TRÚC TƯƠNG PHI
Tương
truyền vào thời Nghiêu Thuấn, trên núi Cửu Nghi 九嶷 ở Hồ Nam 湖南 có 9 con ác long sống trong 9 hang động, chúng thường
đến sông Tương 湘 giỡn nước, khiến nước dâng tràn mênh mông, làm mùa
màng bị hư hại, nhà cửa bị sụp đổ, nhân dân kêu trời không thấu, tiếng oán than
đầy đường. Đế Thuấn quan tâm đến nỗi thống khổ của dân, biết được tin ác long
làm hại bách tính, ăn không ngon, ngủ không yên, muốn đến phương nam giúp dân
trừ hại, trừ trị ác long.
Đế Thuấn
có hai bà phi tên Nga Hoàng娥皇 và Nữ Anh 女英, là hai cô con gái của Đế Nghiêu. Tuy xuất thân hoàng
gia, lại là đế phi, nhưng hai bà chịu ảnh hưởng và có được sự dạy bảo của
Nghiêu Thuấn, đồng thời không ham hưởng lạc, mà luôn quan tâm đến nỗi thống khổ
của dân. Đối với việc ra đi lần này của Đế Thuấn, hai bà cũng lưu luyến không nỡ
rời. Nhưng, nghĩ đến việc diệt trừ tai hại và nỗi đau khổ cho bách tính vùng
Tương giang, hai bà nén nỗi li sầu đưa tiễn Đế Thuấn lên đường.
Đế
Thuân đi rồi, Nga Hoàng và Nữ Anh luôn chờ đợi tin vui Đế Thuấn chinh phục được
ác long, ngày đêm cầu khấn mong sớm thắng lợi trở về. Nhưng, một năm rồi lại một
năm nữa qua đi, chim én bay đi bay về đã mấy lần, hoa nở hoa tàn đã mấy độ, vậy
mà Đế Thuấn vẫn bặt tin. Hai bà lo lắng, Nga Hoàng nói rằng:
Lẽ nào Đế Thuấn bị ác long làm tổn thương,
hay là nơi tha hương nhuốm bệnh?
Nữ Anh
bảo rằng:
Hay là giữa đường gặp nguy hiểm, hay là đường
núi xa xôi lạc mất phương hướng?
Hai bà
nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ rằng: ở nhà mong chẳng được tin, không thấy người trở
về, chi bằng đi tìm. Thế là Nga Hoàng và Nữ Anh đội sương gió băng rừng vượt suối đến Tương giang ở phía nam tìm chồng.
Trèo hết
núi này sang núi khác, vượt hết sông này đến sông khác, cuối cùng họ cũng đến
được núi Cửu Nghi, men theo giòng Đại Tử Kinh 大紫荆
đến đỉnh núi rồi lại theo giòng Tiểu Tử Kinh小紫荆
xuống núi, tìm khắp từng sơn thôn ở núi Cửu Nghi, đi khắp từng con đường nhỏ ở
núi Cửu Nghi. Một ngày nọ, họ đến một nơi gọi là Tam Phong Thạch 三峰石, nơi đây có 3 khối đá cao vút, trúc xanh vây quanh,
có một ngôi mộ trân châu cao lớn. Họ cảm thấy kì lạ, liền hỏi dân làng bên cạnh:
Đây là phần mộ của ai sao mà hùng tráng mĩ lệ
vậy? Còn 3 khối đá kia sao mà cao và hiểm trở vậy?
Dân
làng gạt nước mắt nói rằng:
Đây là mộ của Đế Thuấn, ông ấy từ nơi phương
bắc xa xôi đến đây giúp chúng tôi diệt trừ 9 con ác long, mọi người nơi đây đã
có một cuộc sống an lạc, nhưng Đế Thuấn cúc cung tận tuỵ, đổ biết bao mồ hôi
cùng tâm huyết, chịu khổ nhọc và bệnh chết nơi đây.
Hoá ra
sau khi Đế Thuấn qua đời, hương thân phụ lão vùng Tương giang cảm kích hậu ân của
ông nên đã xây nên ngôi mộ này. Một bầy hạc tiên trên núi Cửu Nghi cũng cảm động,
chúng sáng chiều bay đến Nam
hải ngậm về từng viên trân châu lóng lánh rải trên mộ Đế Thuấn, trở thành ngôi
mộ trân châu. Còn 3 khối đá lớn là do Đế Thuấn dùng 3 chiếc răng bừa cắm xuống
đất để diệt trừ ác long biến thành. Nga Hoàng và Nữ Anh sau khi biết được sự
tình, đau buồn vô hạn, hai người ôm nhau khóc. Khóc liền 9 ngày 9 đêm, khóc đến
nỗi sưng cả đôi mắt, khan cả giọng. Nước mắt khô, cuối cùng máu chảy, cả hai chết
bên cạnh Đế Thuấn.
Nước mắt
của Nga Hoàng và Nữ Anh rưới lên trúc ở núi Cửu Nghi, trên thân trúc xuất hiện
những vết đốm, tím có, trắng có, còn có cả màu đỏ như máu, đó chính là “Tương Phi
trúc” 湘妃竹. Trên thân trúc còn có những đường vân giống chỉ tay,
tương truyền đó là do hai bà phi gạt nước mắt trên thân trúc lưu lại; lại có
cây trúc mang vết đốm đỏ tươi như máu, đó là huyết lệ từ trong đôi mắt của hai
bà chảy ra nhuốm thành.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 13/6/2015
Nguyên tác Trung văn
TƯƠNG PHI TRÚC ĐÍCH DO LAI
湘妃竹的由来
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật