Dịch thuật: Tăng Quốc Phiên (kì 2)

TĂNG QUỐC PHIÊN
(kì 2)

SÁNG LẬP TƯƠNG QUÂN,
 CÓ CƠ HỘI BÁO ĐÁP QUÂN VƯƠNG

          Năm Tăng Quốc Phiên 曾国藩 vào Hàn lâm viện, năm đó nổ ra cuộc chiến tranh nha phiến. Thống trị phong kiến triều Thanh ở vào tình thế lo trong lo ngoài, hiểm hoạ diệt vong chực sẵn.
          Tăng Quốc Phiên xuất thân từ tiểu địa chủ, sống nơi sơn thôn, nếu không có chế độ khoa cử, không khắc khổ dụng công, thì không có cách gì trở thành Tể tướng quyền quý. Ông thăng tiến rất nhanh, địa vị quan trọng, kiêm chức cũng nhiều, nhiều sĩ đại phu mong muốn mà chưa được. Đối với triều Thanh, Tăng Quốc Phiên lòng đầy cảm kích. Từ năm 1850 trở đi, ông không còn mưu cầu sự phát triển cho bản thân mà chuyển sang sự đấu tranh sinh tồn vì triều Thanh, cúc cung tận tuỵ quyết tâm cứu vãn cục diện của triều Thanh.
          Tháng 3 năm 1850, Hàm Phong 咸丰 lên ngôi. Để thoát cục diện nguy hiểm, chấn hưng lại quốc uy của đế quốc Đại Thanh, Hàm Phong vừa mới lên ngôi đã bãi truất người đứng đầu Quân cơ đại thần là Mục Chương A 穆彰阿 vì đã cản trở việc cấm thuốc phiện, đồng thời nghiêm trị phái đầu hàng, Khâm sai đại thần Kì Anh 耆英. Hàm Phong hạ lệnh tiếp nhận lời can gián, sai quan lại phụ trách luận chứng, niêm phong mật tấu lên triều đình. Tăng Quốc Phiên nhìn thấy cơ hội báo đáp quân vương cuối cùng cũng đã đến, vô cùng vui mừng. Ngày 13 tháng 4 dâng lên một phong mật tấu, phê bình gay gắt lại trị hủ bại, mạnh mẽ thỉnh cầu Hàm Phong theo đó thi hành, cải cách tệ chính.
          Ngày 11 tháng 1 năm 1851, Hồng Tú Toàn 洪秀全 lãnh đạo giáo dân khởi nghĩa tại thôn Kim Điền 金田 Quảng Tây 广西, dấy lên phong trào “Thái bình thiên quốc” 太平天国. Nông dân Quảng Tây chịu không nỗi sự áp bức phong kiến đã lũ lượt tham gia quân Thái bình. Quân Thái bình nhanh chóng lớn mạnh, đánh bại Bát kì binh và Lục doanh binh, khiến giai cấp địa chủ và quan phủ hoảng sợ.
          Lúc bấy giờ, Tăng Quốc Phiên tại kinh thành kiêm nhiệm Binh bộ Tả thị lang, trong lòng muôn phần lo lắng. Tháng 4 năm 1851, Tăng Quốc Phiên liên tục dâng sớ, yêu cầu cắt bớt quân số, giảm lương hướng, tăng việc luyện binh, hi vọng nhanh chóng xây dựng được một đội quân mạnh mẽ đầy sức chiến đấu.
          Theo sự lớn mạnh của lực lượng Thái bình thiên quốc, nông dân nhiều địa phương cũng nhân cơ hội giương cao ngọn cờ hưởng ứng Thái bình thiên quốc. Thanh thế cách mạng của Thái bình thiên quốc ngày càng lớn, Tăng Quốc Phiên lòng như lửa đốt. Tháng 5 năm 1851, ông lại dâng sớ thỉnh cầu Hàm Phong bỏ  đi khí “kiêu căng”, xoay chuyển “phong khí cung kính khiếp sợ” của các đại thần, bức Hàm Phong sớm hạ chiếu quyết tâm cải cách tệ chính.
          Tháng 6, Tăng Quốc Phiên cải nhậm Hình bộ thị lang, ông càng được tiếp cận dân tình, phát hiện sự thống trị của triều Thanh sắp băng hoại. Tháng 1 năm 1852, Tăng Quốc Phiên lại dâng “Bị trần dân tật khổ sớ” 备陈民疾苦疏, hi vọng Hàm Phong quả đoán thi thành, làm dịu mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân, lấy đó ngăn chận các cuộc khởi nghĩa nông dân bạo phát. Sự thực, Hàm Phong hạ lệnh trưng lời chỉ là giả vờ để cứu vãn nhân tâm, thiếu khí phách và đảm lược cải trừ tệ chính.
          Đầu năm 1853, Hán Dương gặp nạn, quân Thái bình đánh đến thành Vũ Xương 武昌tỉnh hội của Hồ Bắc 湖北, chấn động thiên hạ. Hàm Phong sợ đến mức toàn thân run rẩy, vội phái Hướng Vinh 向荣 làm Khâm sai đại thần, dẫn quân đến Vũ Xương cứu viện. Lúc này Hàm Phong nghĩ đến Tăng Quốc Phiên người từng liên tục nghị sự, cho rằng Tăng Quốc Phiên có thể gánh nỗi lo của triều đình.
          Ngày 8 tháng 1, Tăng Quốc Phiên được thăng nhậm Hồ Nam Tổng luyện đại thần, phụ trách nghiêm trừng thổ phỉ, vỗ an Hồ Nam.
          Khi chính phủ triều Thanh trấn áp hoạt động phản kháng của nông dân các tỉnh, phải đối mặt với nguy khốn binh lực không đủ, tài chính kiệt quệ, tạm thời lấy thủ đoạn phụ trợ của Tổng biện đoàn luyện gấp rút thực thi. Chẳng bao lâu, Hàm Phong phái Tăng Quốc Phiên giúp Tuần phủ biện đoàn luyện, tiễu trừ thổ phỉ. Tăng Quốc Phiên phát hiện Bát kì binh và Lục doanh binh quá hủ bại, quyết định nhân cơ hội này kiến lập một đội Tương quân 湘军tinh nhuệ. Nhưng Tăng Quốc Phiên không dám kháng chỉ, đành giúp cho đại kì đoàn luyện, âm thầm kiến lập Tương quân 湘军.
          Trên cơ sở  Tương dũng 湘勇, Tăng Quốc Phiên kiến lập Tương quân, tiến hành cải cách đối với chế độ đoàn luyện. Đầu tiên dùng mộ binh chế thay thế binh chế, đem “binh vi quốc hữu” 兵为国有 biến thành tư hữu. Thống lĩnh Tương quân đều là thân tín của Tăng Quốc Phiên, yêu cầu phải biết đánh trận, không sợ chết, không ham danh lợi.
          Tăng Quốc Phiên hạ lệnh, nguyên tắc chiêu mộ Tương quân là: thống lĩnh 统领 do Đại soái tuyển chọn, doanh quan 营官 do thống lĩnh tuyển chọn, sáo quan 哨官do doanh quan tuyển chọn, thập trưởng 什长 do sáo quan tuyển chọn, sĩ binh do 士兵 do thập trưởng chọn lựa. Ông dùng ân nghĩa phong kiến để lôi kéo nhân tâm, tăng cường sự thống trị tuyệt đối của cấp trên đối với cấp dưới.
          Tương quân lấy hương nghị 乡谊, thích nghị 戚谊, sư hữu 师友của phong kiến làm sợi dây nối liền tổ chức, mộ binh chủ yếu tại Hồ Nam, rất ít mộ người ngoài. Tướng hiệu môn của Tương quân chủ yếu là bạn bè thân hữu của Tăng Quốc Phiên, cố lại môn sinh chỉ nghe mệnh lệnh của ông. Như vậy, Tăng Quốc Phiên đã đem Tương quân từ đoàn luyện mang tính phụ trợ kiến lập thành một đội quân kiểu mới độc lập.
                                                                                                 (còn tiếp)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 16/6/2015

Nguyên tác
SÁNG BIỆN TƯƠNG QUÂN
HỮU LIỄU BÁO HIỆU QUÂN VƯƠNG ĐÍCH CƠ HỘI
创办湘军有了报效君王的机会
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post