DƯƠNG TỬU ĐỒ

          Lưu Bang 刘邦 sinh vào năm 256 trước công nguyên, so với Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 sinh năm 259 trước công nguyên nhỏ hơn 3 tuổi. Hơn nữa đời của ông ở vào lúc quá độ thời Chiến Quốc, nhân cách và tư tưởng của ông do tinh thần thời đại cùng nhân tình phong thổ lúc bấy giờ định hình nên. Phong khí du hiệp cuối thời Chiến Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đối với Lưu Bang. Xuân Thân Quân 春申君 nước Sở, Bình Nguyên Quân 平原君 nước Triệu, Mạnh Thường Quân 孟尝君 nước Tề, Tín Lăng Quân 信陵君 nước Nguỵ là “tứ đại công tử” danh vang hải nội, cũng là những nhân vật mà Lưu Bang ngưỡng mộ. Nhưng địa vị xã hội của Lưu Bang theo không kịp đẳng cấp đại hiệp quốc gia, ông nhiều lắm chỉ là hương hiệp. Du hiệp trọng nghĩa chuộng võ, khảng khái hào sảng, rất coi thường những người đọc sách. Điều này có lẽ là cơ sở cho tính cách coi thường Nho sinh của Lưu Bang. Và Lưu Bang có cái nhìn khác về Nho sinh là bắt đầu từ Cao Dương tửu đồ 高阳酒徒.
          Cao Dương tửu đồ Lịch Dị Cơ 郦食其 (1) người làng Cao Dương 高阳 Trần Lưu 陈留 (nay là huyện Kỉ Nam 河南), thích đọc sách, ham rượu, nhà nghèo, giữ chức Giám môn lại 监门吏. Huyện quan và hiền sĩ hào kiệt đều không dám tin dùng, gọi ông là “cuồng sinh” 狂生; Lịch Dị Cơ thủ tiết đợi thời. Quân khởi nghĩa phản Tần nổi dậy, nghĩa quân của Trần Thắng 陈胜, Hạng Lương 项梁 đi qua Cao Dương, Lịch Sinh đều xem thường, cho rằng tầm nhìn của họ hạn hẹp, thích lễ tiết vụn vặt, không thể cùng mưu việc lớn. Khi Bái Công Lưu Bang dẫn quân tuần hành ngoài thành Trần Lưu, đã hỏi kị sĩ thuộc hạ quê quán Trần Lưu về hiền sĩ hào kiệt nơi đất này. Kị sĩ về nhà, Lịch Dị Cơ nói với kị sĩ rằng:
          Ta nghe nói Bái Công là người ngạo mạn, xem thường người khác, nhưng có mưu đồ to lớn. Đây là nhân vật mà ta bằng lòng đi theo. Ngươi đi nói với ông ta, đồng hương của ngươi là Lịch Sinh, đã hơn 60 tuổi, thân cao 8 xích, mọi người đều gọi là “cuồng sinh”, ông ấy cho rằng ông ấy không phải là cuồng sinh.
          Kị sĩ nói rằng:
          Bái Công không thích Nho sinh, mỗi khi Nho sinh bái kiến, ngang nhiên lấy mũ của người ta xuống rồi tiểu vào đó. Khi nói chuyện cùng Nho sinh thường lớn tiếng la mắng. Ông không thể lấy thân phận Nho sinh để yết kiến.
          Cao Dương tửu đồ người tuy sa sút nhưng tính cách cuồng ngạo, đi đến quân môn cầu kiến. Bái Công nghe nói người này hình trạng giống đại Nho liền sai sứ giả ra nói rằng:
          Bái Công cung kính cảm tạ tiên sinh, nhân đang suy nghĩ thiên hạ đại sự nên không có thời gian tiếp kiến Nho sĩ.
          Lịch Sinh nổi giận trợn mắt, tay chạm kiếm, hét với sứ giả:
          Nhà ngươi mau vào báo với Bái Công, ta là Cao Dương tửu đồ, không phải Nho sinh.
          Bái Công truyền lệnh mời vào, Lịch Sinh ngang nhiên tiến bước. Lúc bấy giờ Bái Công đang tựa sàng, hai cô gái xinh đẹp đang rửa chân cho ông ta. Lịch Sinh chắp tay nhưng không bái, nói rằng:
          Túc hạ muốn giúp triều Tần công phạt chư hầu, hay là muốn thống lĩnh chư hầu lật đổ triều Tần?
          Bái Công mắng rằng:
          Nhãi Nho, thiên hạ trường kì ở dưới sự thống trị bạo ngược của triều Tần, cho nên chư hầu cùng nhau công kích triều Tần, nhà ngươi sao dám nói giúp Tần công phạt chư hầu?
          Lịch Sinh nói rằng:
          Nếu ngài nhất định muốn tụ họp nghĩa binh tru phạt triều Tần vô đạo thì không nên hội kiến bậc trưởng thượng một cách kiêu ngạo.
