Dịch thuật: Tập tục trong ngày tết Đoan Ngọ

TẬP TỤC TRONG NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

          Dân gian Trung Quốc ăn tết Đoan Ngọ 端午 tương đối long trọng, hoạt động vui chơi chúc mừng cũng đa dạng. Có mấy hình thức hoạt động tương đối phổ biến sau đây:
1- Đua thuyền rồng
          Đua thuyền rồng là tập tục chủ yếu trong ngày tết Đoan Ngọ. Tương truyền bắt đầu từ khi hiền thần Khuất Nguyên 屈原 nhảy xuống sông tự tận, bách tính nước Sở luôn tưởng nhớ đến ông, nhiều người chèo thuyền theo để vớt xác, khi chèo đến hồ Động Đình 洞庭 thì không thấy tông tích nữa. Về sau vào ngày mồng 5 tháng 5 chèo thuyền rồng để kỉ niệm sự kiện này, mượn việc chèo thuyền rồng để xua đuổi cá trong dòng sông, tránh làm hại đến thi thể Khuất Nguyên. Tập tục đua thuyền thịnh hành ở đất Ngô, Việt, Sở.
          Kì thực, “đua thuyền rồng” sớm đã có từ thời Chiến quốc. Trong tiếng trống dồn dập, thuyền độc mộc khắc hoạ hình rồng đua nhau để làm vui lòng các vị thần đồng thời để mọi người cũng được vui theo, đó là tiết mục mang tính nửa tôn giáo, nửa vui chơi trong nghi thức cúng tế.
          Về sau, việc đua thuyền rồng ngoài kỉ niệm Khuất Nguyên ra, các nơi còn thêm vào những ngụ ý khác.
          Chèo thuyền rồng ở vùng Giang Triết, mang thêm ý nghĩa kỉ niệm Thu Cẩn 秋瑾, nữ dân chủ cách mạng gia cận đại sinh ra ở nơi này. Ban đêm chèo thuyền, treo đèn kết hoa, thuyền qua lại như thoi, cảnh tượng sinh động. Nhân dân tộc Miêu vùng Quý Châu vào ngày 25 đến ngày 28 tháng 5 âm lịch cử hành “long thuyền tiết” 龙船节 (tết thuyền rồng), để mừng vụ gieo trồng thắng lợi đồng thời dự chúc được mùa. Dân tộc Thái ở Vân Nam vào ngày tết “té nước” cũng đua thuyền rồng để kỉ niệm anh hùng Nham Hồng Oa 岩红窝 thời cổ. Các dân tộc khác nhau, các địa phương khác nhau, truyền thuyết chèo thuyền cũng có khác. Ngày nay, không ít khu vực bên sông hồ ở phương nam, vào tết Đoan Ngọ hàng năm đều cử hành hoạt động đua thuyền rồng mang nét đặc sắc của địa phương mình.
          Năm Càn Long 乾隆 thứ 29 (năm 1736), Đài Loan bắt đầu cử hành đua thuyền rồng. Tri phủ Đài Loan đương thời là Tưởng Nguyên Quân 蒋元君 từng chủ trì cuộc đua hữu nghị tại hồ Bán Nguyệt 半月 chùa Pháp Hoa 法华 thành phố Đài Nam. Hiện nay vào ngày mồng 5 tháng 5, tại Đài Loan đều tổ chức đua thuyền rồng. Tại Hương Cảng cũng tổ chức.
          Năm 1980, đua thuyền rồng được xếp vào hạng mục thi đấu thể dục quốc gia Trung Quốc, hàng năm tổ chức đua thuyền “cúp Khuất Nguyên”. Ngày 16 tháng 6 năm 1991 (ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch), tại Nhạc Dương 岳阳 Hồ Nam 湖南, quê hương thứ hai của Khuất Nguyên, tổ chức lần đầu tiên cuộc đua thuyền rồng quốc tế. Trước khi đua, cử hành nghi thức truyền thống được bảo tồn đồng thời thêm vào “long đầu tế” 龙头祭 mang nhân tố hiện đại. “Long đầu” được khiêng ra khỏi miếu thờ, sau khi vận động viên “thướng hồng” 上红 (tức đeo dây đỏ lên đầu rồng), chủ tế sẽ tuyên đọc tế văn, đồng thời “khai quang” 开光 (tức điểm nhãn). Sau đó toàn thể nhân viên tham gia buổi tế cung kính hành lễ, đầu rồng được khiêng đến sông Mịch La 汨罗, hướng đến nơi đua thuyền rồng. Lần đó, tham gia đua, tham gia giao dịch và hoạt động liên hoan có đến hơn 60 vạn người. Từ đó, Hồ Nam định kì tổ chức đua thuyền rồng quốc tế.
2- Ăn bánh tông
          Tết Đoan Ngọ ăn “tông tử” 粽子 (bánh ú / bánh tro) là một tập tục truyền  thống của nhân dân Trung Quốc. “Tông tử” còn gọi là “giác thử” 角黍, “đồng tông” 筒粽.
          Theo truyền thuyết, vào thời Xuân Thu, dùng lá cô (lá giao trắng) gói nếp thành bánh có góc, gọi là “giác thử”; dùng ống trúc cho nếp vào đậy kín rồi nướng lên, gọi là “đồng tông”. Cuối thời Đông Hán, dùng nước tro thảo mộc ngâm nếp, do trong nước tro có chất kiềm, dùng lá cô gói thành bánh hình 4 góc, nấu chín, thành bánh “kiềm thuỷ tông” 碱水粽 của vùng Quảng Đông.
          Đời Tấn, “tông tử” chính thức định thành thực phẩm ngày tết Đoan Ngọ. Lúc bấy giờ, nguyên liệu làm bánh ngoài nếp ra, còn thêm vị thuốc “ích trí nhân” 益智仁. Bánh nấu chín gọi là “ích trí tông” 益智粽. Chu Xứ 周处, người đương thời, trong Nhạc Dương phong thổ kí 岳阳风土记 ghi rằng:
          Tục dĩ cô diệp khoả thử mễ, ….. chử chi, hợp lạn thục, vu ngũ nguyệt ngũ nhật chí Hạ chí đạm chi, nhất danh tông, nhất danh thử.
          俗以菰叶裹黍米, ….. 煮之, 合烂熟, 于五月五日至夏至啖之, 一名粽, 一名黍.
          (Tục lấy lá cô gói nếp, … nấu lên, chín nhừ, ăn vào ngày mồng 5 tháng 5 đến Hạ chí, bánh có tên là tông, một tên khác là thử)
          Thời Nam Bắc triều, xuất hiện “tạp tông” 杂粽. Ngoài nếp có thêm thịt, hạt dẻ, táo đỏ, đậu đỏ … Tông tử còn được dùng làm lễ vật tặng nhau.
          Đến thời Đường, xuất hiện bánh có hình thoi, hình trái ấu. Thời Tống, có “mật tiễn tông” 蜜饯粽, tức cho mứt trái cây vào làm nhân bánh. Thi nhân Tô Đông Pha 苏东坡 có câu:
Thời vu tông lí kiến dương mai
时于粽里见杨梅
(Lúc bấy giờ trong bánh tông thấy có dương mai)
          Lúc này còn xuất hiện còn dùng bánh tông xếp thành lâu đài đình các, mộc xa ngưu mã để quảng cáo, cho thấy thời Tống ăn bánh tông rất thịnh hành. Thời Minh – Thanh, nguyên liệu gói bánh từ lá cô đổi sang lá nhược (một thứ tre lá to). Sau lại xuất hiện dùng lá lô vĩ 芦苇 (lau sậy) để gói. Nguyên liệu phụ gia có thêm thịt heo, táo, hồ đào, tùng tử nhân … chủng loại càng phong phú.