          Bái Công lập tức ngừng rửa chân, đứng dậy sửa sang quần áo, mời Lịch Sinh ngồi xuống, hướng đến ông ta tạ tội, đồng thời hỏi về kế sách diệt Tần. Lịch Sinh giảng về lịch sử, phân tích hình thế, dâng kế công thủ Trần Lưu.
          Công thủ Trần Lưu là bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp phản Tần của Lưu Bang. Đương thời, Lưu Bang không biết hướng về đâu, nước cờ không định, quân chỉ mấy trăm, lương thảo không nhiều. Lịch Dị Cơ đã chỉ ra cho Lưu Bang  phương hướng đánh Trần Lưu, đặt nền móng cho tập đoàn quân sự Lưu Bang; mở rộng đội ngũ nghĩa quân, từ mấy trăm người lúc khởi binh lên đến cả vạn người, đồng thời có đủ lương thảo trong 3 tháng, khiến hậu cần không phải lo, từ đó có được lực lượng tiến quân. Đó là do công của Cao Dương tửu đồ.
          Lưu Bang cảm kích vị Nho sinh này, phong làm Quảng Dã Quân 广野君. Vị Nho sinh tự xưng là tửu đồ được Lưu Bang trọng dụng, trở thành mưu sĩ trọng yếu lúc Lưu Bang khai sáng nghiệp đế. Về sau Lịch Sinh vì Lưu Bang đi du thuyết bốn phương, liên hợp chư hầu, công lao to lớn.
          Năm 204 trước công nguyên, Sở Hán đánh nhau, Lịch Sinh bàn về đại thế trong thiên hạ, hướng đến Lưu Bang dâng kế sách, nói rằng:
          Hai vị anh hùng không thể cùng đứng chung, Sở Hán giằng co đã lâu mà chưa quyết được, bách tính hỗn loạn, hải nội dao động, nông phu phải bỏ cày, phụ nữ phải bỏ dệt, thiên hạ chưa định về đâu. Xin túc hạ mau tiến binh, thu lấy Huỳnh Dương 荥阳, chiếm thóc của Ngao Thương 敖仓, chẹn cái hiểm của Thành Cao 成皋, chặn đường đến Thái Hàng 大行, chiếm ải Phỉ Hồ 蜚狐, giữ bến Bạch Mã 白马, chư hầu thấy được thế mạnh của địa hình, thì thiên hạ sẽ biết chỗ về.
          Đồng thời Lịch Sinh bằng lòng đi thuyết phục Tề Vương Điền Quảng 田广 lúc bấy giờ, binh nhiều tướng đông đang cát cứ một phương. Kế sách của Lịch Sinh trở thành tư tưởng chiến lược để Lưu Bang đoạt lấy thiên hạ.
          Lịch Sinh đến đất Tề, hướng đến Tề Vương nói rõ lợi hại. Tề Vương vui vẻ đồng ý, bãi binh giữ chiến lược, hàng ngày cùng với Lịch Dị Cơ uống rượu đàm luận.
          Hàn Tín 韩信 nghe tin Lịch Dị Cơ thuyết phục lấy được hơn 70 thành của nước Tề, sợ công cao hơn mình, bèn đang đêm dẫn quân tập kích quân Tề. Điền Quảng cho rằng Lịch Dị Cơ đã lừa mình, lửa giận phừng phừng, nói rằng:
          Ông có thể bảo quân Hán ngừng tấn công, ta không so tính gì, bằng không ta sẽ nấu chín ông.
          Lịch Sinh đáp rằng:
          Cử binh đại sự, không nên để ý việc nhỏ. Nếu gặp đức hạnh lớn, tôi không chối từ, ngài bất tất phải nhiều lời.
          Lịch Sinh khảng khái đi đến chỗ chết. Khi Lưu Bang xưng đế bình định liệt Hầu công thần, đã phong con của Lịch Dị Cơ là Lịch Giới 郦疥 làm Cao Lương Hầu 高梁侯 để tỏ ý không quên công lao.
          Lịch Dị Cơ với thân phận lão Nho sinh, được Cao Tổ xem là thượng khách, vạch kế sách mưu tính thiên hạ, ở một trình độ nhất định đã thay đổi quan niệm coi thường Nho sinh của Lưu Bang, nêu khí thế anh hùng cho Nho sĩ. Đời sau dùng “Cao Dương tửu đồ” để chỉ hạng người ham rượu, cuồng phóng không chịu câu thúc.

Chú của người dịch
1- Về tên gọi Lịch Dị Cơ 酈食其
          Trong Khang Hi tự điển 康熙字典, mục chữ có ghi tên của nhân vật này và chú âm đọc của 3 chữ 酈食其歷異基  (lịch dị cơ) (trang 1266).
          Trong nguyên tác có chú bính âm của 2 chữ 食其yi ji (chữ yi thanh 4, chữ ji thanh 1)
          Như vậy tên của nhân vật là Lịch Dị Cơ.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 11/7/2015

Nguyên tác Trung văn
CAO DƯƠNG TỬU ĐỒ
高阳酒徒
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006. 
Previous Post Next Post