          Ngày nay, hàng năm vào đầu tháng 5, nhà nhà đều ngâm nếp, rửa lá, gói bánh tông. Nhìn từ nhân bánh, phương bắc đa phần gói bánh tông Bắc Kinh nhân táo; phương nam nhân bánh có đậu, thịt, trứng … trong đó đại biểu là bánh tông Gia Hưng 嘉兴 Triết Giang. Phong tục ăn bánh tông từ ngàn năm nay thịnh hành không suy, mà còn lưu truyền đến các nước lân cận.
3- Đeo túi thơm
          Tết Đoan Ngọ, trẻ em đeo túi thơm, truyền thuyết cho rằng mang ý nghĩa trừ tà xua đuổi ôn dịch. Trong túi đựng chu sa, hùng hoàng, hương dược, bên ngoài bọc tơ, mùi thơm lan toả. Dùng chỉ ngũ sắc bện thành dây đeo, tạo ra những hình trạng khác nhau, xâu thành chuỗi, muôn màu muôn vẻ, rất đáng yêu.
4- Trứng Đoan Ngọ
          Tết Đoan Ngọ vùng Cao Bưu 高邮 tương đối đặc thù, có tập tục đeo dây, dán hình ngũ độc (1), dán bùa, ăn “thập nhị hồng” 十二红 (2), trẻ con thích đeo “áp đản lạc tử” 鸭蛋络子, tức chọn những quả trứng vịt đẹp đựng trong lưới được đan bằng chỉ màu đeo trước ngực.
5- Treo cành ngải và xương bồ
          Ngạn ngữ có câu:
Thanh Minh sáp liễu, Đoan Ngọ sáp ngải
清明插柳, 端午插艾
(Thanh Minh cài cành liễu, Đoan Ngọ cài cành ngải)
          Vào tết Đoan Ngọ, cài cành ngải và xương bồ được xem là một trong những nội dung trọng yếu. Nhà nhà đều quét dọn sạch sẽ, dùng lá xương bồ, cành ngải cài nơi cửa, treo trong phòng. Đồng thời dùng lá xương bồ, lá ngải, hoa lựu, tỏi tạo thành hình người hoặc hình con hổ, gọi đó là “ngải nhân”, “ngải hổ”: chế thành vòng hoa, đẹp và thơm, phụ nữ tranh nhau đeo dùng để xua đuổi điềm xấu.
          Ngải , còn có tên là “gia ngải” 家艾, “ngải hao” 艾蒿. Cọng và lá của nó có chứa tinh dầu thơm. Mùi thơm của nó có thể xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi, kiến, có thể làm sạch không khí. Trong Trung y, ngải là một vị thuốc.
          Xương bồ 菖莆 là một loại thực vật, lá của nó hẹp và dài cũng có chứa tinh dầu thơm, dùng để đề thần thông khiếu, kiện cốt tiêu trệ, sát trùng diệt khuẩn.
          Có thể thấy, người xưa cài cành ngải và xương bồ nhất định có tác dụng phòng bệnh. Tương truyền tết Đoan Ngọ cũng là “vệ sinh tiết” 卫生节 từ cổ lưu truyền lại. Vào ngày này, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ, cài cành ngải, treo cành xương bồ, rảy nước hùng hoàng, uống rượu Hùng hoàng, diệt trừ sau bọ, sát khuẩn phòng bệnh. Tết Đoan Ngọ lên núi hái thuốc cũng là tập tục chung của các dân tộc trên đất nước Trung Hoa.

Chú của người dịch
1- Hình ngũ độc: ngày tết Đoan Ngọ, trong dân gian Trung Quốc có tập tục dán hình ngũ độc. Dùng giấy đỏ vẽ hình 5 con vật được họ cho là độc, sau đó dùng kim châm lên những hình đó, cho rằng vật độc đã bị đâm chết không còn hoành hành nữa.
2- Thập nhị hồng 十二红: chỉ 12 món ăn vốn có sắc đỏ hoặc nấu chín đỏ.
  
                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 21/6/2015
Nguồn
Previous Post Next Post